Trong thời gian gần đây các “hiện tượng” giang hồ như Khá "Bảnh" thu hút nhiều người theo dõi nhờ các clip miêu tả cuộc sống xã hội đen, chơi bời, cờ bạc… Lối sống thiếu lành mạnh này có thể gây ảnh hưởng xấu đến người khác, nhất là giới trẻ thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng. Báo điện tử VTVNews đã có cuộc trò chuyện ngắn với ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông về những biện pháp xử lý đối với các đối tượng tung những nội dung xấu làm ảnh hưởng đến cộng đồng.
Ông nói gì về việc thời gian qua trên mạng Youtube, facebook xuất hiện những clip có nội dung ảnh hưởng xấu đến cộng đồng mạng?
- Qua rà soát của chúng tôi, những nội dung lành mạnh, bổ ích và có tính tích cực ở trên mạng xã hội nhìn chung chiếm đại đa số. Bên cạnh đó, những nội dung xấu, vi phạm pháp luật tuy chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng lại có sự lan tỏa mạnh trên mạng xã hội như Youtube có tính năng giới thiệu, gợi ý người xem nên đã tiếp cận nhanh đến nhiều đối tượng công chúng. Điều đó đã tác động, ảnh hưởng nhất định đến suy nghĩ, nhận thức, hành vi của người dùng mạng xã hội.
Thời gian qua các cơ quan chức năng đã có những biện pháp gì để xử lý và hạn chế những kênh Youtube có nội dung xấu, hành vi bạo lực ảnh hưởng đến người xem?
- Chúng tôi tập trung cố gắng xử lý, ngăn chặn những nội dung xấu độc, phản động ở trên các kênh mạng xã hội đặc biệt là Facebook và Youtube. Riêng Youtube là kênh chia sẻ về hình ảnh và video nên nó có độ thu hút cao và được xem đi xem lại nhiều lần. Chúng tôi cũng chia ra nhiều loại để có sự xử lý khác nhau. Với trường hợp xác định được nhân thân, danh tính thì chúng tôi sẽ xử lý đối tượng. Thậm chí với trường hợp nghiêm trọng chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng khác như Công an để xử lý từ mức độ hành chính cho đến xử lý hình sự.
Còn đối với những tài khoản Youtube không xác định được ai là chủ sở hữu hoặc người ẩn danh tính thì chúng tôi yêu cầu Youtube ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung đó. Đồng thời gần đây chúng tôi phối hợp với Ngân hàng nhà nước để ngăn chặn những kênh thanh toán, chuyển tiền quảng cáo mà những clip đó thu được đến những tài khoản đó.
Những giải pháp trên trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả như thế nào và thời gian tới cơ quan chức năng sẽ làm gì để tích cực hạn chế những kênh Youtube có nội dung xấu?
- Trong hai năm gần đây, việc xử lý những đối tượng vị phạm trên mạng xã hội, đặc biệt là trên Facebook, Youtube đã được các cơ quan chức năng của Việt Nam xử lý rất mạnh. Đặc biệt, từ đầu năm 2019 khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, lực lượng Công an đã vào cuộc và xử lý rất quyết liệt đối với những đối tượng tung tin giả, sai sự thật, bịa đặt gây ảnh hưởng đến cộng đồng.
Chúng tôi thấy qua những biện pháp xử lý đó và việc nâng cao nhận thức của người dân, người dùng mạng xã hội, hiện nay đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Thời gian qua, kênh Youtube của Khá "Bảnh" được trả tiền khá nhiều, thu hút rất nhiều người xem trong đó, một số bộ phận thanh niên xem đó là "thần tượng". Tuy nhiên, trước đó các cơ quan chức năng vẫn chưa vào cuộc và có biện pháp xử lý?
- Hai năm nay chúng tôi đã thống nhất được với Google là sẽ không chia sẻ tiền quảng cáo cho những nội dung mà phía Bộ Thông tin Truyền thông yêu cầu. Và đối với Khá "Bảnh" do phía Công an đang quản lý nên sẽ có những quy trình nghiệp vụ khác để xử lý chứ không đơn giản chỉ gỡ những nội dung vi phạm.
Tuy nhiên chúng tôi cũng muốn gửi một thông điệp đến các bạn trẻ hoặc những người muốn khởi nghiệp trên kênh Youtube, đăng nội dung để lấy tiền quảng cáo thì phải có trách nhiệm với những gì mình đăng tải. Không vì lợi ích cá nhân muốn được nhiều người theo dõi mà quên đi quy định pháp luật làm ảnh hưởng tới cộng đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!