Đi tìm những địa danh lịch sử của Hiệp định Paris

Mai Chi (ghi theo lời kể của đạo diễn Nghiêm Nhan)-Thứ năm, ngày 14/03/2013 00:00 GMT+7

đạo diễn Nghiêm Nhan tác nghiệp trong giá rét

 Đạo diễn Nghiêm Nhan đã có chuyến làm phim tài liệu ở hai thành phố Choisy le Roi và Verrier le Buisson nằm ở ngoại ô Paris- Pháp, hành trình tìm lại những địa danh lịch sử của Hiệp định Paris được anh kể lại.

Làm phim trong mưa tuyết

45 năm trước- tức là vào năm 1968 đến năm 1973, hai thành phố này là nơi ở của hai đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa của cố vấn Lê Đức Thọ, bộ trưởng Xuân Thủy và Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền nam Việt Nam của bộ trưởng Nguyễn Thị Bình.

Paris- tuyết rơi dầy đặc suốt hành trình chúng tôi làm phim từ ngày 18-1 đến ngày 26-1-2013. Trời rét dưới -3 độ. Trong nhà hệ thống lò sưởi được mở hết công suất, đem lại sự ấm áp. Qua cửa sổ nhìn thấy những trận mưa tuyết. Sáng ra tuyết phủ dầy trên những mái nhà. Ống khói là một chi tiết kiến trúc phổ biển trong mọi ngôi nhà ở Paris và hai thành phố nơi tôi đến. Vườn mùa đông những hàng cây trụi lá đem lại vẻ đẹp của thiên nhiên xứ lạnh, một thiên nhiên đầy chất thơ.Tuyết dầy, xốp, trắng tinh khiết. Xọc ngón tay vào tuyết đưa lên ăn có cảm giác mát lạnh như đá bào. Quay phim ở ngoài trời một lúc cóng buốt mười đầu ngón tay.

Thành phố nơi tôi quay những hình ảnh đầu tiên đó là Choisy le Roi. Trong tiếng Pháp -“choisy” có nghĩa là lựa chọn. Thành phố này đã được các đời vua Luois lựa chọn kể từ thế kỷ XVII. Ngôi nhà tòa thị là một kiến trúc cổ điển. Cùng đoàn làm phim với tôi có họa sỹ Nguyễn Thu Thủy. Chị thích mở cửa sổ mặc cho hơi lạnh và tuyết bay vào để nhìn xuống đại lộ Versailles, một con đường thẳng tắp được các đời vua Luois cho xây dựng kéo dài đến cung điện Versailles ở Paris. Con đường ấy đi qua ngôi nhà trường Đảng cao cấp xưa kia mang tên tổng bí thư Đảng cộng sản Pháp bấy giờ - ông Maurice Thorez - mà từ năm 1968- 1973 phái đoàn đàm phán hiệp định Paris của đoàn VN DC CH đã ở đấy trong 5 năm.

Thành phố Choisy le Roi hiện giờ vẫn là một thành phố cộng sản. Thị trưởng thành phố kế nhiệm những người trước vẫn giữ truyền thống là một thị trưởng cộng sản. Bởi thế đã gần nửa thế kỷ rồi họ vẫn yêu quý Việt Nam, nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi khi sang làm phim về hiệp định Paris, về những câu chuyện, địa danh liên quan đến phái đoàn VN DC CH từ năm 1968-1973. Tôi được gặp ông Daniel Davisse- thị trưởng ngày nay của thành phố Choisy le Roi. Ông tự hào nói về ông thị trưởng cũ- một đảng viên cộng sản - ông Fernand Dupuy, người mà đã có quyết định sáng suốt giúp đỡ và để đoàn VN DC CH ở miễn phí trong thời gian đàm phán 5 năm (1968 – 1973 ) về hiệp định Paris. Tôi phỏng vấn được nhà văn, phó thị trưởng Jean Joel Lemarchand về tình cảm với Việt nam, về bức tranh hữu nghị Pháp- Việt bằng gốm của họa sỹ Nguyễn Thu Thủy được đặt tại trung tâm tòa thị chính trong dịp kỷ niệm 40 năm hiệp định Paris tại thành phố Choisy le Roi.

Nữ chính trị gia xinh đẹp làm hướng đạo

Hàng ngày, một chuyên viên cao cấp đối ngoại là Florence Lecervoisier của thành phố đưa tôi đi làm phim. Chị là một phụ nữ xinh đẹp làm chính trị, quả quyết, nhanh nhẹn, nhiệt tình và tinh tế. Chị đã hầu như gác mọi việc lại và thường xuyên lái xe đưa chúng tôi đi. Trong đoàn còn có ông Trịnh Ngọc Thái đã 84 tuổi- nguyên đại sứ tại Pháp và là thành viên, thư ký cho bác Lê Đức Thọ trong thời gian 5 năm đàm phán hiệp định Paris về Việt Nam. Phải chờ gần đến ngày về Việt Nam, chị Florence Lecervoisie mới liên hệ được với chủ ngôi nhà vốn trước kia là trường Đảng Maurice Thorez – nơi đoàn VN DC CH ở trong thời kỳ đàm phán. Ngôi nhà nay đã được một tư nhân mua. Nhà có 2 tầng.

Không khỏi bồi hồi xúc động, ông Trịnh Ngọc Thái chỉ cho chúng tôi căn buồng bác Lê Đức Thọ ở, buồng ông Xuân Thủy và buồng của bác ở. Căn nhà vẫn giữ nguyên dáng vẻ bên ngoài. Qua lối cầu thang xoắn bước lên nhà. Chúng tôi được chủ nhân mới đón tiếp. Kiến trúc nội thất đã được sửa đi ít nhiều. Qua cầu thang, bác Thái nói: “Anh em chúng tôi và các đồng chí bảo vệ mỗi khi lên xuống cầu thang phải đi thật nhẹ, thậm chí phải bỏ giầy dép để tránh tiếng ồn, giữ yên tĩnh cho bác Lê Đức Thọ, vì buồng của bác Lê Đức Thọ ở gần ngay cầu thang. Phía ngoài ngôi nhà, gắn lên bức tường cửa chính có một tấm biển ghi dòng chữ: Nơi đây đoàn VN DC CH đã ở từ năm 1968-1973 trong thời gian đàm phán hiệp định Paris”.

Tình yêu nồng nàn với Việt Nam

Tuyết vẫn rơi. Chúng tôi đến thành phố Verrier le Buisson nơi đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời miền nam Việt Nam do bà bộ trưởng Nguyến Thị Bình ở trong thời gian 5 năm đàm phán. Thành phố này có địa hình đồi. Xe đưa chúng tôi lên lên xuống xuống, đi qua những khu phố nhỏ. Ngôi nhà biệt thự nơi Bà Nguyễn Thị Bình ở có địa thế nằm trên một quả đồi thấp, thoai thoải. Ngôi nhà hiện nay cũng đã thuộc sở hữu của một tư nhân.Ngay sát cạnh tòa nhà là một hồ nước đẹp. Mùa này hồ đóng băng. Những hàng cây trụi là vươn lên nền trời xám đục.Trong hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình có kể thỉnh thoảng bà cùng các chị em hay ra hồ thư giãn ngắm thiên nga bơi.Thiên nhiên nơi đây làm dịu đi những căng thẳng sau mỗi lần đàm phán.

Cùng đi lần này với chúng tôi có đồng chí lái xe 3 năm cho bà Nguyễn Thị Bình (1970-1973).Ông tên là Michel Strachinescu. Ông chỉ cho tôi quay một tấm biển trên vỉa hè được đặt trước ngôi nhà này, trên đó có ghi: Nơi đây đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời miền nam Việt nam đã ở trong thời gian từ năm 1968 đến ngày ký kết hiệp định Paris về Việt nam 27-1-1973.

Chúng tôi thật sự xúc động. Vậy là hai ngôi nhà mà hai đoàn đàm phán của ta ở nơi tôi đến làm phim về hiệp định Paris đều vẫn còn nguyên vẹn. Mặc dù cả hai ngôi nhà đều thuộc quyền sở hữu của tư nhân nhưng đều được chính quyền hai thành phố cho đặt biển di tích lịch sử, đủ thấy họ rất trân trọng với lịch sử và rất trân trọng tình cảm với Việt Nam.

Trên đường về, đồng chí lái xe Michel Strachinescu mời chúng tôi vào thăm nhà. Ông cho chúng tôi xem chứng nhận có chữ ký của bà Nguyễn Thị Bình và kỷ niệm chương do Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Di Niên tặng, do có nhiều đóng góp với Việt Nam trong thời gian diễn ra hiệp định Paris.Ông khoe tập album ảnh kỷ niệm với bà Nguyễn Thị Bình và sẽ đem tặng bà trong dịp sang thăm Việt Nam để xuất hiện với tư cách là nhân chứng trong chương trình giao lưu của VTV về những người bạn quốc tế với Việt Nam trong thời gian diễn ra cuộc đàm phán hiệp định Paris (sẽ được ghi hình ngày 26-1- 2013 tại nhà văn hóa Thanh niên ở Hà Nội).Ông rất phấn khởi trước chuyến đi sắp tới. Tôi cũng chia sẻ niềm vui với ông. Ký ức không ngủ yên trong trái tim một đảng viên cộng sản Pháp và luôn dành chỗ cho Việt Nam trong trái tim mình.

Trong chuyến đi làm phim về hiệp định Paris, tôi còn được gặp và tiếp xúc với nhiều kiều bào, nhiều bạn bè quốc tế đã bỏ công sức cả đời ra nghiên cứu những vấn đề lịch sử Việt nam như nhà sử học Pháp Alain Ruscio, đạo diễn Daniel Roussel- người đam mê làm phim về Việt Nam, được gặp nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo…Thực tế đã cho tôi thấy có một lịch sử Việt Nam ở ngoài Việt Nam. Lịch sử Việt Nam qua cái nhìn, thái độ, tình cảm của những kiều bào, những bạn bè quốc tế về Việt Nam.

Trong cái khô lạnh của trời Paris, tôi luôn thấy ấm lòng giữa những người bạn Pháp. Đã 45 năm rồi họ vẫn thế, vẫn một tình yêu nồng nàn với Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước