Chương trình Cất cánh tháng 3 với chủ đề "Những nẻo đường hạnh phúc" lên sóng VTV1 vào tối 19/3 với ba nhân vật là ba người phụ nữ với những câu chuyện truyền cảm hứng. Đó là chị Lý Tả Mẩy, xã Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai, trên con đường xây dựng thương hiệu quê hương. Nhân vật thứ hai là nhà thơ Lữ Mai, phóng viên báo Nhân dân, tác giả tập Trường ca hồi sinh viết về đại dịch COVID-19 với câu chuyện về con đường của riêng mình. Diễn giả thứ ba là bà Phạm Kim Hoàng (Tiền Giang), người phụ nữ 71 tuổi, 4 năm đi xe buýt học thạc sĩ với câu chuyện về con đường chinh phục tri thức. Nhà báo Nguyễn Việt Thanh, Báo Vietnam News, Thông tấn xã Việt Nam, là khách mời bình luận đồng hành trên đường băng của Cất cánh tháng 3.
Cất cánh Khắp đất nước chúng ta luôn luôn là những nẻo đường tươi đẹp được đánh dấu bằng những bước chân của những người Việt Nam. Chuyến bay tháng 3 của Cất cánh sẽ mang tới câu chuyện về lựa chọn con đường đi riêng, những lý tưởng sống, mục đích sống riêng. Dù ở bất cứ độ tuổi nào, đôi mươi, trung niên hay đã già thì họ vẫn luôn tìm được niềm vui, sự hứng khởi trên mỗi bước chân của mình. Dù đang ở đâu, thành phố hay nông thôn, miền núi hay những vùng đồng bằng thì trên mỗi nẻo đường, chọn ngã rẽ nào, họ cũng nỗ lực vì tin rằng luôn có hoa hoa hồng trên mỗi bước chân. Nếu có chông gai, có gian truân hay thất bại thì những trải nghiệm là vô cùng đáng giá. Hạnh phúc luôn chờ đón ở phía trước.
Nhân vật đầu tiên xuất hiện trên đường băng Cất cánh tháng 3 - chị Lý Tả Mẩy, người phụ nữ người Dao đến từ xã Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai - mang tới câu chuyện dám thay đổi để làm du lịch văn minh, hiện đại và hiệu quả.
9 tuổi mới đi học lớp 1, Lý Tả Mẩy có ước mở trở thành một cô giáo. Thời điểm đó, cô bé Mẩy vừa đi học, vừa bán hàng rong và làm nương rẫy giúp gia đình. Sau khi học hết cấp 2, bố mẹ Mẩy muốn gả chị đi lấy chồng, bởi theo lẽ thường ở bản, con gái đến tuổi 15-16 thì phải lấy chồng rồi. Nhưng Mẩy đã phản đối, đấu tranh để không phải đi lấy chồng sớm. Dù bố mẹ rất giận dữ nhưng sau đó cũng dần hiểu ra và chấp nhận.
Khi học cấp 3, Lý Tả Mẩy lựa chọn học chương trình cấp tốc - mỗi tuần chỉ học 2 buổi, thời gian còn lại chị đi làm thêm hướng dẫn viên du lịch. Với chị, đó là sự may mắn, bởi làm hướng dẫn viên du lịch như là làm một cô giáo, vừa được chia sẻ, vừa được học hỏi. Năm 2016, Lý Tả Mẩy bắt đầu xây dựng căn nhà mở dịch vụ homestay. Lúc đó, chị gặp rất nhiều khó khăn, chưa tưởng tượng mình sẽ làm như thế nào… May mắn lại đến với chị khi khách của homestay chủ yếu là khách quốc tế - họ đến chủ yếu để trải nghiệm, không yêu cầu dịch vụ quá cao. Tuy nhiên, nếu để mở rộng kinh doanh thì chị nhận thấy mình còn thiếu rất nhiều.
Năm 2019, chị Lý Tả Mẩy nhận được thông báo đi dự lớp tập huấn nâng cao năng lực làm dịch vụ du lịch. Nhờ lớp học, chị nhận ra ý tưởng du lịch cộng đồng rất hay. Cuối năm đó, hợp tác xã du lịch Tả Phìn được thành lập dưới sự hỗ trợ của Phòng VHTT Du lịch Sa Pa và dự án Great của chính phủ Úc. Chị Mẩy được bà con tín nhiệm bầu tôi làm Giám đốc hợp tác xã. Từ đó, chị em phụ nữ ở Tà Phìn tự tin thay đổi tư duy, cùng chung tay xây dựng hình ảnh điểm du lịch cộng đồng của bản Tả Phìn ngày càng đẹp lên. Hạnh phúc lớn nhất là tôi thấy mình góp phần vào nhóm cộng đồng ấy, thay đổi tư duy làm du lịch. Nếu trước đây Tà Phìn có vấn nạn bán hàng rong chèo kéo, đeo bám khách du lịch thì từ khi cộng đồng tham gia cùng nhau, vấn nạn ấy đã được giảm bớt. Công tác vệ sinh môi trường đã được thay đổi rõ rệt.
Năm 2020, HTX hoàn thành để đi vào hoạt động thì lại gặp dịch COVID-19. Các hộ làm dịch vụ du lịch lao đao vô cùng, thậm chí các hộ đang nâng cấp cải tạo nhà cửa cũng phải bỏ dở. Lúc ấy, dự án giúp các chị em ở Tà Phìn tiếp cận ứng dụng công nghệ để bán hàng online. Ngay lập tức, chị Mẩy áp dụng bán thuốc tắm người Dao trên zalo, facebook… "Nếu trước đây trung bình mỗi tháng doanh thu 5-7 triệu đồng thì tháng Tết vừa rồi đạt 20 triệu/ tháng - con số khiến tôi rất bất ngờ", chị Mẩy tiết lộ.
Khách mời bình luận, nhà báo Nguyễn Việt Thanh, rất bất ngờ trước câu chuyện của Lý Tả Mẩy: "Những điều bạn làm rất tuyệt vời, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh như vậy, rất đáng được ghi nhận". Nhà báo Việt Thanh mong muốn chị Mẩy cũng như những người làm du lịch ở địa phương sẽ tiếp tục nâng cao gìn giữ môi trường để phát triển du lịch bền vững.
Chị Lý Tả Mẩy mở đầu phần diễn thuyết trong Cất cánh tháng 3/2022.
Nhà báo Lữ Mai cho biết chị xuất hiện trên đường băng Cất cánh để kể câu chuyện về quá khứ- câu chuyện về đại dịch COVID-19 bằng trường ca Hồi sinh. Trường ca là những khúc tri ân những con người đã không chỉ sống cho mình mà mở rộng ra trái tim họ chứa đựng tất cả những tinh thần nhân ái, bao dung, vị tha và hy sinh hạnh phúc cá nhân để mọi người có sự an toàn, có được sự hồi sinh trong tương lai.
Chị cho biết, trong giai đoạn toàn xã hội phải đối diện với dịch COVID-19, nhiều bạn bè, đồng nghiệp của chị đã gọi điện tạm biệt để đi vào vùng dịch, không ai hẹn ngày về, không ai biết ngày mai sẽ ra sao. Con gái chị từng hỏi: "Nếu mẹ được gọi vào vùng dịch, mẹ có bỏ con để đi không?", chị Mai đã kể cho con rất nhiều câu chuyện. Đó là câu chuyện về những em nhỏ còn rất bé bỏng, còn cần đến dòng sữa mẹ và sự vỗ về ấp ủ, nhưng các em cũng đang phải xa mẹ, xa bố vì bố mẹ các em đang làm nhiệm vụ ở tâm dịch.
Chị đã cầm bút viết trường ca Hồi sinh từ những dung cảm của thế giới trẻ thơ: "Ngày mai ùa tới/ Chỉ gió chơi cùng/ Gió khẽ xoa lưng/ Như bàn tay mẹ". Chị viết về những y bác sĩ tuyến đầu chống dịch đã hy sinh phần hạnh phúc của mình, căng mình chống dịch. Chị cũng viết về các lực lượng bộ đội, công an mà rất nhiều người trong đó đã chết lặng trước bàn thờ vọng mà người thân của họ đã ra đi nhưng không thể về chịu tang.
Chị đã viết về những vùng quê nghèo oằn mình chống dịch nhưng sẵn sàng mở lòng mình ra đón những đứa con hồi hương. Có nhiều câu chuyện chị gửi gắm trong trường ca Hồi sinh nhưng có một sự thật chị thú nhận rằng dù chị có viết bao nhiêu câu chuyện, đào sâu tới bao nhiêu vỉa tầng thì chị cũng không thể chạm tới tất cả những sự thật, nỗi hy sinh, sự thẳm sâu của kiếp người, của số phận. Chị xem đó là món nợ mà chị cảm thấy chị nợ tất cả những người đã hy sinh.
Khúc trường ca của Lữ Mai là một nhành hoa tưởng niệm, là một tấm lòng của một người mẹ. Chị muốn dành tình yêu thương đó cho sự hồi sinh, cho thế hệ tương lai. Nhà thơ Lữ Mai quyết định dành toàn bộ doanh thu từ việc phát hành cuốn sách để ủng hộ trẻ em mồ côi và có hoàn cảnh khó khăn vì COVID-19.
Nhà thơ, nhà báo Lữ Mai gây xúc động trong Cất cánh tháng 3 với câu chuyện của mình.
Diễn giả thứ ba xuất hiện trên đường băng Cất cánh tháng 3 là bà Phạm Kim Hoàng, năm nay 71 tuổi (Cai Lậy, Tiền Giang) với câu chuyện đi học thạc sĩ khi tuổi đã cao. Cách đây 5 năm, bà Hoàng quyết định đi học thạc sĩ ở tuổi 66. Năm 2021, bà nhận tấm bằng thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh sau 4 năm theo học.
Nói về quyết định thi và học ở tuổi này, bà Kim Hoàng chia sẻ: "Người ta ở thời đại 4.0, còn tôi 0.4 nên tôi muốn tiến kịp, bắt kịp con cháu, những người trẻ ở xung quanh. Khi nhận được email báo trúng tuyển, tôi rất vui mừng và quyết định phải đi học chứ".
Ban đầu, bà Hoàng cũng tính chọn một ngành học ở trường đại học Tiền Giang gần nhà, nhưng vì nộp hồ sơ trễ nên mất cơ hội. Tình cờ thấy ở trường đại học Văn Hiến, thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh lớp thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh nên nộp hồ sơ luôn, không để trễ thêm nữa.
Nhiều câu chuyện thú vị trong quá trình học đã được bà Kim Hoàng chia sẻ với khán giả Cất cánh. Hàng tuần, từ Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh, bà đi đi về về, bởi ở nhà còn có mẹ hơn 90 tuổi.
Bà nghĩ chắc có nhiều thầy cô khi nhìn thấy bà sẽ lo lắng không biết phải ôn tập cho bà bao nhiêu lần mới qua được môn họ dạy. Tuy nhiên, bà luôn nỗ lực không ngừng và kết quả là học đúng tiến độ, không thi lại. Ngay cả khi làm bài tập nhóm, bà Hoàng cũng rất lo mình có làm tròn nhiệm vụ trong nhóm không nên sự cố gắng vì thế không ngừng nghỉ. Học lý thuyết, rồi bà cũng đi thực tế ở doanh nghiệp như các học viên khác.
Dù vậy, khó khăn lớn nhất với bà là lúc đưa ra quyết định đi học, chứ không phải quá trình học học.
Là giáo viên dạy văn, nhưng bà Kim Hoàng lại chọn học thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh. Lý giải về điều này, bà cho biết đó là thử thách, "khó mới thích" và vì ngành này cũng mới mẻ với bà. Không chỉ vậy, bà còn học thêm các nghiệp vụ khác và tiếng Anh.
Khách mời bình luận, nhà báo Nguyễn Việt Thanh vô cùng ngạc nhiên trước câu chuyện của bà Kim Hoàng. "Cách kể giản dị, chân thành nhưng đó là sự vô cùng nghị lực, đáng ngưỡng mộ" - nhà báo Việt Thanh bày tỏ.
Bà Kim Hoàng là nhân vật thứ ba của Cất cánh tháng 3.
Quý vị có thể theo dõi lại toàn bộ chương trình Cất cánh tháng 3 năm 2022 qua video sau đây:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!