"Nỗi đau của sông Mẹ" là hồi chuông cảnh báo

Nguyên Trang/Ảnh: NVCC-Thứ sáu, ngày 26/07/2024 10:00 GMT+7

VTV.vn - Với nhà báo Anh Tuấn, loạt phóng sự Nỗi đau của sông Mẹ là hồi chuông cảnh báo để các cơ quan chức năng và cơ quan quản lý, các bộ ngành và địa phương.

Phát sóng liên tiếp 4 Tiêu điểm trong Chương trình Chuyển động 24h, trong thời gian từ ngày 20/2/2023 đến ngày 6/2/2023, loạt phóng sự "Nỗi đau của sông Mẹ" do nhà báo Anh Tuấn và các đồng nghiệp tại Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện đã nhận được những phản hồi tích cực từ khán giả, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Tác phẩm được đánh giá có nội dung sâu sắc, chạm đến những vấn đề nóng bỏng của đời sống, mang lại những giá trị cao cho xã hội. Với những yếu tố này, tác phẩm đã giành giải A tại Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 18.

Hơn một năm đeo đuổi đề tài

Sông Hồng, hay còn gọi là sông Mẹ được bắt nguồn từ Vân Nam, Trung Quốc chảy qua miền Bắc Việt Nam và đổ ra vịnh Bắc Bộ. Từ hàng ngàn năm qua, đây được coi là con sông lớn nhất ở miền bắc, có vai trò đặc biệt quan trọng, là nguồn thủy lợi đối với nền nông nghiệp ở vùng đồng bằng bắc Bộ rộng lớn. Với chiều dài 556 km chảy qua địa phận Việt Nam, Sông Hồng cũng đóng một vai trò quan trọng về thủy điện, môi trường và giao thông vận tải đường thủy. Thế nhưng, trong những năm gần đây, sông Hồng ngày càng biến đổi với những dấu hiệu bất thường theo chiều hướng tiêu cực mà chưa được các bộ, ngành và các địa phương, nơi có sông Hồng chảy qua quan tâm đúng mức.

Nỗi đau của sông Mẹ là hồi chuông cảnh báo - Ảnh 2.

Mong muốn đưa ra những góc nhìn đa diện, khách quan và chân thất về những vấn đề của sông Hồng, nhà báo Anh Tuấn và các đồng nghiệp tại Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số, Đài THVN đã thực hiện loạt phóng sự mang tên "Nỗi đau của sông Mẹ". Nói về lý do lựa chọn và đeo đuổi đề tài này, nhà báo Anh Tuấn cho biết dấu hiệu dễ nhận thấy nhất về những vấn đề của sông Hồng là hiện tượng đổ phế thải, trạc thải để lấn và lấp sông Hồng ở một số địa bàn ven sông, nhất là khu vực nội thành đang diễn ra phức tạp với nhiều chiêu thức và thủ đoạn tinh vi khiến một số vị trí lòng sông bị lấn chiếm và thu hẹp đáng kể. Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng trái phép vi phạm pháp luật về đê điều ngày càng gia tăng cả về quy mô, tính chất lẫn mức độ vi phạm. Trong khi theo cảnh báo của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, nếu việc vi phạm không gian, hành lang thoát lũ, chứa lũ của sông  ngày càng gia tăng như vậy - trong trường hợp có lũ lớn - nguy cơ vỡ đê là điều hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là khi lâu nay sông Hồng không có lũ lớn càng khiến nhiều người có tâm lý chủ quan, thờ ơ, coi nhẹ những vi phạm pháp luật về phòng chống thiên tai.

Nỗi đau của sông Mẹ là hồi chuông cảnh báo - Ảnh 3.

"Sau khi nhận thấy vấn đề sông Hồng là một vấn đề rất lớn, có tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, nhóm phóng viên đã lên kế hoạch, triển khai thu thập thông tin, thâm nhập thực tế trong một thời gian dài, ghi hình tại nhiều địa phương ở miền Bắc nơi có con sông Hồng chảy qua để thu thập bằng chứng về "nỗi đau" mà con sông Mẹ đang phải hứng chịu từ những tác động trực tiếp của con người", nhà báo Anh Tuấn chia sẻ.

Hồi chuông cảnh báo

Loạt phóng sự không chỉ phản ánh chân thực, thực tế hiện trạng sông Mẹ đang bị xâm hại dưới nhiều hình thức khác nhau như: đổ phế thải lấp sông; xây dựng nhà xưởng trái phép lấn chiếm không gian hành lang thoát lũ; khai thác cát trái phép tàn phá đáy sông… mà còn đi sâu phân tích những tác động xấu tới sông Mẹ từ những hành vi vi phạm kể trên. Thực tế, hệ lụy từ những hành vi đó để lại đã và đang hiện hữu. Khi đáy sông bị tụt thấp đã biến hàng loạt các công trình thủy lợi vốn dĩ được đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng ven sông bị tê liệt, trở thành đống sắt vụn vì chẳng thể lấy được nước sông để canh tác. Hoạt động sạt lở ven bờ sông cũng đang diễn ra trên diện rộng với những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sinh mạng của những người dân sống ở trên bờ. Loạt phóng sự thực sự là một hồi chuông cảnh báo để các cơ quan chức năng và cơ quan quản lý, các bộ ngành và địa phương cần có đánh giá, nhìn nhận và quan tâm vấn đề Sông Hồng một cách đúng mức và sát sao hơn.

Để có những tư liệu đó, trong hơn một năm, nhà báo Anh Tuấn và các đồng nghiệp đã tác nghiệp hoàn toàn độc lập, với tất cả tâm huyết của mình, không ngại gian khổ khó khăn, nhập vai ở nhiều địa bàn khác nhau để bóc trần hoạt động đổ phế thải lấp sông, làm rõ thủ đoạn xây dựng trái phép để trục lợi trên đất bãi ven sông…, hoặc bí mật ghi được những thước hình điều tra chân thực tố cáo về hoạt động cát tặc tại nhiều địa bàn trên dọc tuyến sông Hồng cả ban ngày lẫn ban đêm.

"Khi thực hiện phóng sự này, những người thực hiện chỉ mong muốn làm sao đưa đến góc nhìn toàn cảnh nhất liên quan đến những vấn đề của sông Hồng, những điều sông Hồng đang phải gánh chịu cũng như thay đổi tiêu cực của sông Hồng. Đây là vấn đề lớn cần có sự quan tâm không chỉ địa phương mà cần có sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành để giải quyết" - nhà báo anh Tuấn nói tiếp - "Chúng tôi không nghĩ rằng mình làm để mang tác phẩm đi dự thi hay đạt giải thưởng nào đó mà chúng tôi chỉ nghĩ khi mình quan tâm, dành thời gian cho nó thì sẽ mang đến khán giả những hình ảnh chân thực nhất về câu chuyện của sông Hồng. Chính vì thế, ê-kíp đã bóc tách từng vấn đề, từng câu chuyện của sông Hồng lên sóng truyền hình. Đặc biệt, tác phẩm không dùng một kỹ xảo nào mà chỉ có những hình ảnh thật nhất đưa lên sóng. Chúng tôi rất tôn trọng âm thanh hiện trường, bởi điều đó đóng vai trò quan trọng trong việc lột tả chuyện gì đang diễn ra với dòng sông".

"Trong quá trình thực hiện phóng sự, có một chi tiết khiến tôi day dứt mãi, họ là nạn nhân trong câu chuyện sạt lở bờ sông Hồng ở Phú Thọ. Những người dân này không bao giờ có thể tưởng tượng mình sẽ lâm vào cảnh mất nhà mất cửa chóng vánh đến vậy, cả đời tích góp được căn nhà nhưng chỉ trong chốc lát, họ trở thành những người vô gia cư. Ngày hôm trước còn có nhà nhưng ngày sau thì phải ra đường hoặc đi ở nhờ. Câu chuyện bi kịch hơn khi đó là những người cao tuổi, nhân vật của tôi đã hơn 70 tuổi. Khi trò chuyện với họ, họ nói đó là mất mát lớn nhất cuộc đời mình. Không giống như vẻ đẹp được miêu tả trong văn thơ, sông Hồng với họ rất hung dữ, lấy đi tài sản quý nhất cuộc đời họ, đó là căn nhà với bao kỷ niệm. Nỗi bất hạnh của họ thực sự khiến chúng tôi day dứt. Nhiều hộ dân khác sống ven bờ sông Hồng cũng đứng trước cảnh lo lắng như vậy. Nếu không ngăn chặn thì một ngày nào đó, một ai khác sẽ lâm vào cảnh tương tự. Điều đó rất đáng tiếc và không một ai muốn trải qua nó", nhà báo Anh Tuấn chia sẻ.

Ngay sau khi các Tiêu điểm trong loạt phóng sự "Nỗi đau của sông Mẹ" được phát sóng, đã tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ. Những hình ảnh cận cảnh về nạn đổ phế thải lấp sông; xây dựng nhà xưởng trái phép lấn chiếm không gian hành lang thoát lũ; khai thác cát trái phép tàn phá đáy sông đã khiến dư luận bất ngờ về mức độ công khai và ngang nhiên của những hoạt động vi phạm này. Chính quyền địa phương các cấp từ UBND tỉnh, thành phố đến UBND các huyện, UBND xã… đã lập tức vào cuộc lập đoàn kiểm tra, xử lý vi phạm. Phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều công văn yêu cầu các địa phương làm rõ các sai phạm.

Nỗi đau của sông Mẹ là hồi chuông cảnh báo - Ảnh 5.

Cũng từ những hình ảnh, nội dung trong phóng sự điều tra của VTV, Bộ Công an và Công an các địa phương cũng vào cuộc ngay sau đó, tiến hành tiến hành thu thập toàn bộ hồ sơ, siết chặt hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Hồng. Đến nay, tại địa bàn tỉnh Thái Bình, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố liên tiếp 2 vụ khai thác cát trái phép trên sông Hồng, bắt giữ nhiều đối tượng liên quan. Vụ án thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh đối với tội phạm khai thác cát trái phép trên sông Hồng, trước những tác động xấu tới dòng chảy sông Hồng như những gì đã xảy ra trong những năm gần đây.

Với ê-kíp sản xuất, hiệu ứng lan tỏa của loạt phóng sự Nỗi đau của sông Mẹ chính là một niềm vui, động lực để họ tiếp tục cống hiến. "Nỗi đau của sông mẹ là một hồi chuông cảnh báo để các cơ quan chức năng và cơ quan quản lý, các bộ ngành và địa phương cần có đánh giá, nhìn nhận và quan tâm vấn đề Sông Hồng một cách đúng mức và sát sao hơn. Chúng tôi khi thực hiện phóng sự cũng mong mỏi rằng những tư liệu này sẽ được tiếp tục theo dõi. Ê-kíp vẫn đang trăn trở và ấp ủ thực hiện một tác phẩm phim tài liệu về vấn đề Sông Hồng nhưng đó sẽ là câu chuyện của tương lai", nhà báo Anh Tuấn cho biết.

Đài THVN giành 4 giải Báo chí Quốc gia lần thứ 18 Đài THVN giành 4 giải Báo chí Quốc gia lần thứ 18

VTV.vn - Tại Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 18 - năm 2023, Đài THVN nhận 2 giải A, 1 giải B và 1 giải C.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước