Phóng viên Nhật Linh: Đừng gọi tôi là phóng viên chiến trường

Mai Chi (Thực hiện)-Thứ sáu, ngày 05/09/2014 06:06 GMT+7

Phóng viên Nhật Linh

Liên tục cập nhật tin tức từ những điểm nóng Kiev hay Donetsk, đi lại như con thoi giữa Nga và vùng chiến sự Ukraine, đó là công việc thường nhật của ê kíp phóng viên thường trú của VTV tại Nga trong suốt nhiều tháng qua. Phóng viên Nhật Linh chia sẻ nhiều chuyện tác nghiệp khi chị thực hiện phóng sự về bà con Việt kiều sơ tán khỏi miền Đông Ukraine.

Từ cuộc “chạy đua” thông tin trong vụ rơi máy bay MH17

Được biết, 5 ngày sau khi xảy ra thảm kịch, Nhật Linh và quay phim Chu Thái đã có mặt tại hiện trường máy bay MH17 của Malaysia bị rơi tại khu vực thuộc quyền kiểm soát của lực lượng chống đối ở miền Đông Ukraine - một nơi rất nguy hiểm?

Thực tế là 5 ngày sau khi xảy ra thảm kịch, nhóm phóng viên chúng tôi có mặt ở thành phố Kharkov, cách hiện trường vụ tai nạn khoảng 250km. Bởi, trước đó và trong cả thời gian này, việc tiếp cận hiện trường, nơi xảy ra vụ rơi máy bay MH17 ở làng Torez thuộc tỉnh Donetsk là điều không thể thực hiện, ngay cả đối với các đoàn chuyên gia quốc tế. Chính quyền Kiev tuyên bố, họ không thể đảm bảo an ninh cho bất kì ai, đây là khu vực thuộc quyền kiểm soát của lực lượng chống đối ở miền Đông nên việc di chuyển vào khu vực đó được cho là rất nguy hiểm khi các cuộc bắn phá giữa quân đội hai bên vẫn diễn ra. Quyết định tới Kharkov, chúng tôi chỉ có thể xác định là đi tới nơi đặt “Trung tâm điều phối hoạt động khắc phục hậu quả thảm kịch MH17” và chỉ ở đó chúng tôi mới có được các thông tin mới, chính xác nhất.

Chị có thể chia sẻ về cuộc “chạy đua” thông tin cùng với đông đảo phóng viên quốc tế ở sự kiện này?

Với các hãng lớn như Reuters, CNN, họ có lực lượng đông để “cắm” người ở khắp nơi: tại Trung tâm báo chí, khu vực bảo quản các thi thể và cả ngoài sân bay. Trong khi đó, chúng tôi chỉ có thể chọn một trong các điểm này khi cần thiết. Nhưng, một điều vô cùng may mắn là chúng tôi đã có được sự hỗ trợ tối đa của các anh chị trong Hội người Việt Nam ở Kharkov. Không chỉ là sự hỗ trợ về ăn, ở, đi lại mà họ còn giúp chúng tôi kết nối kịp thời với bộ phận phụ trách báo chí của tỉnh và thành phố để có được thông tin chính xác trong sự kiện MH17. Điều này thực sự rất quan trọng. Vì giờ Việt Nam sớm hơn giờ Ukraine 4 tiếng nên chúng tôi thường phải gấp rút làm tin cho kịp bản tin Thời sự 19h. Những lúc như vậy, quay phim Chu Thái là người phải bám hiện trường để có hình ảnh về các diễn biến tiếp theo, tôi xử lí và hoàn thiện những gì đã có để gửi về cho kịp giờ phát sóng. Là người có mặt tại hiện trường, tôi rất đau lòng khi chứng kiến và đưa tin về sự thảm khốc này.

Đến những tin tức nóng hổi về tình hình chiến sự ở miền Đông Ukraine

Qua các tin tức, phóng sự của ê kíp, tình hình chiến sự ở Ukraine đã được cập nhật liên tục trên sóng truyền hình. Trong đó, tin tức về việc sơ tán khẩn cấp công dân Việt Nam ra khỏi miền Đông Ukraine được khán giả Việt Nam đặc biệt quan tâm. Nhật Linh có thể kể đôi chút về hậu trường tác nghiệp?

Đến thời điểm này thì hầu hết bà con người Việt ở miền Đông Ukraine đã rời khỏi vùng chiến sự. Tôi đã gặp rất nhiều người, nghe nhiều câu chuyện về hành trình họ đã trải qua. Nhưng điều tôi ấn tượng và xúc động hơn cả, đó là tình đồng bào trong lúc khó khăn. Trên thực tế, không chỉ ở riêng vùng chiến sự Donetsk, mà ở nhiều thành phố tạm bình yên như: Kiev, Odessa, Kharkov, cuộc sống của hàng nghìn người Việt hiện gặp nhiều khó khăn. Chính trong lúc này, họ lại dang tay chia sẻ và đùm bọc những người đồng hương đang đi lánh nạn. Họ giúp nhau mà không hề nghĩ ngợi, suy tính. Đơn giản vì cùng là người Việt Nam.

Là phóng viên nữ, lại tác nghiệp ở một vùng lãnh thổ rộng lớn, đầy nguy hiểm như thế, những khó khăn mà Nhật Linh gặp phải là gì? Chắc hẳn đòi hỏi phải có một sức khoẻ dẻo dai, nghị lực và lòng quyết tâm cao?

Chuyến đi nào tôi cũng thấy khó khăn, kể cả với những địa bàn tưởng như đã đi lại nhiều lần. Khó khăn ở đây không phải là chuyện đi lại hay ăn ở, mà khó khăn ở những tin bài mình sẽ làm và cố gắng để làm thế nào cho tốt. Điều này không phải lúc nào cũng có thể tính toán trước được. Trong 3 tháng gần đây, ê kíp thường xuyên đi về giữa Nga và Ukraine, nhiều khi những người lính biên phòng cũng nhớ mặt. Mỗi lần đi lại thấy nhiệm vụ nặng nề hơn lần trước.

Tôi thấy quay phim là vất vả hơn, vì nhiều khi máy móc thiết bị rất nặng mà mình không giúp được nhiều. Tất nhiên, nếu có sức khoẻ dẻo dai, nghị lực và quyết tâm cao như bạn nói đúng là chẳng còn gì bằng. Nhưng tôi nghĩ đơn giản là vì lúc làm “say” và quên hết.

Một điều quan trọng với tôi chính là sự ủng hộ và phối hợp của quay phim trong việc thực hiện các ý tưởng. Là phụ nữ, đôi khi tôi bị xúc cảm nhiều hơn với những điều không to tát, những câu chuyện tình cờ nghe được tưởng như rất vu vơ. Và lúc trao đổi với quay phim thì luôn được lắng nghe và chia sẻ, để cùng có cách làm hiệu quả nhất.

Từ những kinh nghiệm bản thân, theo Nhật Linh, phóng viên chiến trường cần trang bị những kĩ năng cơ bản nào?

Đừng gọi tôi là phóng viên chiến trường nhé, vì mặc dù tôi và quay phim Chu Thái tác nghiệp ở miền Đông Ukraine, nhưng hoàn toàn nằm ngoài vùng nguy hiểm. Cũng có lúc hăng hái muốn đi đến vùng chiến sự Donetsk và có được những thước phim phóng sự mang thương hiệu VTV ở nơi này, nhưng Lãnh đạo Đài và Ban Thời sự luôn đặt an toàn tính mạng cho các phóng viên lên trên hết và luôn theo sát mọi bước đi của ê kíp những ngày ở Ukraine.

Cảm ơn Nhật Linh!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước