TS. Ngô Thái Trị-Thứ hai, ngày 11/05/2015 16:03 GMT+7
Quá trình chuyển đổi sang công nghệ truyền hình số
Công nghệ phát sóng truyền hình có lẽ vẫn “êm ả” nếu như những năm cuối của thập kỷ 90 thế kỷ thứ 20 trên thế giới không xuất hiện 3 tiêu chuẩn phát sóng truyền hình số. Mở đầu là tiêu chuẩn ATSC của Mỹ (1995), tiếp theo là DVB-T của châu Âu (1997) và cuối cùng là DiBEG của Nhật. Phát sóng truyền hình bằng công nghệ số có quá nhiều ưu điểm nổi bật so với công nghệ tương tự và là một xu thế không thể đảo ngược. Tuy nhiên, lịch sử gần như đã lặp lại, cũng giống như giai đoạn chuyển đổi từ đen trắng sang màu, ngành truyền hình của tất cả các quốc gia trên thế giới lại phải đối mặt với sự lựa chọn một trong 3 tiêu chuẩn ATSC, DVB-T và DiBEG. Truyền hình Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ.
Nhận thức rõ vấn đề đó, ngay từ năm 1997, các cán bộ kỹ thuật của Đài THVN đã tập trung nghiên cứu một cách nghiêm túc cả 3 tiêu chuẩn để tham mưu cho lãnh đạo lựa chọn tiêu chuẩn phù hợp nhất. Nhiều cuộc hội thảo kỹ thuật được tổ chức để trao đổi, tiếp cận thông tin; hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học cũng được thực hiện, trong đó phải kể đến: đề tài nghiên cứu khoa học độc lập cấp nhà nước do Trung tâm Tin học và Đo lường chủ trì - “Nghiên cứu thử nghiệm phát sóng truyền hình số mặt đất (DVB-T) phục vụ xây dựng tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất cho Việt Nam”, “Nghiên cứu thử nghiệm truyền hình có độ phân giải cao sử dụng công nghệ số (Digital HDTV) trong điều kiện cụ thể của Việt Nam" và đề tài “Nghiên cứu, chế thử máy phát hình số DVB-T" do Công ty VTC chủ trì.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học của các đề tài, thông tin từ các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, tranh thủ ý kiến tư vấn của các chuyên gia Hiệp hội Phát thanh và Truyền hình Châu Á - Thái Bình Dương (ABU), Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam..., Hội đồng Khoa học Đài Truyền hình Việt Nam đã nhất trí trình lãnh đạo Đài ký quyết định lựa chọn tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất cho Việt Nam. Vào 11h30 ngày 26/3/2001, ông Hồ Anh Dũng - Tổng Giám đốc Đài THVN - đã chính thức ký quyết định lựa chọn tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất DVB-T, đánh dấu thời điểm bắt đầu của quá trình chuyển đổi từ công nghệ phát sóng truyền hình tương tự sang truyền hình số của truyền hình Việt Nam.
Năm 2010, công ty Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) phát sóng truyền hình số mặt đất theo phiên bản DVB-T2, phủ sóng khoảng 50% hộ dân. Năm 2013, VTV đã phát sóng chính thức tại một số thành phố lớn theo tiêu chuẩn DVB-T2.
Sắp tới, ngày 30/6/2015, Đà Nẵng sẽ là địa phương đầu tiên trên cả nước chấm dứt công nghệ truyền hình tương tự, chuyển hoàn toàn sang phát sóng số.
Căn cứ quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 về việc phê duyệt "Đề án số hóa Truyền dẫn, Phát sóng Truyền hình mặt đất" của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020, trên cả nước sẽ kết thúc phát sóng truyền hình tương tự và chuyển hoàn toàn sang công nghệ số.
Có thể nói, chặng đường chuyển đổi công nghệ phát sóng truyền hình từ tương tự sang truyền hình số khá dài (gần 20 năm), lý do chính là do chi phí chuyển đổi đầu thu cho người xem quá lớn (giả thiết chi phí cho một đầu thu – Settop box – có giá khoảng 30 USD; với 50 triệu máy thu hình, chi phí của toàn xã hội sẽ là 1,5 tỷ USD, chưa kể kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống phát sóng số và các chi phí khác). Nhưng mặt khác cũng thể hiện sự thận trọng, đầy trách nhiệm của lãnh đạo Đài, Hội đồng Khoa học và đội ngũ kỹ thuật của Đài nói chung trước một quyết định có tính lịch sử của ngành truyền hình Việt Nam.
Tự hào chặng đường 45 năm phát triển của kỹ thuật truyền hình Việt Nam
45 năm đã trôi qua, công nghệ truyền hình Việt Nam đã chứng kiến biết bao đổi thay. Xuất phát từ chiếc camera “ngựa trời” tự lắp, ngày nay truyền hình Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, sánh vai với các nước trong khu vực, được Hiệp hội Phát thanh, Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương (ABU) đánh giá cao; thiết bị tại các trung tâm truyền hình ngày càng hiện đại; đội ngũ kỹ thuật đã làm chủ được các công nghệ truyền hình tiên tiến nhất.
Nhìn lại chặng đường 45 năm qua, chúng ta có quyền tự hào về những quyết định có tính lịch sử, có tầm chiến lược, những định hướng công nghệ táo bạo của lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam qua các thời kỳ, trong đó có những đóng góp nhất định của đội ngũ kỹ thuật thuộc các đơn vị của Đài Truyền hình Việt Nam.
Lịch sử phát triển của truyền hình Việt Namcũng cho thấy, các quyết định của Đài Truyền hình Việt Nam trong các giai đoạn chuyển đổi công nghệ giữa "ngã ba đường" của các dòng chảy công nghệ đã được khẳng định là hoàn toàn chính xác. Có được điều đó là nhờ tinh thần trách nhiệm cao đối với sự nghiệp phát triển của ngành, của đất nước, sự sáng suốt, thận trọng trong mọi quyết định và không thể không kể đến vai trò của công tác nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học là cở sở không thể thiếu trong mọi quyết sách và chỉ có nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc mới đảm bảo sự phát triển bền vững lâu dài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!