Đạo diễn, NSƯT Đỗ Thanh Hải: "Cạnh tranh bằng những sản phẩm sáng tạo"

Thu Hiền (Tạp chí truyền hình)-Thứ bảy, ngày 25/01/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Đạo diễn, NSƯT Đỗ Thanh Hải cho biết VFC luôn cố gắng sáng tạo để ngày một nâng tầm cho thương hiệu phim Việt Nam.

Ngoài những bằng khen, giải thưởng cho các bộ phim, đạo diễn và diễn viên thì Huân chương Lao động Hạng Nhất của Chủ tịch Nước dành cho Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) đã ghi nhận những nỗ lực của đơn vị trong suốt thời gian qua. Với "thuyền trưởng" Đỗ Thanh Hải, đòi hỏi cao hơn mà anh tự đặt ra cho bản thân và đơn vị không chỉ là sự kiên định với con đường đã chọn mà còn vượt lên những thành công đã vất vả để có được.

Giá trị bền vững chính là đội ngũ kế tiếp

Năm 2019 – thêm một năm thành công của VFC khi là đơn vị có nhiều bộ phim truyền hình gây bão trong Nam ngoài Bắc. Nhìn lại chặng đường đã qua của đơn vị, điều gì khiến anh còn thấy chưa hài lòng? Vì sao?

Nghề làm truyền hình, ít ai thấy thỏa mãn với những tác phẩm đã làm. Có thành công hôm nay thì ngày mai đã phải bắt tay vào làm cái mới. Cuộc sống luôn vận động, xu hướng khán giả cũng liên tục thay đổi nên yêu cầu được thưởng thức những sản phẩm có nội dung chất lượng luôn là thách thức với chúng tôi. Những nhà sản xuất nào đối mặt với sự cạnh tranh khán giả bằng những sản phẩm sáng tạo sẽ càng hiểu rõ điều này. Đối với việc làm phim, lâu nay chúng ta vẫn phải tiến hành sản xuất 100% ngoài hiện trường nên bối cảnh rất bị động, gây ảnh hưởng phần nào đến chất lượng chuyên môn. Do vậy, điều chưa hài lòng chính là VFC chưa thể đẩy mạnh quy trình sản xuất phim tại phim trường để nâng cao tính chuyên nghiệp như mong muốn.

Theo anh, việc tạo dựng vị thế, thương hiệu của VFC đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất chưa? Đơn vị còn phải đứng trước những thách thức và khó khăn nào?

VFC tự hào với những giải thưởng, danh hiệu đã nhận được, vì điều đó ghi nhận những nỗ lực của chúng tôi. Quan trọng hơn là thế hệ sau đã cố gắng nối tiếp được những thành quả mà thế hệ trước tạo dựng từ những ngày đầu VTV phát sóng phim truyền hình trong chuyên mục Văn nghệ chiều thứ Bảy. Tôi nghĩ, giá trị bền vững của VFC chính là sự kế tiếp về đội ngũ con người tài năng, có tâm huyết với nghề. Trong bối cảnh hiện nay, truyền hình có nhiều sự cạnh tranh hơn, hoạt động sản xuất cũng mở rộng cho nhiều đơn vị khác tham gia, vì thế, cho dù thương hiệu của bạn có mạnh đến đâu thì thách thức luôn xuất hiện. Dù thương hiệu VFC mạnh đến đâu thì để tồn tại và cạnh tranh được, điều quan trọng là hướng phát triển phải phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội, thích ứng được những chuyển đổi về công nghệ và xu hướng xem nội dung mới của khán giả. Cá nhân tôi ở vị trí "người thuyền trưởng" thì còn đòi hỏi cao hơn, đó là VFC phải kiên định với sứ mệnh của một đơn vị sáng tạo sản phẩm văn hóa, phải thu hút khán giả bằng những bộ phim truyền cảm hứng sống đẹp và các thông điệp có giá trị tích cực. Còn thách thức và khó khăn cụ thể như thế nào, hãy cứ nhìn vào thị trường phim truyền hình trong nước và quốc tế hiện nay là hiểu.

VFC đã và đang đảm nhận một lượng phim khá lớn trên sóng VTV, ngoài áp lực về số lượng, tiến độ sản xuất thì còn có áp lực về chất lượng, về tỉ suất, về những thành công. Là Giám đốc VFC, anh nghĩ gì về điều đó?

Lâu nay, điều tiên quyết mang lại thành công cho VFC chính là việc luôn đặt hiệu quả công việc và chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Kể cả trong công tác quản lí, điều hành cũng phải dựa vào mục đích này. Chúng tôi làm nghề đủ lâu năm để không xem các chỉ số rating là áp lực duy nhất. Để một dự án phim thành công có nhiều yếu tố tác động và trước hết phải là từ nội dung. Trong một năm với vài trăm tập phim phát sóng, không thể kì vọng lúc nào cũng có phim bom tấn bùng nổ kế tiếp nhau. Tuy nhiên, chúng tôi tự hào vì vài năm trở lại đây, phim truyền hình Việt Nam đã chinh phục được nhiều đối tượng khán giả, thu hút họ chờ đợi xem phim Việt thay vì các bộ phim nước ngoài. Với những người làm sáng tạo, thấy nỗ lực của mình đã tác động tích cực đến xã hội là niềm hạnh phúc lớn. Vì vậy, anh em ở VFC đều có chung suy nghĩ, các bộ phim nếu được thực hiện bằng tâm huyết, lòng yêu nghề và trách nhiệm thì sự vất vả sẽ được bù đắp bằng một sản phẩm tinh thần có giá trị cho đời sống. Với tôi, nhìn những đoàn phim liên tiếp lên đường là niềm vui, với VFC thì đó là sự phát triển, là cơ hội để chúng tôi tiếp tục khẳng định dấu ấn riêng của mình với khán giả.

Với mật độ làm việc như thế, liệu việc tái tạo sức sáng tạo của "quân VFC" có được đảm bảo?

Đúng là nhiều khi chúng tôi bị áp lực và quá tải nhưng nghề làm phim là vậy, quay nhanh làm vội cũng được, mà chăm chút tỉ mẩn cũng vẫn là bộ phim đó. Nếu yêu nghề, thấy công việc mình làm có giá trị cho xã hội thì sự khó khăn vất vả đó cũng vơi bớt. Tất nhiên, bên cạnh niềm đam mê, say nghề thì cũng cần phải tạo ra nguồn thu nhập tương xứng cho sự nỗ lực đó để anh em yên tâm làm việc và tận hiến. Ngoài ra, VFC không bó hẹp sản xuất trong phạm vi đội ngũ đơn vị, chúng tôi luôn rộng mở cho những thành phần sáng tạo bên ngoài để cùng góp sức tạo nên thành công cho thương hiệu phim Việt Nam.

Nhiều nhân viên của VFC nói rằng, họ thường xuyên nhận email của anh lúc 2 - 3h sáng. Thậm chí là vừa gặp sếp lúc ăn trưa xong đã thấy có tin nhắn nhắc nhở về một việc gì đó. Làm việc mọi nơi mọi lúc như thế, anh có yêu cầu nhân viên của mình cũng phải thế?

Tôi không đến mức "robot" ấy đâu. Chẳng qua đặc thù công việc ở vài thời điểm, hoàn cảnh, khi phải xử lí gấp thì mình cần đồng hành với anh em. Ở VFC, không phải mình tôi làm việc lúc 3 - 4h sáng. Vì với người làm phim, giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn phim đang sản xuất là những tháng ngày không có giờ hành chính, không có ngày đêm. Điều này chúng tôi đã quen rồi.

Luôn có mục tiêu cao hơn để phấn đấu

Được biết, khẩu hiệu của VFC là: "Chúng tôi tạo ra sự khác biệt", sự khác biệt ở đây cụ thể là gì? Điều đó được lãnh đạo VFC truyền cảm hứng như thế nào tới từng nhân viên của mình?

Đây không phải khẩu hiệu của chỉ VFC đâu. Bởi sản phẩm sáng tạo muốn cạnh tranh được thì phải khác biệt. Khác biệt với sản phẩm của đơn vị khác, và khác biệt với chính sản phẩm trước đó của mình. Cụ thể là các bộ phim của VFC luôn hướng đến chất lượng cao nhất về cả nội dung kịch bản, hình ảnh, dàn diễn viên, công nghệ sản xuất… Còn cách truyền cảm hứng, tôi nghĩ, khi một bộ phim nhận được sự yêu mến của khán giả thì đó là nguồn cảm hứng lớn nhất cho cả ekip và mỗi cá nhân trong đoàn phim. Vậy nên, công việc của tôi chỉ đơn giản là cố gắng để tạo ra những điều kiện, những môi trường thuận lợi để anh em cùng nhau làm phim hay.

Việc mời nguyên Giám đốc VFC - NSND Khải Hưng làm đạo diễn cho dự án phim chính luận Sinh tử, liệu có phải vì thế hệ đạo diễn gạo cội của VFC về hưu trong khi thế hệ kế tiếp vẫn còn chưa thể đảm đương những mảng đề tài chính luận không, thưa anh?

Không phải như vậy. Nghề đạo diễn gần như không có khái niệm nghỉ hưu "chính thức". Chúng tôi lựa chọn đạo diễn dựa trên mục đích tạo ra bộ phim hấp dẫn, phù hợp sở trường và thế mạnh mỗi cá nhân sáng tác. Và với phim Sinh tử, tôi nghĩ rằng NSND Khải Hưng là sự lựa chọn tốt nhất. Ông là đạo diễn giỏi, có tâm huyết và lại từng trải nghiệm thực tế trong vai trò người lãnh đạo. Ngoài ra, Sinh tử còn có thêm đạo diễn NSƯT Mai Hiền, người đã tham gia dự án phim Chạy án trước đây. Việc kết hợp nhiều đạo diễn trong những dự án dài hơi là điều VFC đã làm với nhiều bộ phim và luôn phát huy hiệu quả.

Nghề làm phim, nghề sáng tạo luôn đòi hỏi phải có sự vận động, tạo ra cái mới. Sau một năm thành công, VFC sẽ tiếp tục vượt qua chính mình như thế nào?

Thực ra, việc vượt qua những thành công vẫn là điều chúng tôi hướng tới và VFC đã có những chiến lược phát triển nội dung mang lại thành công trong những năm qua. Đơn cử, khi thành công với Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, nhiều người nghĩ rằng đó là những phim hay nhất rồi. Nhưng sau đó, lại có những bộ phim hấp dẫn khác như: Quỳnh búp bê năm 2018 và năm nay là Về nhà đi con, Hoa hồng trên ngực trái. Nghề nghiệp của chúng tôi là vậy, cũng như người leo núi thích chinh phục các đỉnh cao, không mấy khi cho phép mình đứng trên một đỉnh núi nào rồi nhìn lại phía sau để thỏa mãn, cần liên tục có các mục tiêu cao hơn để phấn đấu, nỗ lực vượt qua. Nói đúng hơn là nhìn lại những thành quả để tự hào và xem đó là động lực để đi tiếp, nhưng nhất định phải đặt ra những thách thức mới để phấn đấu. Nhất là khi nhiều lĩnh vực xã hội phát triển và chuyển đổi sang thời đại 4.0, nếu không học hỏi, thay đổi mình thì khó tiếp tục có thành công. Chúng tôi vẫn luôn cố gắng để có nhiều sản phẩm tốt hơn nữa.

Cảm ơn NSƯT Đỗ Thanh Hải!

- Năm 2019, VFC đã hoàn thành kế hoạch sản xuất trên 300 tập phim/chương trình, nhiều bộ phim đạt rating cao, mang lại doanh thu lớn cho Đài THVN. Phim Về nhà đi con đoạt giải Phim truyền hình ấn tượng và 2 giải cá nhân cho diễn viên nam chính và nữ chính tại VTV Awards 2019; Bằng khen đặc biệt của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vì đã có tác động cực đến xã hội và Giải Đặc biệt tại LHTHTQ lần thứ 39.

- Phim Quỳnh búp bê đạt Giải Cánh diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam cho phim truyền hình xuất sắc nhất và lọt vào top 3 phim xuất sắc tại giải thưởng Asia Content Awards thuộc LHP Busan – Hàn Quốc.

- Ngày ấy mình đã yêu đoạt Giải Đạo diễn xuất sắc của Hội Điện ảnh Việt Nam và Giải Vàng tại LHTHTQ lần thứ 38.

- Đặc biệt, tháng 9/2019, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước