Theo ghi nhận, những chiếc tàu cá đang kéo theo vật gì phía sau. Đến khi tàu dừng lại nghỉ để lên lưới lấy cá, phóng viên mới biết đó chính là những chiếc lưới được kéo theo.
"Đánh điện, kích điện, xung điện ở dưới vào cái chã, người ta dùng máy nổ kích, kích dòng điện lên rất cao, cá đánh hết, hủy diệt những con tôm, con tép nhỏ. Điện vào là chết hết...", một người dân ở Khoái Châu, Hưng Yên, chia sẻ.
Các tàu có chiều dài 6 - 8m, có bộ lưới treo ở phía sau. Chỉ một dọc sông Hồng dài khoảng 4 km, phóng viên đếm được 4 - 5 tàu đang phân chia nhau hoạt động. Có những điểm tập kết ở gần khu vực bến đò Tân Châu và bến phà Đông Ninh. Người dân ở tại đây cho biết, có đến hàng chục tàu kích điện hoạt động từ vài năm nay.
"Khoảng 20 cái dọc đây, tít ở trên kia, dọc bờ sông toàn bọn thuyền chài. Ở dưới kia có hơn chục con của Hải Dương. Nó kiếm được khoảng đôi triệu một ngày, bây giờ nó mất 1 triệu tiền dầu mà không được mấy triệu tiền lãi thì đứa nào làm", một người dân Phú Xuyên, Hà Nội, nói.
Đánh bắt thủy sản bằng xung điện là một tội ác, bởi đây là cách thức khai thác theo kiểu tận diệt các nguồn lợi thủy sản.
"Ngày nào tôi làm ở ngoài bãi là cũng thấy có tàu đánh, liên tục cái nọ cái kia nối đuôi nhau chạy, chứ không phải 1 cái", một người dân Khoái Châu, Hưng Yên, cho biết.
Những người đánh cá truyền thống cảm nhận rõ nhất sự sụt giảm lượng cá trên sông từ mấy năm trở lại đây, khi các tàu kích điện hoạt động nhiều.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên, cơ quan chức năng nắm được có hiện tượng khai thác cá bằng hình thức kích điện, nhưng do là khu vực sông ráp ranh giữa 2 tỉnh nên khó xử lý.
"Chúng tôi cũng sẽ tham mưu cho lãnh đạo Sở Nông nghiệp và báo cáo UBND tỉnh xin kinh phí để phối hợp với công an đường sông, từ đó thường xuyên một tháng khoảng 2 - 3 lần dùng tàu cao tốc đi trên dọc con sông tuyên truyền, khuyến cáo, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật", ông Vũ Văn Điệp, Trưởng phòng Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên, cho hay.
Hiện các chế tài để xử lý hành vi đánh bắt thủy sản bằng xung điện đã rất đầy đủ, chi tiết. Tại khoản 7, điều 7 Luật Thủy sản 2017, nghiêm cấm dùng xung điện để khai thác nguồn lợi thủy sản. Theo Nghị định 42/2019 của Chính phủ, hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính từ 15 - 50 triệu đồng, thậm chí sẽ bị xử lý hình sự. Theo Bộ luật Hình sự sửa đổi, khai thác tận diệt có thể bị phạt tiền đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Việc sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản gây ra nhiều hậu quả, như làm chết hàng loại các loài thủy sản, thủy sinh. Đánh bắt thủy sản bằng xung điện là một tội ác, bởi đây là cách thức khai thác theo kiểu tận diệt các nguồn lợi thủy sản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!