Tại buổi tọa đàm, 3 chuyên gia nhấn mạnh, bệnh do phế cầu, nguy hiểm nhưng có thể phòng.
Tại buổi Tọa đàm " Bệnh do phế cầu nguy hiểm nhưng có thể phòng", BS.CKII. Hoàng Quốc Tưởng, Giảng viên Bộ môn Nhi – Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, cho biết, phế cầu khuẩn có tên khoa học là Streptococcus pneumoniae, là vi khuẩn gram dương, sống thường trú vùng mũi họng. Nếu nhiễm phế cầu khuẩn có biến chứng tỉ lệ tử vong có thể tăng lên đến 50%.
Phế cầu khuẩn là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều bệnh nguy hiểm
BS.CKII. Hoàng Quốc Tưởng, Giảng viên Bộ môn Nhi - Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cho biết, bệnh có thể xảy ra trên mọi đối tượng không chỉ cho trẻ nhỏ mà cả người lớn tuổi, người bệnh lý nền, có thể trạng suy kiệt, giảm miễn dịch… Nếu nhiễm phế cầu khuẩn có biến chứng, thì tỉ lệ tử vong có thể tăng lên đến 50%.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2022, ước tính phế cầu khuẩn là nguyên nhân gây tử vong cho hơn 300.000 trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới mỗi năm. Hầu hết những trường hợp tử vong này xảy ra ở các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam, hàng năm, có khoảng 4.000 trẻ em tử vong vì viêm phổi trong tổng số 2,9 triệu ca mắc. Người lớn, người có hệ miễn dịch yếu, người có bệnh nền… chính là nhóm đối tượng có nguy cơ cao được các chuyên gia khuyến cáo cần phải chú ý phòng ngừa bệnh.
Phế cầu khuẩn có thể được phân lập từ vòm họng của 5-90% người khỏe mạnh, tùy thuộc vào dân số và môi trường. Cụ thể, 5-10% người lớn là người mang mầm bệnh; 20-60% trẻ em trong độ tuổi đi học có thể là người mang mầm bệnh; 50-60% nhân viên phục vụ tại các cơ sở quân sự có thể là người mang mầm bệnh. Thời gian mang mầm bệnh khác nhau và thường ở trẻ em sẽ kéo dài hơn người lớn. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu chưa hiểu rõ mối quan hệ của việc mang mầm bệnh với sự phát triển khả năng miễn dịch tự nhiên.
Làm thế nào để phòng tránh bệnh gây ra do phế cầu khuẩn?
Theo TS.BS Nguyễn Huy Luân - Trưởng Đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, thông thường, nguyên nhân gây ra bệnh là do vi khuẩn hoặc virus. Các bệnh đồng mắc của bệnh nhân, nhiễm virus đồng thời, nhiệt độ thấp (không khí lạnh hay giai đoạn giao mùa) và các chất ô nhiễm môi trường đều có tác dụng hiệp đồng dẫn đến nhiễm trùng phế cầu khuẩn, gây tác động xấu lên biểu mô đường hô hấp và hệ thống miễn dịch tại chỗ, làm giảm khả năng thanh thải của vi khuẩn và tạo điều kiện cho nhiễm trùng. Nếu người bệnh vừa bị nhiễm virus cúm mà lại cũng có bội nhiễm thêm phế cầu khuẩn thì nguy cơ tử vong sẽ tăng lên gấp 8 lần…
Để chẩn đoán nhiễm phế cầu khuẩn, cần phải biết cơ quan nào bị nhiễm bệnh. Cụ thể, nếu viêm tai giữa trẻ có thể bị sốt, đau tai, chảy mủ tai… Viêm phổi thì trẻ sẽ thở nhanh, khó thở, thở co kéo SpO2 giảm…nếu bệnh nặng hơn thì có thể gây ra nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não. Trẻ em chưa biết nói, biểu hiện sẽ không rõ ràng, chỉ có thể chẩn đoán bệnh bằng các dấu chứng lâm sàng. Chẩn đoán xác định bệnh thì phải có cấy khuẩn dương tính với phế cầu khuẩn trong mẫu cấy đàm, dịch ống tai…hay hình ảnh X-quang, CTScan…
Điều đáng lo ngại nhất là, điều trị bệnh nhiễm khuẩn thì phải sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, hiện vi khuẩn phế cầu đang ngày càng tăng mạnh sự đề kháng với các loại kháng sinh. Và vì thế việc điều trị sẽ khó khăn hơn.
PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Chủ nhiệm Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo, điều trị sẽ chắc chắn khỏi, nếu bệnh được phát hiện sớm, điều trị sớm. Trường hợp bệnh nặng, có biến chứng, thì việc điều trị sẽ khó khăn và có thể để lại các di chứng nặng như mù, điếc, liệt hoặc chậm phát triển tâm thần kinh… và có thể làm gia tăng tỉ lệ tử vong.
Theo PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, nếu người bệnh có triệu chứng, sốt cao trên 2 ngày, nôn ói, li bì nên nhập viện để bác sĩ chẩn đoán tìm nguyên nhân gây bệnh. Để phòng bệnh, cần tuân thủ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, mang khẩu trang khi tiếp xúc với người có triệu chứng viêm đường hô hấp, rửa tay thường xuyên, và tránh tiếp xúc đông người, đặc biệt đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh lý do phế cầu. Bên cạnh đó, cần tăng cường sức đề kháng qua chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, năng tập thể dục, giữ ấm cho trẻ, người cao tuổi khi thời tiết thay đổi, mùa lạnh…
Các đối tượng, trẻ em từ 2 tháng tuổi; người trên 65 tuổi; người có hệ thống miễn dịch yếu; người mắc các bệnh lý nền; người hút thuốc lá, nghiện rượu nặng; người bệnh trải qua phẫu thuật hoặc mắc bệnh nghiêm trọng… nên chủ động phòng ngừa bệnh liên quan phế cầu khuẩn bằng vaccine.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!