Nhìn lại những khoảnh khắc không thể quên về trận mưa lũ lịch sử miền Trung

Trần Thùy-Thứ hai, ngày 26/10/2020 07:51 GMT+7

VTV.vn - Trong hơn 70 phút, những câu chuyện, những hình ảnh không thể nào quên về trận mưa lũ lịch sử miền Trung đã được truyền tải đến khán giả một cách rõ nét nhất.

Được thực hiện gấp rút chỉ trong 4 ngày, Mưa lũ lịch sử miền Trung là sự nỗ lực và đầy cố gắng của ê-kíp các phóng viên, biên tập viên của Ban Thời sự để đem đến cho khán giả một chương trình vô cùng đặc biệt, có góc nhìn toàn cảnh nhất về đợt bão lũ miền Trung những ngày vừa qua.

Thông qua những hình ảnh ấn tượng, chương trình đã phản ánh sự khốc liệt của thiên tai, những đau thương mất mát, hy sinh mà người dân đã phải chịu, sự sẻ chia của mọi người trong cơn bão lũ.

Những hình ảnh cuối cùng của các chiến sĩ trong đoàn công tác cứu nạn các công nhân mất tích được Nhà báo Nguyễn Đức Cương ghi lại.

Nhiều câu chuyện, hình ảnh ấn tượng đã khiến khán giả rơi nước mắt. Hình ảnh một người đàn ông với nỗi đau tột cùng khi cùng một lúc mất đi người vợ và đứa con chưa kịp chào đời của mình. 9h sáng ngày 12/10 tại xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong cơn chuyển dạ chuẩn bị sinh, vợ anh được đưa lên chiếc thuyền nhỏ, không may thuyền bị lật úp khiến cả hai mẹ con đều thiệt mạng. Nhìn hình ảnh anh quỳ trước dòng lũ dữ khiến ai nhìn cũng không khỏi xót xa.

Trong khoảng 20 ngày đầu tháng 10, miền Trung ghi nhận đợt mưa kỷ lục mà nhiều nhà khí tượng cho rằng, đó là hiện tượng mưa lũ dị thường bởi mực nước trên các sông đều đồng loạt vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999. Sau 21 năm miền Trung lại hứng chịu một trận đại hồng thủy

Ngày 6/10 mưa lớn bắt đầu đổ bộ miền Trung, đến ngày 7/10 tình Quảng Trị xuất hiện ngập. Ngày 8/10 đồng loạt 4 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đều có những điểm ngập khiến hơn 4.000 dân phải di rời. Mưa lũ còn cuốn trôi tàu Vietship-1 ở cảng Cửa Việt ra biển, trong đó có 8 người bị mắc kẹt. Hành trình giải cứu các thuyền viên kéo dài hơn 50 tiếng đồng hồ trong sự mong ngóng đến nghẹt thở.

Ngày 10/10 quy mô ngập mở rộng sang tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Nam, nhiều nơi đã ngập sâu đến hết nóc nhà của tầng 1. Một cuộc di dân lớn với gần 70.000 người phải rời đi khẩn cấp. Đến ngày mưa thứ 6, sạt lở đã ập đến nhà điều hành của Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) bị vùi lấp khiến 17 công dân bị thiệt mạng và mất tích.

Toàn cảnh các chiến sĩ gặp nạn được chương trình xây dựng đồ họa 3D, giúp khán giả hiểu rõ hơn về mức độ nghiêm trọng của mưa lũ.

Đêm ngày 13/10, 13 cán bộ chiến sĩ của đoàn cứu hộ đã bị vùi lấp tại Tiểu khu 67 của Trạm Kiểm lâm sông Bồ khi đang trong hành trình cứu những công nhân mất tích. Hình ảnh những chiến sĩ nơi tuyến đầu ngã xuống ngay cả khi không có tiếng súng. Đó là những hình ảnh tưởng chỉ có trong thời chiến nhưng nó lại đang hiện hữu ngay tại thời điểm này khi đất nước đã hòa bình.

Sau 10 ngày chiến đấu với mưa lũ, cùng ngày tổ chức lễ truy điệu cho 13 chiến sĩ thiệt mạng tại Rào Trăng, một vụ sạt lở khác đã diễn ra vùi lấp 22 chiến sĩ ở Sư đoàn 337 thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị...

Bằng việc phân tích đi kèm với các đồ họa quy mô, thông qua chương trình khán giả đã hình dung được mức độ nghiêm trọng của trận mưa lũ lịch sử miền Trung.

Những phân tích dựa trên hình ảnh thật và hình ảnh 3D, chương trình đã giúp khán giả hiểu hơn thiên tai xảy đến như thế nào và cách ứng phó ra sao. Việc nhìn lại một cuộc thiên tai lịch sử như vậy để những đau thương, mất mát không phải là vô ích và còn là bài học quý giá, xương máu để ứng phó với thiên tai.

Xem lại chương trình qua video dưới đây:

Chương trình đặc biệt: Mưa lũ lịch sử miền Trung. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước