Cất cánh tháng 9 với chủ đề "Sức mạnh của niềm tin" là những câu chuyện về niềm tin, đó là những con người đã tin vào bản thân, tin vào cuộc sống và những điều tốt đẹp luôn ở phía trước. Khách mời bình luận là ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội. Ba diễn giả tham gia chượng trình gồm: nghệ sĩ Dzũng Phạm, thầy giáo Đinh Xuân Chung; kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào Văn.
Với sự xuất hiện của các dòng nhạc mới, dòng nhạc dân tộc có một chỗ đứng khiêm tốn hơn trong lòng khán giả. Nhưng có một người nghệ sĩ đã tin rằng mình sẽ đem nhạc dân tộc trở lại trên trang nhất các mặt báo và điều đó đã thành sự thật. Anh chính là Dzũng Phạm, một nhà sản xuất âm nhạc, giám đốc sáng tạo và là một nghệ sĩ guitar.
"Niềm tin của tôi được sinh ra từ sự tan vỡ. Giống như một vỏ trứng không vỡ ra thì chú chim non bên trong sẽ không thể mong có một ngày cất cánh bay lên bầu trời. Khi bản thân còn nhỏ, tôi đã có niềm tin vào tính bản nguyên của mình. Từ lúc 10 tuổi, tôi đã có niềm tin rằng mình có thể tạo nên những điều đặc biệt từ chính những ý tưởng của mình, không phải vay mượn ở đâu cả. Tại sao lại vậy? Bởi tôi tin ai cũng có điều đặc biệt của riêng mình", nam nghệ sĩ chia sẻ khi xuất hiện ở đường băng Cất cánh.
Sinh ra trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật, vì vậy việc đến với cây đàn guitar từ năm 11 tuổi là một thử thách lớn vì rào cản từ phía gia đình. Cách đây 20-30 năm, một đứa trẻ muốn theo đuổi một con đường hoàn toàn khác là một điều khó khăn huống chi là theo đuổi nghệ thuật. Những năm bắt đầu với guitar Dzũng Phạm được mẹ ủng hộ để trốn ba đi học đàn.
Từ năm 2004 – 2010, Dzũng Phạm gắn bó với ban nhạc Final Stage và phát hành 2 EPs cùng 1 album năm 2010 với tựa đề Sân khấu cuối cùng. Đây là thời điểm Dzũng Phạm bắt đầu tìm kiếm tiếng nói riêng của mình trong tiếng đàn guitar cũng như các bản phối khí với chất liệu Việt Nam. Năm 2010, anh quyết định vào thành phố Hồ Chí Minh để tìm kiếm thử thách mới.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, Dzũng Phạm thành lập ban nhạc progressive metal Hạc San và phát hành các album Sét Đánh Ngang Trời (2015), được sáng tác và viết concept dựa trên câu truyện cổ tích Thạch Sanh và album Hồn Trăng Máu viết về nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Năm 2018, Dzũng Phạm bắt đầu tập trung vào các dự án solo, với album Cánh cửa thần kỳ. Đây là một instrumental album với phần guitar chủ đạo, sử dụng âm hưởng dân gian với âm thanh distortion của guitar. Những ý kiến phản hồi tích cực khi đó đã củng cố niềm tin cho Dzũng Phạm thực hiện các dự án đậm chất Việt Nam sau này mà tiêu biểu là album Dzanca.
Đến năm 2020, Dzũng Phạm quyết định nghỉ công việc quảng cáo để tập trung toàn bộ trí lực cho Dzanca. Trong suốt quãng thời gian thực hiện hơn 1.000 ngày, anh đã phải thu mình lại, ngắt kết nối với gia đình và bè bạn. Nhưng niềm tự hào nhất là anh đã tạo ra một sản phẩm đặc biệt với nhiều âm hưởng của nhạc dân tộc.
"Niềm tin của tôi cũng từng lung lay rất nhiều" - Dzũng Phạm tâm sự - "Mơ ước sinh ra khi mình còn nhỏ, mình hào hứng với nó trong rất nhiều năm. Nhưng khi đã trở thành một người đàn ông trưởng thành thì rất khác, lúc ấy phải tự đặt cho bản thân câu hỏi liệu mình có làm được niềm tin, ước mơ đấy hay không. Một điều may mắn là câu trả lời là có".
"Cho đến bây giờ, khi đi qua nhiều giai đoạn, tôi không chỉ có niềm tin từ thưở bé thì còn có những niềm tin mới nữa. Giờ tôi có một niềm tin lớn vào tất cả chúng ta, mỗi người đều có điều đặc biệt. Nếu mỗi người đều tin vào đó và phát triển nó thì đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ có một đất nước rất tuyệt vời", Dzũng Phạm kết lại.
Sinh ra trong một gia đình khó khăn, với những thành viên trong gia đình có nhiều có những bệnh tật khác nhau. Nhưng những khó khăn lại là thứ để chàng trai trẻ Đinh Xuân Chung có một ý chí mạnh mẽ, như lời mẹ dặn chỉ có học mới giúp thoát nghèo. Đinh Xuân Chung hiện là giảng viên khoa Kinh tế và kinh doanh, trường Đại học Phenikaa.
Sinh ra và lớn lên tại xóm Ninh Hoà, xã Yên Trị, huyện Yên Thuỷ của tỉnh Hoà Bình, Đinh Xuân Chung là con út trong một gia đình có 5 anh chị em. Bố anh từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại miền Nam và bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Mẹ làm nông nghiệp, bà trang trải công việc đồng áng với 5, 6 sào ruộng để nuôi 5 anh chị em. Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, hai chị gái đầu của anh đã phải nghỉ học từ rất sớm để giúp đỡ bố mẹ, chị gái thứ 4 do có dị tật ở não khiến đau ốm thường xuyên, hay bị lên cơn co giật. Chỉ còn lại anh trai và Đinh Xuân Chung, lúc đó được bố mẹ đặt niềm tin có thể học tập tốt.
"Khi tôi học lớp 9, có niềm thôi thúc tôi rất lớn là muốn học để thoát nghèo, để không phải làm nông nữa và tôi đã đặt mục tiêu thi vào lớp chuyên toán, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ của tỉnh Hoà Bình", anh Đinh Xuân Chung kể.
Để thi được vào trường chuyên, Đinh Xuân đã tìm các hiệu sách cũ để mua các quyển sách nâng cao, những quyển sách hay với giá rẻ. Từ đó, ngoài việc hoàn thành bài trên lớp, ngày nào anh cũng tự học và làm thêm 20 bài toán nâng cao mới đi ngủ. May mắn thay, Đinh Xuân Chung đã đỗ, trong top 5 người điểm cao nhất lớp chuyên Toán khi đó.
"Khi tôi còn nhỏ, mỗi năm cứ đến dịp ti vi phát chương trình Vinh danh các Thủ khoa tốt nghiệp các trường Đại học, bố lại gọi tôi ra xem cùng. Khi đó, tôi ngưỡng mộ các anh chị lắm, và không biết từ lúc nào, một đứa trẻ trong tôi có suy nghĩ và mong muốn sẽ có ngày bố được thấy tôi xuất hiện và vinh danh trong chương trình truyền hình đó…" – Đinh Xuân Chung nói – "Nhưng tôi chỉ dám giữ trong lòng không dám nói ra, ai mà có thể tin một đứa trẻ nghèo ở vùng quê khó khăn, thay vì ước mơ về những bữa cơm no, khi đó lại dám ước mơ tốt nghiệp thủ khoa đại học".
Đinh Xuân Chung tốt nghiệp thủ khoa Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2016; hoàn thành được ước mơ khi còn nhỏ, bố đã thấy anh trong chương trình vinh danh các thủ khoa tốt nghiệp đại học.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Đinh Xuân Chung may mắn dành được học bổng toàn phần học Thạc sĩ 2 năm tại Hàn Quốc. Sau khi hoàn thành chương trình học thạc sĩ, năm 2018 Đinh Xuân Chung trở về Việt Nam, nhưng lúc này vì một vài lí do, anh đã trở thành một công chức Nhà nước, thay vì trở thành một giảng viên đại học, vốn là mơ ước của anh.
"Hi vọng, ba câu chuyện tôi kể sẽ giúp một phần nhỏ nào đó, tạo động lực cho các bạn học sinh, sinh viên, các bạn trẻ về sức mạnh của niềm tin và sự nỗ lực. Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Việt Khôi từng nói với lớp tôi - Where there’s a will, there’s a way, dịch ra tiếng Việt là ở đâu có ý chí, ở đó có con đường. Nếu có nỗ lực và có niềm tin đủ lớn, nhất định sẽ tìm được con đường dẫn tới thành công", Đinh Xuân Chung bộc bạch.
