Hãy cùng phóng viên VTV Times gặp gỡ nữ quay phim xinh đẹp của VTV8 để nghe chị chia sẻ về hành trình làm nghề.
Từng là một biên tập viên, người dẫn chương trình, cơ duyên nào dẫn chị đến sự hoán đổi vị trí ngoạn mục này?
Tôi đã tốt nghiệp trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh hệ Đạo diễn Điện ảnh. Ra trường, tôi được nhận vào Hãng phim Bình Dương BTF làm rất nhiều phim truyền hình, ca nhạc, phim tài liệu, từng đảm nhận vai trò phó Đạo diễn phim Trăng nơi đáy giếng của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn do hãng phim Giải Phóng sản xuất. Vì vậy, việc đứng sau máy quay không quá xa lạ đối với tôi. Tuy nhiên, khi vào công tác tại VTV8, tôi đảm nhận vai trò Biên tập viên Thời sự, sau đó chuyển qua phòng Văn nghệ.
Bảo Anh và các đồng nghiệp
Tôi còn nhớ, lần đó, khi đang làm chương trình trải nghiệm về du lịch Sóng nước Tam Giang, tự nhiên ngứa ngáy tay chân nên nói với anh quay phim: "Em quay được, anh cho em phụ anh nhé!". Nói xong tôi lấy máy handycam quay luôn. Anh quay phim thì đang sử dụng máy quay 500 - con này to nặng, tôi cũng muốn thử nên nhờ anh quay phim hướng dẫn. Sau đó, cứ có chương trình nào đi làm biên tập tôi lại xin quay dưới sự hướng dẫn của các đồng nghiệp nam... Một ngày đẹp trời, tiếng lành vang xa tới tai Giám đốc, lúc này bên quay phim thiếu người, sếp hỏi: "Bảo Anh có muốn qua Phòng Quay phim – Đạo diễn không?". Tôi đồng ý qua liền.
Thời gian đầu, phản ứng của mọi người thế nào khi một cô gái đứng sau máy quay?
Khi tôi đưa ảnh đang tác nghiệp lên mạng xã hội, mọi người tưởng tôi đang diễn (cười). Cũng có người có vẻ coi thường, nghĩ rằng tôi là con gái sao mà làm được việc này. Nhưng khoảng thời gian 8 năm vừa qua đã chứng mình tôi làm được và được sự công nhận của mọi người.
Bảo Anh tác nghiệp trong hang động ở Quảng Bình
Phụ nữ làm nghề quay phim thì có những thuận lợi và khó khăn gì, ngoài việc phải vác chiếc máy quay rất nặng?
Nếu mà đi phối hợp (như các chương trình truyền hình trực tiếp) thì có các anh kỹ thuật ráp máy sẵn rồi, chỉ việc quay theo ý đồ của đạo diễn hình hô ở trên xe màu, còn quay máy lẻ thì hơi vất vả vì mình phải tự lo từ đạo diễn hình cho tới kỹ thuật. Máy hồi xưa tôi dùng 300 nên hơi nặng, giờ có máy 200, 190 đỡ hơn, có khi tôi sử dụng máy ảnh cá nhân để quay nên rất tiện và đẹp nữa.
Phụ nữ thì luôn nhạy cảm, tỉ mỉ và mềm mại hơn nam giới, vậy góc máy của phụ nữ có khác biệt nhiều so với các đồng nghiệp nam?
Do tôi có học Đạo diễn Điện ảnh - Truyền hình nên có thể sáng tạo được nhiều góc máy lạ, đẹp. Bên cạnh đó, phụ nữ cũng nhạy cảm và dễ xúc động hơn nam giới. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, thì mỗi quay phim đều có góc nhìn và thế mạnh khác nhau nên rất khó để có thể so sánh được.
Chị không ngần ngại leo lên ngọn Hải đăng để quay được những khung hình đẹp
Là nữ quay phim duy nhất của VTV8, chị có được ưu ái hơn không?
Nam nữ bình đẳng, nhiều khi các anh còn hay chọc tôi là "thằng Bảo Anh" (cười). Nói vậy thôi chứ khi đã theo nghề này phải hơi nam tính một chút mới hoàn thành được tốt công việc. Còn khi rời khỏi máy quay thì "Em là cô gái Huế, một chiếc lá rơi cũng làm em hoảng sợ" (cười lớn).
Nghề quay phim, đặc biệt là quay phim truyền hình, rất vất vả, giờ giấc thất thường, điều đó có ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của chị?
Bên phòng tôi chủ yếu làm phóng sự, ký sự, phim tài liệu, gameshow, các chương trình THTT như bóng đá, lễ hội,... Hồi con gái tôi còn nhỏ thì đúng là rất vất vả, nhưng giờ bé đã 11 tuổi rồi, có thể tự lo cho bản thân nên cũng đỡ hơn. Tôi may mắn có ông bà ngoại hỗ trợ rất nhiều trong việc đưa đón và chăm sóc bé nên mới có thể chuyên tâm cho công việc.
Vào dịp hè, chị thường dẫn con gái đi theo để bé hiểu hơn về công việc của mẹ.
Chị có thể chia sẻ một vài kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình tác nghiệp?
Kỷ niệm thì nhiều lắm, chuyện dầm mưa dãi nắng thì như cơm bữa, nhưng tôi ấn tượng nhất là lần ngâm mình trong nước ở hang Quảng Bình hay lần đi đảo Cồn Cỏ để làm chương trình Hình ảnh từ cuộc sống phát trên VTV1, tôi đã không ngần ngại trèo lên ngọn hải đăng để quay cảnh "những người bảo vệ mắt ngọc của ngọn hải đăng". Mặc dù không sợ độ cao nhưng khi xem lại những tấm hình mà đồng nghiệp chụp lại khoảnh khắc tôi đang tác nghiệp thì cũng thấy tự phục bản thân quá (cười). Chuyến đi dài ngày nhất là khi làm các chương trình: Chuyến xe buýt kỳ thú và Người nông dân hiện đại, mỗi lần đi phải trên 20 ngày trải dài các tỉnh…
Điều khiến chị hạnh phúc nhất khi theo đuổi công việc này là gì?
Chân tôi là chân đi nên ngồi yên là không chịu được.
Dù vất vả nhưng Bảo Anh chưa bao giờ vơi bớt niềm đam mê với công việc vốn chỉ dành cho phái mạnh này
Số lượng nữ giới làm quay phim vẫn còn khá hạn chế. Nếu có lời khuyên cho các bạn gái trẻ muốn thử sức với công việc này, chị sẽ nói gì?
Cứ làm điều mà mình thích để sau này không hối hận! Quay phim nữ không thể vác máy hoài được. Đến tầm 50 tuổi sẽ gác kiếm và chuyển qua làm đạo diễn phim trường, mà nếu tới lúc đó còn sức tôi cũng sẽ vác máy đi quay tiếp.
Xin cảm ơn chị!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!