Cuộc sống luôn vội vã với những nhu cầu thường nhật và không ít cám dỗ ngọt ngào: ăn ngon, mặc đẹp, cuộc sống xa hoa, sang chảnh và sành điệu. Những điều này đôi khi là cạm bẫy, huỷ hoại cuộc đời của những người không biết điểm dừng.
Chính vì thế, cuộc đời mỗi con người luôn phải đấu tranh với chính mình để vượt qua những giới hạn và chiến thắng những cám dỗ tầm thường. Tập 7 của Ngày về lần này là câu chuyện sa ngã của chị Trương Thị Hằng và cách chị thức tỉnh để hoàn lương.
Hoàn cảnh éo le của chị Hằng
Trương Thị Hằng là con cả trong gia đình có ba chị em ở một xã thuần nông của huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cha mẹ gửi ba chị em Hằng cho ông bà ngoại chăm sóc để vào Tây Nguyên làm kinh tế. Sống trong cảnh vắng cha, xa mẹ, thiếu thốn tình cảm từ bé, nên chị em Hằng luôn khao khát có cha mẹ ở bên làm chỗ dựa tinh thần. Nhưng vì mưu sinh, thời điểm đó, bố mẹ Hằng đã không thực hiện được.
Là chị cả trong gia đình, Hằng đã sớm phải vừa học, vừa phụ giúp ông bà chăm sóc gia đình và chăm lo cho 2 người em. Sau khi học hết lớp 12, chị Hằng quyết định bỏ học để xin làm học nghề tóc ở Hà Nội.
Trong quá trình làm việc tại salon tóc, Hằng được chị chủ giới thiệu làm quen với một chàng trai quê Thái Nguyên làm nghề đầu bếp. Sau một thời gian tìm hiểu nhau, cả hai đã nên vợ nên chồng. Từ khi có con, cuộc sống của vợ chồng Hằng càng thêm phần vất vả, nhưng cả hai biết yêu thương nhau và cùng nhau chăm sóc gia đình nhỏ của mình.
Những tưởng cuộc sống cứ vậy trôi qua trong êm đềm, hạnh phúc thì một biến cố lớn đã ập đến với gia đình Hằng. Vào năm 2018, chồng Hằng bị ốm mệt, không thể đi lại. Sau quá trình thăm khám, chồng Hằng phát hiện bị nhiễm virus HIV. Hằng cũng làm xét nghiệm và biết bản thân nhiễm HIV.
Tai ương chưa qua, vận hạn lại tới. Điều trị trong viện đã lâu nhưng bệnh tình của chồng Hằng không những không giảm mà đột ngột trở nặng. Sau khi đưa chồng về quê tiếp tục điều trị, một mình Hằng phải gồng gánh nuôi cả gia đình gồm bố mẹ chồng đã tuổi cao sức yếu, chồng bị bệnh nằm liệt giường và vừa chăm sóc con nhỏ.
Sa ngã vào con đường phạm pháp
Được bạn giới thiệu vào Quảng Nam làm việc, Hằng gửi con cho ông bà ngoại chăm sóc và quyết xin việc ở một quán karaoke tại huyện Duy Xuyên. Trong môi trường phức tạp này, Hằng bị lôi kéo vào con đường phạm pháp.
Những năm 2021 - 2022, tình hình an ninh trật tự, đặc biệt là tội phạm về ma túy trên địa bàn huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam diễn biến hết sức phức tạp. Nhiều đối tượng đã lợi dụng địa bàn giáp ranh và những cơ sở kinh doanh có điều kiện như nhà nghỉ, quán hát… để thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật.
Qua quá trình nắm bắt địa bàn và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, tháng 7/2022, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy huyện Duy Xuyên đã phát hiện một số đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy thường xuyên tụ tập và có những biểu hiện bất minh tại khu vực quán karaoke Quang Vinh ở khối phố Mỹ Hòa, thị trấn Nam Phước. Sau khi xin ý kiến lãnh đạo cơ quan điều tra công an huyện Duy Xuyên, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm ma túy đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, triển khai bắt quả tang các đối tượng phạm tội cùng tang vật.
Chị Hằng là nhân viên phục vụ trong quán karaoke, có nhiệm vụ xào ma tuý cho khách hàng. Sau khi bị bắt, Hằng thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi và hợp tác điều tra. Kèm theo đó là hoàn cảnh khó khăn, Hằng được áp dụng hình phạt dưới khung là 3 năm tù giam để vừa có thể cải tạo thành người tốt vừa có thể nhận sự răn đe của pháp luật.
Những ngày tháng thay đổi trong tù giam
Sau 15 tháng tạm giam ở trại giam tỉnh Quảng Nam để xét xử, ngày 19/9/2023, phạm nhân Trương Thị Hằng được chuyển về trại giam Bình Điền, thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng – Bộ Công an, tại xã Bình Tiến, Thị Xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Những ngày đầu nhập trại, với tâm lý không ổn định, mặc cảm tội lỗi và nỗi lo ngại bệnh tật, phạm nhân sống khép kín và ít giao tiếp với những người xung quanh. "Tôi tủi thân vì vào đây không quen biết ai hết. Nhiều lúc mọi người cũng kỳ thị, nhưng dần dần tôi cũng quen, mình cứ sống tốt phần mình là được" - Hằng tâm sự.
Được giao trách nhiệm phụ trách đội phạm nhân, Thiếu tá Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Cán bộ quản giáo phân trại số 2 đã luôn gần gũi tâm sự, kịp thời chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng với phạm nhân. Dần dần, phạm nhân đã mở lòng và hòa nhập được với cuộc sống trong môi trường trại giam.
Học nghề trong các trại giam là hoạt động bắt buộc. Không chỉ giúp tăng cơ hội tìm được việc làm để ổn định cuộc sống sau khi được mãn hạn cải tạo trở về hòa nhập với cộng đồng, mà quan trọng hơn là góp phần cải tạo tâm tính và giúp phạm nhân thấy được giá trị của lao động chân chính.
Trải qua hơn 1 năm học tập, cải tạo lao động, được sự cảm hóa, giáo dục của Ban giám thị, hội đồng cán bộ, quản giáo của trại giam Bình Điền và được các bạn cùng cảnh ngộ chia ngọt, sẻ bùi, giúp đỡ lẫn nhau, phạm nhân đã nhận thức rõ hành vi sai trái của mình, tích cực cải tạo, trau dồi kiến thức pháp luật, cố gắng rèn luyện tay nghề, sẵn sàng hành trang cho ngày trở về cuộc đời hoàn lương.
Nỗi ân hận lớn nhất
Có lẽ nỗi ân hận lớn nhất của phạm nhân chính là vì lầm lỗi của mình mà đã làm khổ chồng con và phụ công cha mẹ. Niềm day dứt ấy hàng ngày xoáy vào trái tim, khối óc khiến Trương Thị Hằng thường xuyên rơi lệ.
Khi Hằng mới nhập trại, thấy gia đình thông gia hoàn cảnh khó khăn nên mẹ đẻ của phạm nhân Hằng đã lên Thái Nguyên xin đón cháu ngoại về sống cùng gia đình mình ở Bắc Giang. Nhà chỉ có 3 người là bà ngoại, cậu út mới hơn 10 tuổi và cô cháu ngoại 9 tuổi.
Sống với bà ngoại, thiếu thốn tình mẫu tử của mẹ, của cha, con gái của phạm nhân trở nên hiểu chuyện và già dặn hơn so với tuổi của mình. Khi phạm nhân bị bắt, cháu mới có 5 tuổi. Đã gần 3 năm không gặp, tình yêu thương và nỗi nhớ mẹ luôn dồn nén trong trái tim non nớt.
Trong những bức thư từ gia đình, bên cạnh lời thăm hỏi, động viên của mẹ, niềm vui, hạnh phúc lớn nhất của phạm nhân là những nét chữ dần cứng cáp và hình vẽ ngộ nghĩnh của con gái gửi cho mình. Đây chính là động lực giúp phạm nhân có thêm quyết tâm để cải tạo tốt, sớm được trở về bên gia đình và người thân.
Bước qua tuổi 30, Trương Thị Hằng vẫn còn đủ thời gian để làm lại cuộc đời. Với bài học đắt giá đã phải trả cùng hành trang được trang bị trong những ngày ở trại giam Bình Điền, chắc chắn phạm nhân sẽ khép lại quá khứ, vững lòng trở về với gia đình và kiên định trên con đường hoàn lương, làm lại cuộc đời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!