Bên cạnh vẻ đẹp của một công trình thì nó sẽ là gì? Với kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, anh có một suy nghĩ rất đặc biệt, đó là kiến trúc là đem lại hạnh phúc.
"Từ nhỏ tôi thích lịch sử, chỉ đọc truyện lịch sử, không thích kiến trúc, thích các anh hùng hào kiệt lập chiến công. Tôi luôn nghĩ ngợi liệu mình có làm được cái gì không?" – kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào kể lại – "Vào đại học, tôi muốn được thi kiến trúc trong nước và quốc tế nhưng hai, ba cuộc thi liền không được giải. Mẹ tôi thấy con say sưa, bảo thầy xem nói tôi 45 – 50 tuổi mới thành đạt. Nhưng bên cạnh đó, bố tôi rất tin, ông cho tôi cả tài chính và sự động viên".
"Đến năm 1994, đồ án Bát Tràng của tôi giành giải quốc tế. Tôi vẫn nhớ tại Hội nghị tài năng trẻ của Trung ương Đoàn, tôi nói với mọi người rằng tôi đã kể với mẹ là tôi làm được rồi và không cần đợi đến năm 50 tuổi", kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào chia sẻ tiếp.
"Niềm tin luôn bên cạnh sự hoài nghi. Niềm tin chỉ khẳng định được và xây dựng khi nó neo đậu vào những việc cụ thể, có kết quả cụ thể, dù bé".
Từ cái yêu tình cờ với kiến trúc, không biết từ khi nào, Hoàng Thúc Hào đã dành cho nó "một tình yêu dài hạn". Với anh, kiến trúc không chỉ đơn thuần là gạch, cát, đá, bê tông mà còn phải nhân văn, có trách nhiệm xã hội, là nghệ thuật xã hội đem lại hạnh phúc cho con người, quan tâm đến lợi ích cộng đồng, có tính lan tỏa ra cộng đồng, tính thiết thực và bền vững của chúng.
"Văn phòng của chúng tôi thành lập năm 2013, hầu hết những giải thưởng chúng tôi có trước đó đều trên giấy. Kiến trúc Việt Nam trước 2010 hầu hết là ý tưởng trên giấy nên chúng tôi nghĩ mình phải làm thật. Một kiến trúc xây thật rất tốn tiền, tiền tỷ vì thế tôi xây công trình bé, chúng tôi đi quyên tiền. Chúng tôi xây nhà cộng đồng", Hoàng Thúc Hào kể lại.
Gần 20 năm cùng văn phòng kiến trúc 1+1>2, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào đã cùng các cộng sự tạo nên rất nhiều không gian văn hóa làng ở các tình thành trên khắp cả nước, với gần 100 giải thưởng trong nước và quốc tế.
"Chúng tôi tâm niệm rằng con người càng trở nên con người hơn khi vươn lên làm những điều tưởng như không thể" - kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào chia sẻ tiếp - "Cha tôi trong lúc chân thành nhất nói với tôi rằng phải cố gắng làm được điều gì đó cho quê hương xứ sở. Nhưng ngược lại, vợ tôi cho đến gần đây vẫn hoài nghi trông dặt dẹo thế sao làm kiến trúc lại ngoi lên được. Hai người thầy đã ảnh hưởng rất lớn đến tôi là nhà văn hóa Phan Ngọc và kiến trúc sư Nguyễn Luận. Chính những người ấy đã tạo cho tôi niềm tin và ấn tượng rất lớn".
"Chúng ta là một nước đa dạng văn hóa và tự nhiên, với 54 dân tộc, là hình mẫu của thế giới. Tôi nghĩ những công trình kiến trúc có thể góp phần giáo dục, xây dựng ý thức xã hội về phát triển bền vững và bảo vệ sự đa dạng văn hóa", kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào kết lại.
Câu chuyện của 3 diễn giả trong Cất cánh tháng 9 là minh chứng cho việc khi có niềm tin là sẽ có tất cả, tùy thuộc vào tri thức, môi trường sống, những gì đã trải qua mà mỗi người có một niềm tin khác nhau, nhưng nếu chỉ có niềm không thôi thì chưa đủ mà kết quả đến từ hành động được gieo từ những niềm tin. Hãy tạo dựng cho mình niềm tin và biến nó thành sức mạnh để đạt được điều mình muốn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!