Khi thế giới đang bị thay đổi, các quốc gia bị đảo lộn bởi đại dịch COVID-19, cuộc sống của mỗi chúng ta cũng bị xáo trộn. Người Việt ở khắp nơi trên thế giới đang vật lộn giữa cơn bão khủng hoảng từ đại dịch. Những bệnh nhân của COVID-19 đang cùng các y, bác sĩ chống chọi từng ngày, từng giờ để giành giật lại sự sống; người lao động mất việc làm; việc kinh doanh, buôn bán, du học... - mọi hoạt động của xã hội - đều bị đình trệ.
Một con virus nhỏ bé nhưng có sức tàn phá mạnh mẽ đối với loài người.
COVID-19 đang là phép thử với tất cả chúng ta! Một phép thử mà ở đó không phải các giá trị vật chất hay tiến bộ khoa học công nghệ mang tính quyết định mà đó là phép thử của tình người, của lòng bao dung và trách nhiệm.
Trước đại dịch COVID-19, chúng ta đều bình đẳng cũng như việc không một ai trong chúng ta được loại trừ trước căn bệnh này hay tránh được những tác động từ nó. Tuy nhiên, đằng sau những câu chuyện buồn, đầy lo âu vẫn sẽ có những câu chuyện về giá trị cao cả của cuộc sống và tình người trong thời COVID-19.
Chúng tôi vẫn ổn - chương trình do Ban Truyền hình Đối ngoại, Đài THVN thực hiện - sẽ mang tới những câu chuyện của người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Đó có thể là những người Việt đang bị nhiễm bệnh, là bác sĩ, là các du học sinh hay những người Việt bình thường ở khắp nơi trên thế giới... Tất cả đều đang cùng nhau vượt qua cơn bão của đại dịch này.
Những khó khăn trong điều trị của người Việt ở nước ngoài dương tính với COVID-19
Kể từ khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu, điều mà chúng ta luôn lo lắng đó là bạn bè, người thân của mình ở các nước hiện nay ra sao? Họ có được an toàn hay không? Tình hình dịch bệnh ở đất nước đó như thế nào? Đời sống kinh tế bị tác động ra sao?...
COVID-19 đã làm xáo trộn đời sống xã hội. Người Việt sinh sống, học tập ở nước ngoài đang bước vào giai đoạn khó khăn hơn với vô số những vấn đề nảy sinh hàng ngày.
Bùi Phi Long là một bệnh nhân dương tính với COVID-19 khi từ Anh về Ba Lan nhưng phải điều trị tại nhà. Ở thời điểm hiện tại, Long cho biết sức khoẻ đã tốt hơn: "Chắc là corona qua rồi".
Chia sẻ về việc hỗ trợ con trai trong quá trình tự điều trị tại nhà, chị Hương cho biết: "Bệnh viện chỉ dành cho những người rất nặng và có bệnh nền, chỉ ưu tiên người trên 65 tuổi. Điều đó là rất hợp lý. Long lúc đó chỉ có biểu hiện nhẹ nên gia đình cũng chấp nhận. Có phương án là cả nhà ra ngoài ở để Long ở nhà một mình nhưng mình là mẹ nên cũng không nỡ để con một mình chiến đấu nên quyết định ở nhà cùng con, cách ly triệt để và mình cũng cẩn thận hơn".
Cũng như Bùi Phi Long, rất nhiều người Việt dương tính với COVID-19 ở nhiều nước trên thế giới đang tự điều trị tại nhà nếu có biểu hiện nhẹ. Hệ thống bệnh viện ở một số nước châu Âu và Mỹ quá tải là lý do để các ca nhẹ và người bệnh trẻ sẽ không được nhập viện, thậm chí không cần xét nghiệm. Như trường hợp của bạn Bùi Phi Long, rõ ràng sức mạnh chiến thắng COVID-19 chính là nỗ lực của bản thân và tình yêu thương, sự chăm sóc của gia đình. Còn ở một số nơi khác, khi việc điều trị tại nhà ở nhiều nước đã là phổ biến, ngoài gia đình, việc điều trị từ xa của các bác sĩ gia đình cho các bệnh nhân COVID-19 là rất quan trọng.
Theo chia sẻ của bác sĩ Lê Đồng Lâm - bác sĩ Khoa Nội, bệnh viện Roudnice nad Labem, Cộng hòa Czech, anh đang điều trị từ xa cho 2 bệnh nhân COVID-19 cách ly tại nhà.
"Ở bên này, nếu người bị nhiễm COVID-19 không có biểu hiện gì nặng về sức khoẻ, không bị viêm phổi thì hầu như các bệnh viện đều bắt mọi người phải cách ly ở nhà. Người Việt mình ở Czech đều sống nhiều thế hệ trong một gia đình nên nhiều khingười bệnh không có chỗ riêng để cách ly. Tâm lý mọi người đều hoang mang. Một phần nữa là mọi người không biết tiếng, không biết cách truyền đạt.
Gần đây, Bộ Y tế đã hợp tác với một nhóm sinh viên Y khoa Việt Nam ở Czech lập đường dây 1212. Đó là một đường dây chuyên để tư vấn dành cho người Việt. Bộ Y tế đã đưa ra một phác đồ rõ ràng hơn nên tôi cũng trích dẫn và dịch sang bản tiếng Việt để mọi người đọc và dễ hiểu hơn về phác đồ điều trị bên này. Tôi nghĩ rằng cộng đồng người Việt ở Czech cũng bớt hoang mang hơn" - bác sĩ Lê Đồng Tâm chia sẻ.
Sự kỳ thị và tinh thần tương thân tương ái - Hai mảng đối lập trong đại dịch COVID-19
Thời gian qua, trên các tờ báo quốc tế và các trang mạng xã hội đã đăng tải nhiều thông tin về người châu Á, trong đó có người Việt Nam ở các quốc gia, bị kỳ thị, phân biệt đối xử do dịch bệnh COVID-19. Người châu Á phải đối mặt với những hành động thiếu văn hóa và cả hành vi bạo lực. COVID-19 phải chăng là một rào cản vô hình ngăn cách con người với con người trong xã hội hiện đại?
Chia sẻ về vấn đề này, chị Hiệu Constant - một nhà văn, dịch giả, nhà báo người Việt đang sống tại Paris (Pháp) - cho rằng: "Sự kỳ thị là một điều đáng buồn, đôi khi đẩy con người ta đi rất xa. Trong thời đại dịch COVID-19 này, tôi cũng có xem một số thông tin diễn ra trên thế giới, vì sự kỳ thị mà một số người châu Á đã bị hành hung, thậm chí dẫn đến cái chết tức tưởi. Đại dịch COVID-19 khiến nhiều người sợ hãi và nó như một giọt nước tràn ly, một cái cớ để cho sự kỳ thị, thường ngày âm ỉ, đến nay chợt bùng lên. Nếu không phải là người châu Á thì sẽ là một người thuộc châu lục khác".
"Theo tôi, đây là điều đáng buồn nhưng khi nạn dịch qua đi, chuyện này sẽ dần lắng lại. Nhưng suy cho cùng, sự kỳ thị cũng là một phạm vi rất nhỏ so với tình nhân ái vẫn luôn hiện hữu ở khắp nơi xung quanh ta. Cũng chính qua nạn dịch này, ta phát hiện được nhiều điều về tình người, tình tương thân tương ái và chúng ta có dịp được hiểu rõ bản chất thực của mình hơn.
Tôi chỉ muốn nhắc lại câu nói từ ngàn xưa: Trong hoạn nạn mới thấu được lòng nhau và Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Trong thời kỳ mà nạn dịch lan tràn khắp thế giới, chúng ta mới thấu rõ tài năng xử trí tình huống, bảo đảm và ổn định đời sống dân chúng của mỗi Chính phủ và các nhà lãnh đạo. Cũng trong dịp này, tinh thần tương thân tương ái, sự sáng tạo được dịp bùng nổ và lan tỏa" - chị Hiệu nhấn mạnh thêm.
Những buồn lo của thời kỳ dịch bệnh, những vấn đề xã hội tiêu cực như kỳ thị là một mặt trái đáng lo ngại, "mảng xám" của thời COVID-19. Nhưng như chị Hiệu chia sẻ, cũng trong thời kỳ này không hiếm để nhìn thấy những mảng màu sáng ấm áp nảy sinh. Đó là trong cơn bão COVID-19, người ta thấy sự xích lại gần nhau hơn giữa người và người, sự gắn bó cộng đồng nhiều hơn bao giờ hết trong khó khăn, hoạn nạn. Đã có nhiều câu chuyện về giá trị nhân văn, về tình người và sự sẻ chia.
COVID-19 chắn chắn sẽ đi qua nhưng những ảnh hưởng của nó sẽ vẫn tồn tại trong thời gian dài. Người ta sẽ còn nhắc đến nó như một cơn khủng hoảng với loài người. Câu chuyện của những người Việt Nam ở nước ngoài trong cơn đại dịch cùng những vấn đề thời COVID-19 sẽ còn được chuyển tới khán giả trong những số tiếp theo của Chúng tôi vẫn ổn phát sóng 7h30 Chủ nhật trên VTV1.
Trong cơn bão COVID-19, một tinh thần lạc quan, một thái độ trách nhiệm và sự cảm thông, chia sẻ sẽ luôn là cần thiết để chúng ta có thể tiếp tục đương đầu với dịch bệnh này!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!