Nhà thơ Hạnh Loan: "Báo là nghề, thơ là nghiệp"

Tạp chí truyền hình-Thứ hai, ngày 12/11/2018 15:05 GMT+7

VTV.vn - Đa tài và đầy cảm xúc – đó là những gì người khác dễ dàng cảm nhận ở nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Hạnh Loan khi tiếp xúc với chị.

Với người phụ nữ xinh đẹp này, báo là nghề, thơ là nghiệp, còn hát là đam mê sống. Tạp chí Truyền hình đã có cuộc phỏng vấn nhân dịp chị vừa xuất bản và ra mắt tập thơ mới có tên Sải cánh giữa chiêm bao, do NXB Văn học ấn hành tháng 9 năm 2018 .

Tình yêu dữ dội trong thơ

- Thơ là tiếng lòng, thơ của chị hầu hết lại là thơ tình. Phải chăng bởi nhà thơ Hạnh Loan là một người lãng mạn và bay bổng trong tình yêu?

Nếu nói Hạnh Loan không lãng mạn và bay bổng trong tình yêu thì chẳng ai tin. Vì văn là người, "người thơ phong vận như thơ ấy"(cười). Tôi sẽ không nói rằng, tôi là người như thế nào? Muốn biết Hạnh Loan thế nào hãy đọc thơ của cô ấy. Tuy nhiên, tôi rất thích một nhận xét của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo về thơ của Hạnh Loan như thế này: Hạnh Loan có những vần thơ có khả năng khiến những ai non gan hay sợ bỏng đọc xong phải bỏ chạy.Vì tình yêu trong thơ Hạnh Loan rất dữ dội, sự dữ dội đó không chỉ ở trong chiều sâu, trong thầm lặng mà bộc lộ ra cả bên ngoài". Vậy, trả lời những bài thơ có phần nào là chuyện tình của bản thân không? Xin dẫn lời của chính nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói về thơ tình của Hạnh Loan để trả lời câu hỏi này."Trong thơ Hạnh Loan có rất nhiều người yêu, nhưng nếu hỏi người yêu đó là ai, chắc chắn Hạnh Loan sẽ lắc đầu hoặc không đủ can đảm nói ra. Như vậy, có thể thấy thơ của Hạnh Loan can đảm hơn cô ấy" (cười).

- Năm 2017, chị ra mắt tập thơ Hãy nói yêu khi hoa hồng nở và sau chưa đầy hai tháng, cuốn thơ đã bán hết. Tháng 9/2018, chị tái bản Hãy nói yêu khi hoa hồng nở. Sự ủng hộ nhiệt tình của bạn đọc có nằm trong suy nghĩ ban đầu của chị, bởi dù sao thơ cũng được coi là món ăn tinh thần "xa xỉ" với nhiều người trong guồng quay của cuộc sống hiện đại?

Thật ra, những bài thơ tôi xuất bản trong tập thơ tình Hãy nói yêu khi hoa hồng nở và tập thơ tình mới nhất - Sải cánh giữa chiêm bao , trước đó, đều là những bài thơ đã đăng trên facebook cá nhân và trang fanpage thơ Nguyễn Thị Hạnh Loan và được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Nhiều người bình luận và nhắn tin cho tôi nói rằng, rất yêu thích những gì tôi viết vì họ tìm thấy mình trong thơ Hạnh Loan. Khi sách xuất bản, đã được chính các độc giả của mình qua mạng xã hội ở trong tỉnh và khắp mọi miền đất nước đón nhận và đặt mua. Tôi nghĩ, tình yêu là một cảm xúc tuyệt vời của con người mà thượng đế ban cho. Tình yêu cũng rất rộng, đó không chỉ là tình yêu lứa đôi mà còn là tình chồng vợ, bạn bè, tình yêu con người . Và quan trọng nhất là thái độ trước tình yêu .Nếu kiểm soát được thái độ đó một cánh đúng đắn, ta sẽ hạnh phúc hơn. Nên vì vậy, nếu nhà thơ gọi tên được điều gì đó sau những cảm xúc của tình yêu mà ai cũng biết, thì đó chính là điều mà độc giả cần đến. Có thể, độc giả mua sách của tôi chỉ vì, tôi đã mang tới cho họ thông điệp về tình yêu , điều họ nghĩ, nhưng lại không viết ra được.

Nhà thơ Hạnh Loan: Báo là nghề, thơ là nghiệp - Ảnh 1.

- Mùa thu năm nay, chị tiếp tục ra mắt tập thơ tình: Sải cánh giữa chiêm bao. Nhà văn, nhà thơ, họa sĩ Nguyễn Quang Thiều đã viết giới thiệu và gọi tập thơ mới của chị là "Một lối đi của hoa hồng". Tập thơ này có phải là sự tiếp nối của Hãy nói yêu khi hoa hồng nở?

Tôi thật sự bất ngờ và thú vị với nhận xét của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Khó nhất của tôi là đặt tên tập thơ này. Bởi sau thành công của Hãy nói yêu khi hoa hồng nở, nếu như tập thơ tình này cũng đưa ra hình tượng hoa hồng thì thật sự sẽ nhàm chán. Phải có một lối đi chứ. Cũng là một lối vào vườn yêu ấy, nhưng đi bằng cách khác. Tôi đồng ý với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi anh nói:Đề tài khó nhất trong thơ ca là đề tài về tình yêu. Khó là bởi vì, cũng cảm xúc yêu, đau khổ, buồn, tuyệt vọng…, viết lại sao được cho khác, cho mới, cũng câu chữ ấy, cũng tứ thơ ấy? Nhà thơ nếu cứ viết mãi về cảm xúc ấy thì sẽ cho ra những bài thơ giống nhau, sẽ trôi tuột đi.

Có rất nhiều điều mà tôi muốn gửi gắm trong tập thơ này với 72 bài thơ tình và 13 bài hát do các nhạc sĩ phổ thơ Hạnh Loan và của Hạnh Loan phổ nhạc thơ của chính mình. Chắc chắn có sự tiếp nối của Hãy nói yêu khi hoa hồng nở, sự phong phú về cảm xúc và thông điệp, nhưng vẫn nhất quán trong một mạch cảm xúc, đó là Hãy sống hết mình cho tình yêu.

Nhà thơ Hạnh Loan: Báo là nghề, thơ là nghiệp - Ảnh 2.

- Sải cánh giữa chiêm bao do Nhà văn, Nhà thơ, họa sỹ Nguyễn Quang Thiều viết lời tựa sách. Được biết, cũng đánh dấu lần đầu tiên chị và nhà thơ gặp nhau. Mối duyên gặp gỡ này bắt đầu từ đâu? Và ấn tượng của sự gặp gỡ đầu tiên của chị với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều?

Thật ra, trước khi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết giới thiệu tập sách này, tôi chưa hề quen biết anh và chưa gặp anh bao giờ. Chính xác là anh không hề biết tôi. Qua một người bạn văn giới thiệu, tôi đã gửi cho anh tập thơ qua email để anh đọc. Và sau khi đã viết xong gửi cho tôi, tôi mới gặp anh ấy lần đầu tiên. Cho nên, cảm nhận với tôi, khi mới gặp, với lời khen và chê dành cho tôi, thì nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là người hết sức chân thành. Ai cũng biết Nguyễn Quang Thiều là một người nghệ sỹ đa tài. Anh còn là một trong số ít những nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam nhiều lần được giải thưởng văn học quốc tế. Và với thơ ca, anh ấy có một giọng điệu riêng không trộn lẫn, được xem là người xác lập giọng điệu thơ mới trong thơ Việt. Tôi nghĩ rằng, chính sức mạnh không biên giới của thơ ca tạo nên những mối duyên giữa các nhà thơ với nhau. Tôi thật sự vinh hạnh khi được một nhà thơ lớn viết lời giới thiệu tập thơ này của tôi.

Hài hòa công việc và gia đình để hạnh phúc

- Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến công việc hiện tại của chị - Phó Trưởng phòng Thời sự - Đài PT&TH Hà Tĩnh. Kỉ niệm không thể quên đối với chị trong nghề báo?

Năm nay là năm thứ 20 tôi bước chân vào nghề báo và làm chủ yếu ở phòng Thời sự - Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh. Trước đó, tôi cũng có một thời gian khoảng 5 năm cộng tác cho báo Thanh niên. Kỉ niệm không thể quên với tôi thì nhiều lắm. Nhưng nhớ nhất vẫn là tấm huy chương bạc đầu tiên và giải B giải Báo chí quốc gia lần thứ nhất đầu tiên năm 2005, khi đó tôi mới 29 tuổi với tác phẩm "Thương binh giả, nỗi lo thật". Đó cũng là lần đầu tiên tôi thi thố và thành công. Điều đó rất có ý nghĩa với tôi trong sự nghiệp báo chí sau này,khi đã dấn thân vào nghề báo với nhiều giải thưởng quốc gia tiếp theo. Với nghề báo, và nghề nào cũng vậy, có đam mê hẳn có thành công.

Nhà thơ Hạnh Loan: Báo là nghề, thơ là nghiệp - Ảnh 3.

- Một vẻ đẹp mặn mà, một gia đình hạnh phúc, công việc truyền hình đáng mơ ước và những đam mê nghệ thuật được thỏa mãn, chị đang có cuộc sống mà nhiều người mơ ước. Chị có cảm thấy mình là một người phụ nữ may mắn?

Tôi cảm thấy mình rất may mắn. May mắn trước hết là có một gia đình khá hạnh phúc và một người chồng khá chiều vợ (cười). Nhưng may mắn cũng không phải tự nhiên mà đến. Con người, hạnh phúc hay không còn là do chính bản thân họ. Bản thân tôi đã phải nỗ lực rất nhiều, cống hiến rất nhiều, đổ mồ hôi, công sức và trí tuệ rất nhiều về cả gia đình và sự nghiệp mới có được kết quả đó. Và tôi có một phương châm để hạnh phúc là luôn điều chỉnh để hướng đến sự hài hòa công việc và gia đình, để được làm điều mình thích và đam mê.

- Chồng chị là một bác sĩ. Anh ấy có phải là một độc giả trung thành của thơ Nguyễn Thị Hạnh Loan?

Ông xã yêu tôi khi tôi mới 18 tuổi, ngày đó tôi đã làm thơ, đã hát, đã đi biểu diễn nhiều nơi. Vì vậy, nếu bây giờ tôi có làm thơ, có hát cũng chẳng có gì ngạc nhiên với anh ấy. Đương nhiên, anh ấy đã đọc thơ tôi từ xưa. Nhưng mối quan tâm của anh ấy bây giờ, không phải là thơ của tôi. Mà điều anh ấy quan tâm là bên cạnh tôi thích làm gì, tôi có giúp anh ấy chăm sóc hai đứa con của anh ấy không? Riêng điều này, tôi nghĩ mình làm khá tốt. Thế còn gì để chê trách nữa nhỉ?

Tất nhiên, tôi may mắn và hạnh phúc có một người chồng tốt và yêu vợ. Vì với một người vợ làm thơ, làm báo, nếu không chia sẻ và thông cảm, hẳn sẽ cấm cản nhiều thứ. Bởi công việc của anh ấy rất bận rộn và gần như mọi việc của con cái gia đình tôi phải lo. Với tôi, anh ấy không cấm cản, nghĩa là anh ấy đã ngầm ủng hộ rồi! (cười). Gia đình, với tôi vẫn là mục tiêu số 1 trong cuộc sống.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Chương trình Thơ – nhạc ra mắt tập thơ Sải cánh giữa chiêm bao của Nguyễn Thị Hạnh Loan, nhà báo, nhà thơ đến từ Hà Tĩnh do Nhà xuất bản Văn học, Công ty Sunflower Books và phương Đông Books tổ chức vào Chủ nhật 28/10, tai nhà hát Cao đẳng Nghệ thuật số 7 hai Bà Trưng, Hà Nội, với sự tham gia của các văn nghệ sỹ nổi tiếng: Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, Nghệ sỹ nhân dân Vũ Hồng Chương, nhà thơ Trần Ninh Hồ, nhà thơ Trần Quang Quý, nhà thơ Vương Cường, nhà thơ Phạm Phương Lan, nhà văn Võ Hồng Thu, nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhạc sỹ Phạm Phương, Họa sỹ Lê Huy Tiếp, Họa sỹ Nguyễn Khắc Chinh và nhiều đồng nghiệp, bạn bè , người yêu thơ của tác giả Nguyễn Thị Hạnh Loan. Nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình Văn học – Nghệ thuật Trung ương đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

"Sải cánh giữa chiêm bao" là tập thơ thứ ba của Hạnh Loan với 72 bài thơ, 13 bài hát do các nhạc sỹ phổ thơ Hạnh Loan với nhiều tên tuổi nổi tiếng trong làng âm nhạc như nhạc sỹ, NSND Nguyễn Tiến, nhạc sỹ - NSƯT Đỗ An, nhạc sỹ Lê Quốc Thắng, nhạc sỹ Quỳnh Hợp, nhạc sỹ Phạm Phương, nhạc sỹ Mạnh Chiến… Và đặc biệt có một số ca khúc do chính tác giả Nguyễn Thị Hạnh Loan phổ nhạc. Sách do Họa sỹ, Nhà văn Đỗ Phấn vẽ tranh minh họa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước