Kỹ thuật Truyền hình Việt Nam - 45 năm phát triển và những điều đáng nhớ (Kỳ 1)

TS. Ngô Thái Trị-Thứ sáu, ngày 08/05/2015 14:25 GMT+7

Khu vực Tổng khống chế hiện đại của Đài THVN sau 45 năm hình thành và phát triển

VTV.vn - Nhân kỷ niệm 45 năm ngày phát sóng chương trình truyền hình đầu tiên của Đài THVN, TS. Ngô Thái Trị đã có những chia sẻ về sự đổi thay của công nghệ truyền hình Việt Nam.

Là một người làm công tác kỹ thuật suốt đời gắn bó với sự nghiệp kỹ thuật truyền hình, tuy đã về hưu 5 năm, song những ký ức về những giai đoạn đổi thay của công nghệ truyền hình Việt Nam vẫn còn đậm nét trong tôi.

Điều chưa biết về logo VTV

Thương hiệu của Đài Truyền hình Việt Nam với Logo có 3 màu cơ bản RGB ngày nay đã trở nên nổi tiếng, thậm chí ở góc độ cơ chế thị trường, thương hiệu VTV còn có thể coi là tài sản để góp vốn với các công ty liên doanh. Nhưng ngày nay chắc cũng ít ai biết nguồn gốc cũng như thời điểm ra đời của ba chữ VTV đó.

Truyền hình Việt Nam phát sóng chương trình truyền hình đầu tiên với công nghệ đen trắng vào ngày 7/9/1970, khi đó còn là một Ban của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Sau năm 1976, truyền hình Việt Nam (lúc đó là Đài Truyền hình Trung ương trực thuộc Ủy ban Phát thanh Truyền hình) đã phát sóng hàng ngày tại Giảng Võ nhưng chỉ vào buổi tối (19h00 - 22h00) và hầu như chỉ ở khu vực Hà Nội.

Trước khi bắt đầu phát sóng 1 phút, camera truyền hình tại trường quay sẽ bắt cận cảnh vào một chiếc đồng hồ treo tường chạy kim, kim đồng hồ nhích từng giây một cùng với bản nhạc Lãnh tụ ca trang trọng và hùng tráng trong sự háo hức, chờ đợi của hàng triệu khán giả truyền hình. Đúng 19h00, hình ảnh được chuyển từ đồng hồ sang hình hiệu của Đài khi đó là hình ảnh chiếc trống đồng quay và dòng chữ “Vô tuyến Truyền hình Việt nam” được phóng to dần và bắt đầu chương trình chình thức của Truyền hình Việt Nam.

Tuy nhiên, có một chi tiết nho nhỏ khiến khán giả không vừa lòng là thời điểm 19h00 của Đài THVN thường sai lệch với thông tin báo giờ trên Đài Tiếng nói Việt Nam (thời điểm đó người dân chủ yếu vẫn nghe thông tin qua Radio vì số gia đình có máy thu hình không nhiều). Lý do là Truyền hình sử dụng đồng hồ kim bình thường, chạy bằng pin, trong khi đó để báo giờ sau mỗi tiếng Đài Tiếng nói Việt Nam dùng đồng hồ thạch anh có độ chính xác cao (10-11) nên thời khắc 19h00 giữa Đài THVN và Đài Tiếng nói Việt Nam có sự sai lệch là điều dễ hiểu.

Theo yêu cầu của Phó Tổng Giám đốc Chu Doanh, nhóm thực hiện đề tài do tôi là chủ nhiệm có nhiệm vụ làm sao để Đài THVN bắt đầu lên sóng chính xác vào 19h00 mỗi ngày - đúng vào thời điểm báo 19h00 của Đài tiếng nói Việt Nam. Nhiệm vụ nghe có vẻ đơn giản nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì không dễ chút nào.

Sau khi khảo sát thực tế tại Đài Tiếng nói và Viện Khoa học Việt Nam, nhóm thực hiện đề tài nhận ra rằng: với kinh phí của đề tài thì không thể nghĩ đến việc đầu tư đồng hồ có độ chính xác cao như VOV, hơn nữa việc làm đó cũng không khả thi và không thật cần thiết. Một phương án nữa cũng được nêu ra là tìm cách nào đó truyền tín hiệu đồng hồ từ Viện Khoa học Việt Nam hoặc Đài Tiếng nói Việt Nam về Trung tâm Kỹ thuật của Truyền hình Việt Nam tại Giảng Võ; song với thực tế lúc đó việc này cũng không có tính khả thi.

Sau khi cân nhắc kỹ các phương án cả về kinh tế, kỹ thuật, yêu cầu, nhiệm vụ..., nhóm thực hiện đề tài đã thực hiện phương án: Tách sóng tiếng “tuýt” cuối cùng sau tiếng nhạc báo giờ của Đài Tiếng nói Việt Nam, kích hoạt thiết bị tự thiết kế, lắp ráp của nhóm thực hiện đề tài (bao gồm đồng hồ điện tử và hệ thống hiển thị trên màn hình). Kết quả đã đáp ứng được yêu cầu của lãnh đạo: Bằng mắt thường không thể nhận biết được sự sai lệch (nếu có) giữa thời khắc 19h00 của Đài THVN và Đài TNVN mà kinh phí bỏ ra lại không đáng kể.

Kể lại chuyện này, có thể các cán bộ kỹ thuật truyền hình bây giờ cho là việc quá đơn giản, so với hàng trăm, hàng ngàn các đề tài nghiên cứu khoa học với hàm lượng khoa học và ý nghĩa thực tiễn cao đã được các thế hệ kỹ thuật viên Đài THVN thực hiện thì không có gì đáng nói. Nhưng vấn đề là ở chỗ, năm 1990, Đài THVN bắt đầu phát sóng qua vệ tinh, ngoài yêu cầu về báo giờ chính xác (có thể là thứ yếu), nhóm thực hiện đề tài còn được giao một nhiệm vụ nữa là chọn Logo cho chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam (lúc đó mới chỉ có một chương trình vào buổi tối) đi kèm với thông tin về thời gian.

Thời điểm đó cũng có một số phương án được lựa chọn, trong đó có THVN, TVN và VTV với các nét chữ có cách điệu khác nhau. Nhưng sau nhiều lần trao đổi, cân nhắc, logo VTV đã được Lãnh đạo Đài THVN lựa chọn trên cơ sở các tiêu chí:

- VTV là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Việt: Vô tuyến Truyền hình Việt Nam, hoàn toàn theo nghĩa tiếng Việt phù hợp với quy định của nhà nước;

- VTV có thể hiểu theo nghĩa tiếng Anh là Vietnam TeleVision để khán giả nước ngoài dễ nhận biết;

- VTV với 3 màu Đỏ (Red), Xanh lá cây (Green) và Xanh nước biển (Blue) thể hiện 3 màu cơ bản của truyền hình màu - R,G,B.

Logo VTV - thương hiệu nổi tiếng của Đài THVN đã ra đời trong bối cảnh đó, không phải xuất phát từ đòi hỏi của yêu cầu kinh doanh hay cơ chế thị trường mà là một yêu cầu mang đậm tính kỹ thuật.

Từ truyền hình đen trắng thành truyền hình màu

Từ năm 1970 – 1980, THVN vẫn phát đen trắng. Song ngay từ cuối những năm 1970, dưới sự chỉ đạo của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ngoạn (khi đó là Kỹ sư trưởng), Đài THVN đã bắt đầu thử nghiệm truyền hình màu. Để góp phần nâng cao trình độ đội ngũ, Đài THVN còn cử một đoàn gồm 8 kỹ sư sang thực tập về truyền hình màu tại Đài truyền hình Berlin của Cộng hòa Dân chủ Đức trong thời gian 1,5 năm.

Sau năm 1980, tuy thiết bị còn hết sức hạn chế, Đài THVN đã cố gắng phát xen kẽ các chương trình truyền hình màu (hệ SECAM) với các chương trình đen trắng nhằm mục đích thử nghiệm, đào tạo đội ngũ và phục vụ một số lượng hạn chế các máy thu hình màu hiện có của khán giả. Giai đoạn 1980 - 1990 có thể coi là giai đoạn chuyển đổi dần dần từng bước từ truyền hình đen trắng sang truyền hình màu tại Việt Nam.

Thực ra, khách quan mà nói, việc chuyển đổi từ đen trắng sang màu không có sức ép gì lớn vì máy thu hình đen trắng vẫn thu được chương trình khi đài truyền hình phát màu, hệ thống máy phát hình cũng không cần phải nâng cấp. Vấn đề chỉ là đầu tư mới thiết bị sản xuất, ghi hình, xử lý tín hiệu tại trung tâm truyền hình.

Tuy nhiên giai đoạn 1980 – 1990, kinh tế Việt Nam hết sức khó khăn do mới trải qua chiến tranh và bị Mỹ bao vây cấm vận. Một điều đáng nói nữa là Việt Nam khi đó là thành viên của OIRT (Organization International of Radio and Television) – Tổ chức phát thanh truyền hình của các nước xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô.

Truyền hình Việt Nam bắt buộc phải sử dụng tiêu chuẩn màu SECAM, trong khi hầu hết các máy quay gọn nhẹ, máy ghi hình, thiết bị xử lý tín hiệu tại trung tâm lại nhập của Nhật, hệ PAL hoặc đa hệ, ngoại trừ một số máy ghi hình chuyên dụng của Liên Xô cung cấp sử dụng hệ SECAM.

Nguồn tín hiệu tại trung tâm kỹ thuật truyền hình tại Giảng Võ khi đó khá phức tạp, có cả PAL, SECAM. Trường quay phát sóng sử dụng thiết bị theo hệ PAL nên trước khi phát sóng, tín hiệu phải cho qua bộ chuyển đổi Transcoder từ PAL sang SECAM. Công nghệ truyền hình màu trên thế giới ở thời điểm đó có 3 tiêu chuẩn: NTSC, PAL, SECAM, mỗi tiêu chuẩn đều có mặt mạnh, yếu riêng nhưng nổi trội hơn cả là hệ PAL.

Các chuyên gia trong và ngoài ngành của truyền hình Việt Nam khi đó (Đài THVN, Hội VTĐT Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội…) đều có nguyện vọng chuyển đổi sang hệ PAL. Về góc độ kỹ thuật thuần túy, việc chuyển đổi không có khó khăn gì lớn vì hầu hết các thiết bị ở trung tâm sử dung hệ PAL, số lượng máy thu màu trong người dân chưa có bao nhiêu, trong đó một số máy lại là loại đa hệ nhưng việc chuyển đổi không được phép vì như đã nói ở trên, Việt Nam là thành viên của tổ chức OIRT và bắt buộc phải sử dụng hệ SECAM.

Năm 1990 Liên Xô sụp đổ, về góc độ chính trị, tôi xin phép không nhắc lại nỗi đau, sự hụt hẫng, lo lắng thậm chí có phần choáng váng của nhiều người Việt Nam trong đó có bản thân tôi. Nhưng ở góc độ kỹ thuật truyền hình, khi không còn Liên Xô, tổ chức OIRT cũng không còn và truyền hình Việt Nam cũng không còn bắt buộc phải sử dụng tiêu chuẩn truyền hình màu SECAM. Nhiều cuộc hội thảo, trao đổi, bàn luận dưới sự chủ trì của Lãnh đạo Đài THVN khi đó với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu trong và ngoài ngành (Đài THVN, Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội…) như Giáo sư Nguyễn Văn Ngọ, Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Phan Anh, Giáo sư Kiều Vĩnh Khánh… được tổ chức (khi đó tôi mới chỉ được ngồi dự thính).

Kết luận cuối cùng được đưa ra là THVN sẽ chuyển sang phát sóng chính thức theo tiêu chuẩn truyền hình màu hệ PAL. Đây có thể được coi là một trong những bước ngoặt có tính lịch sử của công nghệ truyền hình Việt Nam.

Mời quý độc giả tiếp tục theo dõi Kỹ thuật Truyền hình Việt Nam - 45 năm phát triển và những điều đáng nhớ (Kỳ 2)

 

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước