Đạo diễn Vũ Hoài Nam: “Làm phim khoa học cần phải kiên nhẫn”

PV-Thứ năm, ngày 14/03/2013 07:00 GMT+7

Đạo diễn Vũ Hoài Nam nhận giải thưởng kép về Phim và Đạo diễn xuất sắc của Cánh diều vàng

 Là chủ nhân hai giải thưởng xuất sắc của Cánh diều vàng, đạo diễn Vũ Hoài Nam chia sẻ, để thực hiện được phim khoa học thì yếu tố cần thiết là sự kiên nhẫn.

Trước tiên, chúc mừng anh với hai giải thưởng xuất sắc nhất của Cánh diều vàng, cảm xúc của anh lúc đó như thế nào?

ĐD Vũ Hoài Nam: Tất nhiên khi nhận giải thưởng của Cánh diều vàng, tôi cảm thấy rất vinh dự. Tham dự giải Cánh diều vàng, anh em chúng tôi ở phòng Phim tài liệu khoa học luôn có tâm niệm đây là cơ hội giúp chúng tôi nhìn lại mình, xác định vị trí của mình trong quá trình làm việc. Nói vậy không có nghĩa chúng tôi đoạt giải cao là đã thấy mình thành công hay thỏa mãn mà chúng tôi biết cần phải cố gắng hơn nữa trong quá trình tác nghiệp của mình.

Giải thưởng là cơ hội để chúng tôi biết mình đi đúng hướng hay không và nhận được sự đồng cảm từ những người chuyên môn. Đó là ý nghĩa mà chúng tôi luôn hướng tới khi làm phim khoa học.

Trên thực tế thể loại phim khoa học đã được Hội điện ảnh ưu ái dành cho nhiều hạng mục giải thưởng. Anh đánh giá như thế nào về vị trí của phim khoa học với các thể loại khác trong giải thưởng Cánh diều vàng?

ĐD Vũ Hoài Nam: Cá nhân chúng tôi, những người làm phim khoa học thấy rằng vị thế của phim khoa học trong giải thưởng Cánh diều vàng ngày càng được coi trọng hơn. Bạn bè, đồng nghiệp hay các thế hệ đi trước đã có sự động viên, hưởng ứng những người làm phim khoa học trẻ như chúng tôi. Điều này là động lực khích lệ chúng tôi cố gắng mang đến những tác phẩm ý nghĩa và sáng tạo hơn.

Trong tập phim Những gia đình ở Tràm Chim, anh đã sử dụng phương tiện, cách thức như thế nào để đạt được hiệu quả?

ĐD Vũ Hoài Nam: Thực tế, mọi người xem phim sẽ thấy nhiều cảnh quay đẹp và tưởng chừng chúng tôi sử dụng máy móc kỹ thuật hiện đại nhưng thật ra đó chỉ là những ống kính tự động đơn giản. Những cú bấm máy tự động kéo dài 2 tiếng, không tác động đến tự nhiên và chỉ sử dụng lên hình có vài giây. Để có những hình ảnh đó, chúng tôi đòi hỏi sự cần cù, chịu khó của đạo diễn, quay phim khi tác nghiệp để đạt được tính hiệu quả cao.

‘ Đạo diễn Vũ Hoài Nam trả lời phỏng vấn

Anh có thể kể một trong số nhiều kỷ niệm về quá trình thực hiện phim như quá trình phục để quay những hình ảnh tự nhiên của các loài chim?

ĐD Vũ Hoài Nam: Điều này thường xuyên xảy ra với chúng tôi khi thực hiện về phim thế giới động vật. Việc để có cảnh quay tự nhiên, chúng tôi phải phục và chờ đợi. Chúng tôi phải có sự kiên nhẫn, nhiều khi chỉ đơn thuần quay một cảnh từ đàn chim nhưng có khi chúng tôi có lúc đặt máy 2, 3 tiếng mà không thấy chúng quay về tổ. Chúng tôi luôn cố gắng tôn trọng thế giới tự nhiên và để chúng tự nhiên chứ không tác động gì vào. Vì vậy, chúng tôi dùng sự kiên trì của cả đoàn làm phim để có những hình ảnh chân thực nhất.

Được biết để hoàn thành bộ phim ở vườn quốc gia Tràm Chim, các anh đã có hơn một tháng ghi hình tại đó và các anh đã nhận được sự hỗ trợ như thế nào ở người dân nơi đây?

ĐD Vũ Hoài Nam: Khi đứng trên bục nhận giải, cá nhân và cả đoàn làm phim chúng tôi muốn dành lời cảm ơn trân trọng nhất tới cán bộ bảo vệ, nhân viên ở vườn quốc gia Tràm Chim. Nếu không có sự hỗ trợ của họ, chúng tôi không thể hoàn thành bộ phim này.

Bạn tưởng tưởng vườn quốc gia Tràm Chim rộng trên 7.500 ha và được đánh giá là khu vực chim quan trọng của Việt Nam. Trước khi bước vào đó, chúng tôi nghĩ là sẽ ghi được rất nhiều hình ảnh dễ dàng. Thế nhưng, thực tế có nhiều thứ không như mình mong muốn bởi cả không gian rộng như thế, chim thì đi đâu cũng gặp nhưng để ghi hình được cuộc sống của chúng thì không hề đơn giản. Có khi vừa nhìn thấy chúng, ê-kíp tiếp cận được thì đàn chim lại bay đi mất.

Vì vậy, những người bảo vệ, nhân viên ở vườn quốc gia Tràm Chim có vai trò quan trọng. Họ giúp chúng tôi định hướng nên ghi hình ở chỗ nào cho phù hợp với từng loài. Tôi đặc biệt cảm ơn một nhân vật dù không xuất hiện trong phim nhưng lại giữ vai trò quan trọng trong thành công của bộ phim. Đó là bác kiểm lâm Năm Hồng, năm nay đã ngoài 60 tuổi, người luôn sát sao với đoàn làm phim từ lúc đầu cho đến khi chúng tôi ra về. Dù có lúc sức khỏe yếu, chú vẫn uống thuốc để nhanh chóng hỗ trợ hay dù nhiệt độ ngoài trời khi ghi hình khoảng hơn 35 độ C nhưng chú vẫn hết sức cùng đoàn làm phim. Khi chúng tôi muốn ghi hình loài Sếu đầu đỏ, chú chỉ cho chúng tôi cách ngụy trang, cách đi, bò, đứng lên tắt máy ra về… để giúp chúng tôi ghi hình thiết thực.

Một lần nữa, chúng tôi xin gửi lời cám ơn tới tất cả những người đã hỗ trợ, giúp đỡ ê-kíp hoàn thành bộ phim ở vườn quốc gia Tràm Chim.

Cám ơn anh và chúc anh có sẽ có nhiều bộ phim ý nghĩa như vậy!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước