Cất cánh tháng 10: Những con người luôn nặng lòng với quê hương

Thanh Huyền-Chủ nhật, ngày 22/10/2023 12:35 GMT+7

VTV.vn - Ở lứa tuổi và lĩnh vực khác nhau nhưng những diễn giả tham gia Cất cánh tháng 10 đều có cùng chung một mong muốn đó là cống hiến xây dựng quê hương.

9 tháng đã đi qua với nhiều khó khăn và thách thức. Đây là thời điểm của quý cuối cùng của một năm, là thời điểm để tăng tốc, bứt phá hoàn thành các mục tiêu đề ra và cùng nhìn lại cả quá trình đã qua. Lựa chọn hướng đi, lựa chọn con đường nào để xây dựng sự nghiệp, để khẳng định bản thân và đóng góp cho cộng đồng, xã hội đều là những lựa chọn khó khăn, là quá trình phấn đấu đầy gian khó. Điều gì đã khiến cho những con người ấy luôn có những động lực phấn đấu mạnh mẽ như thế?

Cất cánh tháng 10 với chủ đề "Những nẻo đường quê hương" là những câu chuyện của những con người bằng nỗ lực tự thân, sự gắn bó máu thịt với nguồn cội và tinh thần dân tộc bất khuất đã, đang và sẽ cống hiến để xây dựng quê hương, để khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chương trình có sự tham gia của khách mời bình luận – TS. Nguyễn Sĩ Dũng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ba diễn giả trong Cất cánh tháng 10 là Anh hùng lao động Nguyễn Quang Mâu - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Gốm Đất Việt; TS. Trương Nguyễn Xuân Quỳnh - Cố vấn Công tác xã hội của Đại học y dược thành phố Hồ Chí Minh; Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga - Phó Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Giữ gìn hòa bình Việt Nam, Bộ Quốc Phòng.

Cất cánh tháng 10: Những con người luôn nặng lòng với quê hương - Ảnh 1.

Mỗi mảnh đất quê hương có một bản sắc khác nhau, nuôi dưỡng những tâm hồn phong phú. "Đất cùng ta trải bao nắng bao ngày mưa, Đất ôm trọn kiếp người mảnh đất quê hương ta. Đất yêu người bàn chân lấm bùn khuya sớm". Và chính mảnh đất thân yêu gắn bó máu thịt là cội nguồn của sức mạnh nội tại trong mỗi con người. Câu chuyện của Anh hùng lao động Nguyễn Quang Mâu là một minh chứng cho điều đó.

Cất cánh tháng 10: Những con người luôn nặng lòng với quê hương - Ảnh 3.

Cuối năm 2020, Anh hùng Lao động Nguyễn Quang Mâu vinh dự đón nhận danh hiệu Tiến sĩ danh dự của Viện Đại học Kỷ lục thế giới, trực thuộc Liên minh Kỷ lục thế giới. Đây là sự ghi nhận cho những sáng kiến và đóng góp to lớn của ông trong việc đưa ngành sản xuất gạch, ngói đất sét nung Việt Nam vươn tầm ra thế giới.

Hơn 50 năm tuổi nghề, với mong muốn thay đổi cuộc sống của một chàng thanh niên đầy nhiệt huyết, đầy đam mê của tuổi trẻ, từ quê nhà Thái Bình, ông đã đến với đất mỏ Quảng Ninh để thực hiện những ước mơ hoài bão của mình và gắn bó tới ngày hôm nay. Tình yêu với đất, duyên nợ với những sản phẩm từ đất đã gắn bó với người đàn ông này hơn nửa thế kỷ và trở thành trở thành máu thịt, thành cuộc sống của ông, bền bỉ và rực cháy như ngọn lửa của những lò nung gốm. Thứ lửa mà Anh hùng lao động Nguyễn Quang Mâu muốn gửi gắm trong ngành nghề mà ông dành cả đời để theo đuổi chính là tình yêu quê hương đất nước, bên cạnh giá trị nhân văn, ý thức trách nhiệm để mang những điều ý nghĩa cho cộng đồng, xã hội.

Nhìn lại cả một chặng đường khá dài của cuộc đời mình, Anh hùng lao động Nguyễn Quang Mâu cho biết ông có một may mắn là có tới hai nơi được coi là quê hương. Quê hương Thái Bình là nơi đã sinh ra, cho ông sự cần cù chịu khó và ý chí vươn lên trong học tập, lao động và sản xuất. Còn quê hương Quảng Ninh lại là nơi ông gắn bó phần lớn cuộc đời mình, là nơi cho ôngsự nghiệp, tình yêu và đam mê đối với đất nung, với đất sét.

Cả cuộc đời kinh doanh của Anh hùng lao động Nguyễn Quang Mâu luôn tâm niệm phải làm thế nào để xứng đáng với những gì mà cả hai quê hương đã mang lại, làm sao để đóng góp được phần sức lực nhỏ bé của mình để thay đổi cuộc sống của bà con những nơi đó. Và cho đến lúc này, ông vẫn tiếp tục nỗ lực, cống hiến nhiều hơn nữa để tạo được những sản phẩm hữu ích cho xã hội.

Năm 2022, tổ chức Đại hội Y tế công Boston (Boston Congress of Public Health) của Mỹ công bố danh sách 40 người dưới 40 tuổi nhận giải thưởng "Nhân vật thúc đẩy thay đổi y tế công". Trong đó, có một cô gái Việt Nam tên Trương Nguyễn Xuân Quỳnh. Giải thưởng được trao cho những người làm việc liên quan đến lĩnh vực y tế công có thành tích xuất sắc, truyền cảm hứng và thúc đẩy sự thay đổi tiến đến công bằng xã hội.

Cất cánh tháng 10: Những con người luôn nặng lòng với quê hương - Ảnh 6.

25 trước, Xuân Quỳnh được "tái sinh"" nhờ sự chuyên nghiệp và tận tâm của nhân viên xã hội trong bệnh viện sau khi phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo, Xuân Quỳnh đã quyết định đi theo con đường mới mẻ và gian khó này. Có cơ hội làm việc ở những môi trường hiện đại bậc nhất thế giới nhưng Quỳnh lại lựa chọn quay trở về. Và Xuân Quỳnh đã chia sẻ câu chuyện của mình trên đường băng Cất cánh.

Xuân Quỳnh sinh ra ở Tuy Hòa, Phú Yên, trong một gia đình không dư giả. Năm 6 tuổi, Xuân Quỳnh bị chẩn đoán mắc bệnh hở vai tim và thông liên nhĩ. Chi phí phẫu thuật được tính ở những năm 96-97 lên tới 40 triệu đồng, một con số quá lớn với mức thu nhập của gia đình. Nhờ sự hỗ trợ của nhiều đơn vị, Xuân Quỳnh đã có được một quả tim khỏe mạnh. "Lúc ấy, mình đã nghĩ là mai mốt lớn lên, nếu không làm bác sĩ cứu người mình sẽ làm những công việc như các sơ hay các cô chú ở phòng y xã hội để giúp được nhiều bệnh nhân hơn", Xuân Quỳnh nói.

"Có nhiều người nghĩ công tác xã hội là từ thiện, là giúp đỡ người khác. Có người lại nghĩ là công tác xã hội chỉ là xin tiền tài trợ cho người bệnh và người nhà. Nhưng công tác xã hội còn hơn vậy nữa. Đặc biệt công tác xã hội lâm sàng trong y tế. Tụi mình không chỉ can thiệp một cách chuyên nghiệp và khoa học về các vấn đề xã hội mà còn can thiệp các đau khổ về tâm lý và thậm chí là tâm linh do tình trạng bệnh gây ra", Xuân Quỳnh cho biết.

Cất cánh tháng 10: Những con người luôn nặng lòng với quê hương - Ảnh 7.

"Tôi nghĩ ngành mình thì ở đâu cũng sẽ có ích thôi nhưng mà tôi thấy mình có ích hơn ở Việt Nam. Có một lần tôi nhận tin nhắn và bình luận trên facebook của mấy bạn và anh chị đồng nghiệp. Anh bác sĩ này thì nhắn hỏi Quỳnh ơi giờ làm sao giúp bệnh nhân này. Bạn điều dưỡng kia thì nhắn bảo cô Quỳnh ơi chừng nào về tụi em và người bệnh mong lắm. Những lời nhắn đó làm tôi thấy là mọi người cần mình, trân trọng và hỗ trợ mình và nó khiến mình có động lực hơn với việc trở về", Xuân Quỳnh kể.

Nhưng không phải ai cũng hiểu được công việc Xuân Quỳnh làm, cô nghĩ dừng lại. Nhưng cuối cùng, cô đã thay đổi suy nghĩ này. "Tôi nghĩ hành trình của mình còn dài. Ước mơ của tôi lớn nhưng phải đi mới đến được. Tôi may mắn vì có những người thầy giỏi chỉ dạy, những người đồng nghiệp tin tưởng để có cơ hội làm việc với họ và hơn cả là tôi biết ơn những người bệnh, người nhà của họ đã cho tôi cơ hội được ở đó cùng họ", Xuân Quỳnh tâm sự.

Câu chuyện tiếp theo được chia sẻ trong Cất cánh là về những cán bộ, chiến sĩ Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã và đang công tác tại những đất nước xa xôi khó khăn bậc nhất trên thế giới. Họ đã góp phần giới thiệu được hình ảnh, con người quê hương Việt Nam, một dân tộc yêu chuộng hòa bình, một quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế đến với bạn bè thế giới.

Là nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam được cử đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan, thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga đã vượt qua nhiều thử thách, công tác tại "chảo lửa" châu Phi với những trải nghiệm vô cùng đáng quý.

Cất cánh tháng 10: Những con người luôn nặng lòng với quê hương - Ảnh 9.

"Khi kết thúc nhiệm kì chúng tôi nhận được nhận xét tích cực từ Chỉ huy tại Phái bộ; nhiều đánh giá khả quan của bạn bè đồng nghiệp các nước. Lúc đó, tôi mới nghĩ đến sự gắn bó máu thịt với nguồn cội, hóa ra điều này có ở trong mỗi người dân Việt Nam chứ không phải riêng mình tôi. Nếu như ở nhiệm kỳ lần đầu không phải tôi mà là nữ quân nhân khác, nếu có điều kiện chắc cũng sẽ làm như tôi. Tôi chỉ nghĩ mình có điều kiện đầy đủ hơn những người dân xung quanh thì giúp được gì tôi sẵn sàng giúp đỡ, làm được gì giới thiệu cho bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam tôi sẵn sàng thực hiện", thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga tâm sự.

"Chúng tôi còn nhiều ấp ủ, nhưng điều đáng tiếc là do điều kiện thời gian và nhiều yếu tố khách quan chúng tôi vẫn chưa thực hiện được. Tôi mong rằng các đồng nghiệp, những người tiếp nối chúng tôi sẽ phát huy truyền thống, chủ động nắm bắt những khó khăn của người dân địa phương để giúp đỡ họ một cách chân thành, nhiệt tình" - thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga nói tiếp - "Chỉ khi ra ngoài nhận nhiệm vụ ở những nơi khó khăn như vậy mà được mọi người nhận ra là người Việt Nam, nhận ra lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam mới cảm nhận được cảm giác ấy xúc động đến thế nào. Chúng tôi đã góp sức nhỏ bé của mình để bạn bè quốc tế hiểu hơn về con người Việt Nam chúng ta".

Cất cánh tháng 10: Những con người luôn nặng lòng với quê hương - Ảnh 10.

"Động lực để chúng tôi có thể vượt qua khó khăn đầu tiên là để khẳng định bản thân mình, để chứng minh dù tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình sau những quốc gia khác nhau chúng tôi vẫn có thể làm tốt hơn. Khi ra nước ngoài, làm việc trong môi trường đó chúng tôi càng cảm thấy yêu tổ quốc mình hơn, thấy rằng may mắn vì được sống trong hòa bình, từ đó có cơ hội giúp đỡ người khác" - thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga bộc bạch – "Vì hai chữ Việt Nam trên áo nên tổ quốc luôn ở trong tim chúng tôi, giúp chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Quê hương không chỉ là nơi lớn lên mà còn là nơi mà chúng ta trở về sau những khó khăn và sóng gió trong cuộc sống. Chính quê hương, cội nguồn đã tiếp thêm sức mạnh cho mỗi cá nhân để trưởng thành và sống có ích. Trên hành trình của mỗi cá nhân đều ghi dấu tinh thần dân tộc Việt Nam cần cù, bền bỉ, yêu chuộng hòa bình, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Mời quý vị theo dõi chương trình Cất cánh tháng 10 qua video dưới đây:

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

cất cánh

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước