Những năm tháng chiến tranh khốc liệt đã lùi xa, những năm tháng ấy các cô các chú, các bác bằng tuổi trẻ, sự nhiệt huyết và tình yêu tổ quốc đã cống hiến thanh xuân vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Để đi đến thắng lợi cuối cùng vào ngày 30/4/1975, tuổi trẻ Sài Gòn – Gia Định luôn luôn là mũi xung kích đi đầu trong các mặt trận chính trị, quân sự, binh vận.
Trong suốt 20 năm dấn thân vì độc lập, thống nhất đất nước (1955-1975), các thế hệ thanh niên học sinh sinh viên Sài Gòn và các đô thị miền Nam đã đóng góp cho Tổ quốc nhiều người con ưu tú để xây dựng lực lượng trong các mũi tiến công và nổi dậy của Thành đoàn Sài Gòn – Gia Định, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đêm mùng 2 Tết Mậu Thân, cuộc Tổng tiến công nổ ra tại Sài Gòn và khắp các đô thị miền Nam. Ông Hoàng Đôn Nhật Tân (Bí danh Sáu Triều), Nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, cho biết "Thành ủy chỉ đạo phải làm những buổi tập hợp lớn, chuẩn bị sẵn sàng làm các cuộc nổi dậy lớn để kết hợp với tổng tiến công. Vì thế chúng tôi làm đêm văn nghệ Quang Trung với 12.000 thanh niên tập trung tại trường Quốc gia Hành chánh. Đêm văn nghệ Quang Trung là chiến công bằng văn nghệ, văn hoá, tấn công trực diện kẻ thù, góp phần vào thắng lợi của tổng tấn công, thay đổi cục diện chiến tranh".
Suốt những năm mưa bom, bão đạn, học sinh sinh viên Sài Gòn vẫn vững lòng chiến đấu cho đến ngày toàn thắng chính là nhờ những bà má phong trào như má Hai chở che, bao bọc, nuôi dưỡng, thầm lặng hy sinh. Tình yêu thương của má đã hòa vào tình yêu thương dân tộc. Bà Nguyễn Thị Hiệp (Bí danh Ba Trọng), Cựu giao liên Thành đoàn TP Hồ Chí Minh kể rằng má Hai phục vụ cơm nước, có gạo, cá để đãi cho mọi người ăn, không phải lo lắng nên mối quan hệ với Thành đoàn rất sâu nặng. Sau Giải phóng, năm nào các đồng chí cũng về thăm má.
Trong thời khắc huy hoàng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử không thể thiếu các mũi xung kích của Thành đoàn Sài Gòn – Gia Định, chịu trách nhiệm 5 khu vực khởi nghĩa là Ngã bảy - Vườn Chuối – Bàn cờ, Khánh Hội – Xóm Chiếu, Cầu Kiệu – ngã tư Phú Nhuận, Cầu Bông – Bà Chiểu, Bà Điểm.
Thắng lợi của các học sinh sinh viên trong lòng đô thị đã được kết tinh từ trí tuệ, lòng yêu nước, yêu cách mạng, yêu chính nghĩa, yêu lẽ phải, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Mạch nguồn của một thời sống đẹp luôn nhắc nhở chúng ta tiếp tục nuôi chảy trong trái tim các thế hệ trẻ hôm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!