Hội thảo Sản xuất chương trình thiếu nhi - Giáo dục kết hợp Giải trí: Những kinh nghiệm thực tiễn quý báu được chia sẻ

Linh Anh-Thứ năm, ngày 14/12/2017 17:30 GMT+7

Ông Lâm Kiết Tường, Phó TGĐ Đài THVN phát biểu tại hội thảo.

VTV.vn - Hội thảo Sản xuất chương trình thiếu nhi - Giáo dục kết hợp Giải trí nằm trong khuôn khổ Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 37.

Buổi hội thảo có sự tham dự của ông Lâm Kiết Tường, Phó Tổng Giám đốc Đài THVN; bà Nguyễn Thị Kim Hoa - Giám đốc Trung tâm sản xuất các chương trình Giáo dục - kênh VTV7, Đài THVN; ông Nguyễn Đức Hoà - Phó Trưởng ban Thanh thiếu niên, Đài THVN và bà Phạm Hồng Tuyến, Trưởng Phòng thiếu nhi, Ban Thanh thiếu niên, Đài THVN.

Buổi hội thảo đã thu hút sự tham gia của rất nhiều phóng viên, biên tập viên đến từ các đài PT-TH trong cả nước quan tâm đến việc làm sao có thể sản xuất những chương trình truyền hình thực sự hấp dẫn và gần gũi với trẻ em. Bên cạnh đó, hội thảo có các tham luận đến từ chuyên gia giáo dục, các nhà sản xuất của kênh VTV7 và đạo diễn nước ngoài – đại diện cho kênh Anak của Philippines.

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Lâm Kiết Tường, Phó TGĐ Đài THVN cho biết: "Thiếu nhi là đối tượng đặc biệt cần được quan tâm. Tuy nhiên hiện nay, thực trạng các chương trình thiếu nhi vừa thiếu cũng như chất lượng chưa cao. Lực lượng sản xuất cũng đang thiếu nên gần như rất ít chương trình do chúng ta sản xuất. Đây cũng lĩnh vực khó vì cách thức thực hiện cũng như sự đầu tư nguồn lực chưa được nhiều, đặc biệt khi truyền hình và các loại báo chí khác đang phải cạnh tranh với Internet. Hy vọng sau hội thảo này, các đơn vị sản xuất, các đài PT-TH trong cả nước cần quan tâm đầu tư hơn nữa để các chương trình dành cho thiếu nhi được cải thiện và đến gần với các khán giả nhỏ tuổi hơn".

Dưới đây là một số nội dung chính của buổi hội thảo:

Tham luận "Nhu cầu của trẻ em khi tiếp cận với các chương trình truyền hình" – TSGD Nguyễn Thuỵ Anh: Những đề xuất về mặt lý thuyết dựa vào đặc điểm tâm lý lứa tuổi

Hội thảo Sản xuất chương trình thiếu nhi - Giáo dục kết hợp Giải trí: Những kinh nghiệm thực tiễn quý báu được chia sẻ - Ảnh 1.

Tham luận đầu tiên của Hội thảo Sản xuất chương trình thiếu nhi - Giáo dục kết hợp Giải trí của TSGD. Nguyễn Thuỵ Anh. Bà Nguyễn Thuỵ Anh cho rằng làm sao để xác định được nhu cầu của trẻ em thực sự là rất khó bởi thay đổi liên tục. Ngoài việc đáp ứng được sở thích của các em thì trách nhiệm quan trọng hơn của các chương trình truyền hình là giáo dục, để hình thành sở thích, nhu cầu tinh thần hay gu thẩm mỹ cho các em.

TSGD Nguyễn Thuỵ Anh đã chỉ ra những ưu thế của các chương trình phát trên kênh truyền hình đối với lứa tuổi này nằm ở những điểm sau như: Dễ sử dụngg, ít gây hại cho mắt hơn là iPad, iPhone; người làm chương trình chủ động kiểm soát thời lượng và nội dung bé xem; bố mẹ, ông bà có thể cùng tham gia vào quá trình sử dụng tivi hơn là khi bé dùng các thiết bị khác; có thể chỉnh khoảng cách mắt và tivi, cường độ âm thanh hợp lý; cho cảm giác được tham gia với cộng đồng…

Những hình thức trên truyền hình gồm có như trò chuyện cùng trẻ thông qua các chương trình có người dẫn cùng hình ảnh minh hoạ; tạp chí truyền hình với nhiều chuyên mục; các gameshow, trò chơi truyền hình thực tế, trò chơi và cuộc thi kiến thức; phim điện ảnh, phim truyền hình nhiều tập, phim hoạt hình; các bài học với những môn học cụ thể hoặc kỹ năng được dựng có nội dung; tiêu chí truyền đạt kiến thức; chương trình âm nhạc, nghệ thuật; góc sáng tạo; làm đồ thủ công…

TSDG Nguyễn Thuỵ Anh cũng chỉ ra những đặc điểm tâm lý trẻ em trong việc tiếp nhận các thông tin, hình ảnh truyền hình và có những đề xuất tương ứng với nhà sản xuất.

Theo TSGD Nguyễn Thuỵ Anh, để có thể tìm hiểu kỹ hơn nhu cầu của trẻ trong thời đại mới, cần có sự quan sát, ghi chép, miêu tả, phân tích, đánh giá những phản ứng của trẻ với các chương trình truyền hình đang phát sóng, đồng thời tiến hành điều tra thăm dò ý kiến từ góc độ người lớn và trẻ em trên diện rộng. Những đề xuát về mặt lý thuyết dựa vào những đặc điểm tâm lý lứa tuổi. Các nhà sản xuất, nhà biên kịch, đạo diễn… rất nên tham khảo ý kiến chuyên gia giáo dục và tâm lý giáo dục ở mỗi chương trình cụ thể.

Mỗi chương trình cần được dán nhãn lứa tuổi để bố mẹ quyết định cho các con tiếp cận hay không. Sự cẩn trọng trong khi xây dựng chương trình, làm phim cho trẻ thể hiện trách nhiệm của người làm truyền hình đối với sự an toàn về tinh thần và thể chất của trẻ, đồng thời là ý thức thông qua kênh truyền hình nâng cao kiến thức, kỹ năng, chất lượng sống của trẻ em.

Tham luận của VTV7: Cách thức sản xuất các chương trình giáo dục hấp dẫn dành cho thiếu nhi  - Bà Vũ Việt Nga – Nhà sản xuất kênh truyền hình giáo dục VTV7): Thực hiện pretest và postest là một khâu bắt buộc trong quy trình sản xuất

Trong tham luận của Trung tâm sản xuất các chương trình giáo dục đã chỉ ra một chương trình giáo dục, hấp dẫn khán giả phải cần những gì. Đó phải là những chương trình đúng và phù hợp tâm lý tiếp nhận của trẻ, tạo sự thích thú tìm tòi, khám phá, học hỏi ở trẻ, giúp trẻ phát triển về trí não và vận động. Và quan trọng là phải an toàn cho trẻ.

Đại diện của VTV7 cũng cho biết hiện nay có một thuật ngữ hay được dùng, đó là Edutainment (Education và Entertainment) để nói về các chương trình Giáo dục giải trí dành cho trẻ em. Một chương trình cần đạt được cả yếu tố giáo dục và giải trí. Và để đạt được mục đích đó thì những người làm truyền hình sản xuất các chương trình thiếu nhi cần thấu hiểu tâm lý và nhu cầu của từng độ tuổi trẻ em. Các chương trình giáo dục sản xuất ra cần đáp ứng đúng như cầu và tâm lý tiếp nhận của trẻ.

Tham luận của kênh VTV7 cũng đưa ra những cách thức sản xuất chương trình giáo dục hấp dẫn dành cho thiếu nhi của chính kênh truyền hình này. Sự khác biệt của các chương trình dành cho thiếu nhi của VTV7 đang được sản xuất dựa trên một số bước cơ bản nhưng rất quan trọng như phân tích và bám sát tâm lý lứa tuổi khán giả; quy trình sản xuất với sự tham gia chặt chẽ của cố vấn về tâm lý và giáo dục để đảm bảo các nội dung giáo dục phù hợp với từng đối tượng khán giả; thực hiện pretest (chiếu chương trình cho khán giả xem chương trình demo trước khi phát sóng) và postest (chiếu chương trình cho khán giả xem sau một mùa phát sóng, ghi nhận phản hồi để có những điều chỉnh phù hợp) để đo lường sự phù hợp của chương trình với các đối tượng khán giả đích.

Việc thực hiện pretest và postest là một khâu bắt buộc trong quy trình sản xuất của VTV7. VTV7 còn thường xuyên thực hiện các phiếu điều tra khán giả qua Internet, qua phát phiếu, điều tra, phỏng vấn… để có thể lắng nghe nhiều nhất ý kiến của các khán giả nhỏ tuổi, phụ huynh và giáo viên.

Việc sản xuất các chương trình giáo dục hấp dẫn dành cho trẻ em hiện nay là một việc vô cùng cần thiết. Vì trẻ em đang sống trong thời đại của đa phương tiện, việc thiêu thu các sản phẩm Video là điều tất yếu. Hãy biến những nỗi lo của các ông bố, bà mẹ khi con xem quá nhiều tivi, iPad, điện thoại thông minh… thành những điều có giá trị và hữu ích hơn, bằng việc sản xuất ra các chương trình Giáo dục hấp dẫn dành cho trẻ em. Mặc dù mới bắt đầu chưa lâu và vẫn còn rất nhiều việc cần làm, cần thay đổi và còn nhiều thiếu sót nhưng những người làm truyền hình của VTV7 luôn coi đó là một công việc vô cùng ý nghĩa và may mắn có cơ hội được làm cho thế hệ tương lai Việt Nam.

Tham luận "Cách thức tiếp cận khán giả đối với các chương trình giáo dục dành cho trẻ em" - Bà Phạm Thị Hoàng Diệp, VTV7

Tham luận đưa ra những câu trả lời cho các câu hỏi: Khán giả của chương trình giáo dục dành cho thiếu nhi là ai?; VTV7 đang tiếp cận khán giả bằng những cách nào. Trong đó, với câu hỏi: Khán giả của chương trình giáo dục dành cho thiếu nhi là ai?, thì đó là trẻ em, phụ huynh/bố mẹ, giáo viên.

Trong đó, trẻ em là đối tượng khán giả mục tiêu. Đây là đối tượng khán giả quan trọng nhất cần tiếp cận và chinh phục. Hiện nay, trẻ em nhiều khi là người quyết định xem chương trình truyền hình nào tại gia đình. Đối với phụ huynh/bố mẹ là đối tượng khán giả không thể bỏ qua khi sản xuất các chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi. Vì phụ huynh sẽ là đối tượng đầu tiên bật một chương trình tivi hay video nào đó cho con mình xem khi họ thấy chương trình đó có ích cho con mình. Đối với giáo viên cũng cần những video, clip để minh hoạ cho các bài học dành cho học sinh trở nên phong phú thì nhu cầu sử dụng các chương trình giáo dục trong dạy học là một nhu cầu không hề nhỏ. Giáo viên cũng sẽ là người chiếu hoặc giới thiệu các chương trình tivi hay video hữu ích cho học sinh xem khi họ thấy các chương trình đó có các nội dung phù hợp và phục vụ cho nhu cầu học tập của học sinh.

Hiện nay, VTV7 đang có nhiều cách tiếp cận khán giả. Trong đó, VTV7 đã tiến hành nghiên cứu tâm lý của khán giả xem truyền hình dựa trên thói quen của khán giả để có những cách thức khán giả phù hợp. Các chương trình giáo dục trên kênh VTV7 hiện được chia ra thành 5 nhóm: VTV7 KIDS, VTV Trường học (Tiểu học, THCS, THPT), VTV& English, VTV7+ và VTV7 Tin tức.

Facebook của VTV7 được sử dụng như một cách thức để tương tác với các học sinh cấp 2, cấp 3 và đặc biệt là các phụ huynh và giáo viên. Đây là những đối tượng sử dụng mạng Internet rất nhiều. Fanpage của VTV7 giới thiệu các chương trình mới cho các đối tượng khán giả mục tiêu như trên, giới thiệu thời gian phát sóng và là kênh tương tác để thăm dò ý kiến khán giả. Các chương trình có lượng tương tác cao nhất hiện nay trên fanpage của VTV7 là các chương trình thuộc khung VTV7 English và các chương trình ôn thi dành cho học sinh cấp 2 và cấp 3.

Ngoài ra, để tiếp cận với các nhà trường, khuyến khích nhà trường, giáo viên, học sinh… thử nghiệm việc sử dụng các chương trình giáo dục do VTV7 sản xuất trong chương trình học, giờ học như một tài liệu tham khảo, bổ trợ, VTV7 đã thí điểm cung cấp kho học liệu cho các cấp học. Ngoài ra, VTV7 cũng mong muốn hợp tác địa phương để có những trao đổi về sản xuất và phát triển các chương trình giáo dục dành cho trẻ em. Từ đó có thể tăng khả năng tiếp cận nhiều hơn các đối tượng khán giả đích.

Tham luận của ông Nico Hernandez, Giám đốc sáng tạo, đạo diễn truyền hình của Anak TV

Hội thảo Sản xuất chương trình thiếu nhi - Giáo dục kết hợp Giải trí: Những kinh nghiệm thực tiễn quý báu được chia sẻ - Ảnh 2.

Ông Nico Hernandez đã chia sẻ về chương trình hướng dẫn các em nhỏ có thể tự làm phim hay tự sản xuất một chương trình của chính mình. Ý tưởng này đến từ những ngày thơ ấu của vị đạo diễn người Philippines khi ông rất thích quay và dựng các video nhỏ. Đó cũng chính là lý do mà khi về làm việc cho kênh AnakTV, ông Nico Hernandezđã thực hiện những chương trình khuyến khích và hướng dẫn các em tự làm ra những tác phẩm truyền hình của mình.

Đội ngũ sản xuất của kênh Anak đã có những chuyến đi khắp đất nước Philippines để tìm hiểu xem một chương trình như thế nào sẽ thân thiện, gần gũi và hấp dẫn trẻ em, bên cạnh đó còn đi đến đến nhiều vùng sâu hay hẻo lánh để mang đến những kiến thức cơ bản về việc làm phim cho các em nhỏ.

Ông Nico cho biết kênh Anak muốn nhân rộng chương trình này, mang đến nhiều kiến thức bổ ích về việc sản xuất chương trình truyền hình cho những trẻ em khác ở các nước ĐNA. Các em có dịp được trải nghiệm công việc làm phim, sản xuất chương trình truyền hình và tận dụng các phương tiện công nghệ hiện đại. Không chỉ đơn giản là những người làm truyền hình sản xuất ra các chương trình bổ ích, hấp dẫn mà kênh Anak còn mong muốn tạo ra một thế hệ làm truyền hình mới trong tương lai.

Bà Viz Bonalos, đại diện BTC giải thưởng Prix Jeunesse – giải thưởng danh tiếng nhất thế giới tôn vinh các sản phẩm truyền hình sáng tạo dành cho trẻ em cũng đã giới thiệu những đôi nét về giải thưởng này tại buổi hội thảo. 

Chương trình Tiếng dân tộc thiểu số tại LHTHTQ 37: Đổi mới, bứt phá và thiết thực Chương trình Tiếng dân tộc thiểu số tại LHTHTQ 37: Đổi mới, bứt phá và thiết thực Chương trình Chuyên đề - Khoa giáo tại LHTHTQ 37: Hấp dẫn và rất đáng xem Chương trình Chuyên đề - Khoa giáo tại LHTHTQ 37: Hấp dẫn và rất đáng xem Nhà báo Quang Minh: Truyền hình hiện nay không thể phát triển một cách độc lập Nhà báo Quang Minh: Truyền hình hiện nay không thể phát triển một cách độc lập

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước