Theo tinh thần của Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", Việt Nam đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được các quốc gia và vùng lãnh thổ này giới thiệu chính thức tới Bộ Ngoại giao. Hiện tại, Việt Nam đang tạm thời công nhận mẫu Giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vaccine của 72 quốc gia/ vùng lãnh thổ. Những ngày qua, Việt Nam cũng đón những đoàn khách du lịch đầu tiên với hộ chiếu Vaccine đầu tiên. Hộ chiếu vaccine quan trọng như vây, nhưng với những chiếc hộ chiếu đặc biệt, đưa người Việt tự tin bước đến tương lại ra sao?
Với chủ đề "Hộ chiếu xanh", Cất cánh tháng 11 đã chia sẻ những câu chuyện của những người Việt Nam đang không ngừng cố gắng để mang tới những thay đổi trong cuộc sống hiện tại, không chỉ cho bản thân mà cho cộng đồng, xã hội vượt qua những khó khăn, kết nối Việt Nam với thế giới xung quanh. Hộ chiếu xanh của Cất cánh chính là tri thức, thực lực, sự sáng tạo của mỗi người khiến người đó được tin tưởng, đánh giá cao. Đó chính là chiếc hộ chiếu "quyền lực" giúp người sở hữu nó có thể dễ dàng đi bất cứ đâu, được công nhận bằng chính những giá trị tự thân.
Trong chương trình, khán giả truyền hình đã có cơ hội gặp gỡ nhân vật Dương Thị Anh, sinh viên trường Đại học Y tế Kỹ thuật Hải Dương. Ngay từ đầu năm 2021, khi dịch bệnh bùng nổ tại Hải Dương, giảng viên và sinh viên nhiều trường đại học, cao đẳng chuyên ngành y, dược đã tích cực tham gia điều tra truy vết; tổ chức tập huấn các kỹ thuật xét nghiệm SARS-CoV-2 cho hàng trăm sinh viên. Những nỗ lực này đã góp phần chung tay cùng với đội ngũ cán bộ y tế ở các bệnh viện Trung ương, các tỉnh đẩy lùi dịch COVID-19 ở các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh.
Mặc dù nhiều sinh viên vừa mới trở về sau gần 40 ngày tình nguyện chống dịch ở hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, song do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngay trong chiều 30/6, hưởng ứng lời kêu gọi của ngành y tế hơn 300 sinh viên đã tình nguyện lên đường chi viện TP Hồ Chí Minh chống dịch. Với tinh thần xung kích, tình nguyện "đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên", sinh viên Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương đã tiếp tục phát huy truyền thống của nhà trường và nỗ lực cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đây cũng là cơ hội quý để sinh viên học tập rèn luyện trở thành những cán bộ y tế giỏi về chuyên môn và có tấm lòng nhân ái rộng lớn, sẵn sàng hy sinh vì sức khỏe của cộng đồng và sự bình yên của xã hội.
Câu chuyện của Dương Thị Anh nói riêng và của những sinh viên trường Đại học Y tế Kỹ thuật Hải Dương nói chung là đại diện cho rất nhiều người trẻ. Họ là những sinh viên các trường cao đẳng, đại học… sẵn sàng lên đường tới những nơi gian khó nhất. Với những con người trẻ tuổi ấy, nơi đó chính là những lớp học, những giảng đường đặc biệt, trang bị cho họ những trải nghiệm thực tế chân thực nhất! Những kiến thức ấy sẽ hoàn thiện tấm "hộ chiếu" bước vào tương lai sau này.
Bên cạnh đó, Cất cánh tháng 11 còn chia sẻ câu chuyện của anh Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam. Sinh ra và lớn lên ở xã Văn Phương, huyện Nho Quan - cách Vườn Quốc gia Cúc Phương khoảng vài kilômét. Từ nhỏ, Nguyễn Văn Thái đã chứng kiến nhiều động vật hoang dã bị săn bắt. Đau xót trước thực cảnh đó, anh đã mơ ước được trở thành một cán bộ kiểm lâm để góp sức vào việc giữ rừng, bảo vệ các loài động vật hoang dã mà mình yêu mến.
Ở tuổi 39, Nguyễn Văn Thái đã có 16 năm tận hiến cho công việc bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng. Với nhiều đóng góp cho sự phục hồi của thiên nhiên, tháng 6/2021, Nguyễn Văn Thái đã vinh dự trở thành 1 trong 6 công dân trên toàn thế giới (công dân duy nhất của Việt Nam và châu Á) được nhận giải thưởng Goldman Environmental Prize năm 2021 - giải thưởng lớn nhất thế giới về môi trường, được mệnh danh là "Nobel Xanh".
Tương tự với câu chuyện của Nguyễn Văn Thái, hành trình của Nguyễn Thị Lê Na - Nhà sáng lập và Điều hành thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến và EcoVi - cũng rất ấn tượng với những nỗ lực xây dựng thương hiệu riêng cho đặc sản của quê nhà, mang đặc sản ấy đến với thế giới, tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Đang có một công việc ổn định tại công ty lớn, cô gái trẻ Nguyễn Thị Lê Na đã có quyết định khó hiểu là trở về quê nhà Nghệ An để "tiếp quản" vườn cam của cha mẹ. Cuối cùng, một đề án xây dựng mô hình cam sinh thái 500ha ra đời và gặp phải nhiều hoài nghi. Những nỗ lực của cô gái ấy đã thành công với sự ra mắt thương hiệu cam Vinh Kỳ Yên. Và trong tương lai, cô đã chia sẻ những dự định còn ấp ủ đối với việc phát triển nông nghiệp Việt.
Khép lại Cất cánh tháng này, khách mời bình luận Nguyễn Hữu Thái Hòa – Chuyên gia cao cấp về Chiến lược và Chuyển đổi số - đã có những chia sẻ về chủ đề của chương trình.
"Hộ chiếu xanh là một hành trình đi tìm lại niềm tin của chúng ta, chúng ta phải tin mình đứng được trên một vị trí cao nhất. Hộ chiếu này phải do chính chúng ta, không phải ai cấp cho, đi xin hay đi mua ở quốc gia nào cả. Hộ chiếu xanh được đóng gói bởi các yếu tố: phải có trình độ căn bản của nước mẹ đẻ, không thể đi ra chơi vơi bằng ngôn ngữ. Chúng ta phải nói được hai thứ tiếng, phải sống và làm việc thực sự trên 1 – 2 quốc gia khác Việt Nam. Cuối cùng, chúng ta phải tham gia thành viên các tổ chức toàn cầu của những chuẩn mực quốc tế, để đem về Việt Nam một mong ước, hoài bão lớn cho Việt Nam. Hộ chiếu xanh là phải thay đổi tư duy trong một thế giới 4.0 đang chờ đón đầy thách thức nhưng cũng đầy hy vọng cho Việt Nam", ông Nguyễn Hữu Thái Hòa nói.
Theo dõi câu chuyện của những khách mời Cất cánh qua video dưới đây:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!