"Mưa lũ lịch sử miền Trung" - Chương trình đặc biệt với góc nhìn toàn cảnh nhất về cơn lũ lịch sử vừa qua

Chu Anh-Thứ bảy, ngày 24/10/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Chương trình đặc biệt "Mưa lũ lịch sử miền Trung" sẽ mang đến cho khán giả góc nhìn toàn cảnh, hình ảnh ấn tượng và xúc động nhất về thiên tai vừa qua.

"Mưa lũ lịch sử miền Trung được chuẩn bị trong thời gian rất gấp nhưng ê-kíp sản xuất đã vô cùng nỗ lực và cố gắng để hoàn thành. Đây là chương trình mang tính chính luận, có thời lượng dài và có độ sâu, mang đến góc nhìn toàn cảnh nhất về đợt mưa lũ lịch sử vừa qua. Nhiều hình ảnh ấn tượng, câu chuyện cảm động và những nhân chứng đặc biệt sẽ được gửi tới khán giả trong chương trình này" - đó là lời chia sẻ mở đầu của nhà báo Thu Hà - Phó Trưởng Ban Thời sự, Đài THVN trong cuộc phỏng vấn ngắn về chương trình đặc biệt, sẽ được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1 vào 20h15 ngày 25/10 tới đây. 

Mưa lũ lịch sử miền Trung - Chương trình đặc biệt với góc nhìn toàn cảnh nhất về cơn lũ lịch sử vừa qua - Ảnh 2.

Trong 75 phút phát sóng, Mưa lũ lịch sử miền Trung sẽ mang đến những điều gì cho khán giả, thưa chị? 

Nhà báo Thu Hà: Chương trình Mưa lũ lịch sử miền Trung sẽ giúp khán giả có cơ hội nhìn lại các sự kiện xảy ra tại miền Trung trong những ngày qua. Thông qua những hình ảnh ấn tượng, chương trình sẽ phản ánh sự khốc liệt của thiên tai, những đau thương mất mát, hy sinh mà người dân đã phải chịu, sự sẻ chia của mọi người trong cơn bão lũ. Chương trình nhằm lan toả thông điệp hãy tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ rừng và song song với việc phát triển, chúng ta cần tôn trọng thiên nhiên để chung sống an toàn và bền vững.

Trong chương trình, các khách mời sẽ bao gồm những chuyên gia ở đầu cầu Hà Nội và nhân chứng ở đầu cầu miền Trung. Các chuyên gia sẽ đưa ra những phân tích về nguyên nhân diễn ra thiên tai cả chủ quan và khách quan để rút ra được bài học kinh nghiệm. Trong khi đó, những nhân chứng sẽ kể lại câu chuyện mà họ đã trải qua ngay trong chính đợt lũ vừa qua. 

Chúng ta có thể thấy trận mưa lũ lịch sử năm nay đã vượt qua mọi kỷ lục từ trước đó, kể cả trận mưa lũ lớn nhất vào năm 1979 và 1999 tại miền Trung. Với chương trình này, chúng tôi muốn đưa đến khán giả một cái nhìn toàn cảnh về diễn biến của cơn lũ lịch sử, nguyên nhân, mức độ tàn phá nghiêm trọng của nó, những phương pháp mà chúng ta đã ứng phó, những bài học kinh nghiệm cần rút ra và tinh thần cứu trợ bà con hướng về miền Trung.

Một điều quan trọng nữa là mỗi một lần ứng phó với mưa lũ thiên tai lịch sử thì bài học chúng ta rút ra được là gì. Như 20 năm trước, trong cơn lũ lịch sử vào năm 1999, nhiều bài học đã giúp cho chúng ta chống chọi với cơn lũ tốt hơn và so với năm đó, dù mức độ lần này kinh khủng hơn nhưng thiệt hại đã giảm hơn rất nhiều. Với tính chính luận, quan trọng nhất chúng tôi cần phải giúp khán giả nhìn ra được thiên tai bây giờ rất khắc nghiệt và không theo quy luật nào.

Có nhiều câu chuyện, hình ảnh ấn tượng sẽ khiến khán giả rơi nước mắt. Đó là những hình ảnh mà các phóng viên hiện trường của chúng tôi gửi chất liệu về. Như hình ảnh người dân ngâm mình trong lũ trong suốt bao nhiêu ngày, hình ảnh người chồng mất vợ vì lũ dữ, hình ảnh nhìn đồng đội hi sinh trong cơn sạt lở đất... Từ đó, để khán giả cả nước hiểu và chia sẻ những mất mát khủng khiếp mà bà con miền Trung ta đã phải chịu.

Vậy điểm nhấn đặc sắc của chương trình theo chị sẽ là gì? 

Nhà báo Thu Hà: Theo tôi, điểm đặc sắc đó chính là chương trình sẽ mang đến một góc nhìn toàn cảnh của trận mưa lũ lịch sử sau những bản tin riêng lẻ đã được phát sóng. Bằng việc phân tích đi kèm với các đồ họa quy mô, khán giả sẽ hình dung được hết được trận mưa lũ lịch sử miền Trung đã diễn ra như thế nào, những cơn sạt lở đất nghiêm trọng ra sao. 

Chúng tôi sẽ có những đồ hoạ về toàn cảnh thiên tai, phân tích mô-típ sạt lở đất để người dân hình dung và hiểu được vì sao nó lại diễn ra và diễn ra khủng khiếp như thế nào.

Những phân tích sẽ dựa trên hình ảnh thật và hình ảnh 3D để khán giả hiểu hơn thiên tai xảy đến như thế nào và cách ứng phó ra sao. Việc nhìn lại một cuộc thiên tai lịch sử như vậy để những đau thương, mất mát không phải là vô ích và còn là bài học quý giá, xương máu để ứng phó với thiên tai. Đó là những bài học không bao giờ hết và không bao giờ thừa vì thiên tai bao giờ cũng khắc nghiệt và khốc liệt hơn.

Mưa lũ lịch sử miền Trung - Chương trình đặc biệt với góc nhìn toàn cảnh nhất về cơn lũ lịch sử vừa qua - Ảnh 3.

Trong những ngày qua, việc tác nghiệp của các phóng viên tại các tỉnh miền Trung không chỉ có khó khăn, vất vả mà còn phải đối diện với sự nguy hiểm. Việc đảm bảo an toàn cho các phóng viên được thực hiện như thế nào, thưa chị? 

Nhà báo Thu Hà: Chúng tôi luôn nhắc nhở anh em phóng viên đưa tin nhưng không trở thành tin tức. Ở thời đại công nghệ, chúng ta có nhiều cách có thông tin mà vẫn an toàn. Điều này không có nghĩa là các phóng viên phải bỏ đi tính xông pha và dấn thân nhưng luôn luôn phải cân nhắc giữa một cái đầu lạnh và một trái tim nóng. 

Trong trường hợp này chúng ta cần đánh đổi rủi ro đến đâu và trong trường hợp khác chúng ta có chấp nhận được rủi ro đó không. Để đưa được tin tức đến khán giả thì chúng ta có giải pháp gì và đánh giá mức độ rủi ro của từng thử thách, thực sự sáng suốt trước khi lên đường. Những ngày qua ở miền Trung, việc ra đường đã là nguy hiểm chứ đừng nói đến việc lên vùng đồi núi khi sạt lở xảy ra bất cứ lúc nào. Yêu cầu đầu tiên của chúng tôi đối với phóng viên là phải an toàn và tìm giải pháp khôn ngoan để vừa có thông tin về lũ kịp thời, hiệu quả mà không đánh đổi sự an toàn.

Mưa lũ lịch sử miền Trung - Chương trình đặc biệt với góc nhìn toàn cảnh nhất về cơn lũ lịch sử vừa qua - Ảnh 4.

NHÀ BÁO THU HÀ

20 năm đã trôi qua kể từ cơn lũ lịch sử vào năm 1999. Vậy ở thời điểm này so với lúc đó, việc tác nghiệp đã khác như thế nào, thưa chị?

Nhà báo Thu Hà: Nếu như vào 20 năm trước thì gần như các phóng viên tác nghiệp tại vùng bão lũ đều là từ Hà Nội được cử vào. Nhưng ở thời điểm hiện tại, các phóng viên của VTV ở khu vực nào sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ và tối đa việc đưa tin ở khu vực đấy. 

Như ở đợt lũ lịch sử này, phóng viên VTV8 đã thực hiện rất tốt và chuyên nghiệp, có sự phối hợp chặt chẽ với các phóng viên ở Hà Nội. Hai nơi đã cập nhật thông tin dự báo từng phút từng giây, phối hợp chặt chẽ và liên tục qua các phương tiện trên mạng dễ dàng kết nối với nhau. Chính vì vậy, sự khác biệt đó là gần như Ban Thời sự không cần đưa phóng viên đến miền Trung ở thời điểm này. Sự chuyên sâu của VTV ở các khu vực đã được thể hiện rất rõ ở lần tác nghiệp này.  

Là một nhà báo đã có kinh nghiệm lâu năm, theo chị một phóng viên thì cần lưu ý điểm gì khi đưa tin về bão lũ? 

Nhà báo Thu Hà: Thiên tai không lần nào giống lần nào, chính vì vậy chúng ta không được chủ quan nhưng đồng thời lại cần đúng mức. Không được chủ quan ở đây là vì chỉ cần lơ là, không cảnh báo kịp thời thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ như đêm nay lũ cực cao, người dân phải chạy lũ, phải bỏ hết đồ đạc ở lại thì phải bằng mọi cách cảnh báo đến người dân. Làm sao trong ngày chúng ta dội được thông tin đấy một cách tối đa để người dân có thể xem được hoặc chính quyền địa phương biết để hối thúc người dân.

Phải đúng mức có nghĩa là chúng ta cần phải rất tỉnh táo và không đưa quá mức nếu như nó không đến như mức độ đó. Ví dụ như cơn bão số 8 có diễn biến rất chậm thì chúng ta cần đưa thận trọng, cân nhắc vì mỗi lời dự báo, thông tin về diễn biến nếu làm quá thì sẽ gây ra thiệt hại về người và của. Không được cảm tính vì mỗi thông tin đều có sức nặng và ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân.

Một điểm nữa là khi đưa tin về thiên tai đừng nghĩ đến chuyện cạnh tranh vì nếu thế thì sẽ quên mất người dân. Chúng ta chỉ cần nghĩ thông tin này được đến sớm nhất với người dân thì sẽ càng tránh được thiệt hại, thông tin càng chính xác càng tốt và lay động nhất có thể để mọi người hiểu, chia sẻ và giúp đỡ, đóng góp cho bà con.

Xin cảm ơn chị về cuộc phỏng vấn! 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và  VTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước