Phóng viên VTV và những “độc chiêu” từ New York

Tạp chí Truyền hình-Thứ hai, ngày 02/04/2018 11:16 GMT+7

VTV.vn - Phóng viên Lê Tuyển đã chia sẻ những bí quyết để tin, bài vừa cập nhật trên các bản tin thời sự, vừa có những góc nhìn riêng, mang dấu ấn của phóng viên VTV.

Anh là một trong những phóng viên trẻ được lãnh đạo Đài THVN tin tưởng giao trọng trách Trưởng đại diện Văn phòng VTV tại New York. Bên cạnh vinh dự, hẳn anh cũng cảm thấy không ít áp lực..?

Chắc chắn là nhiều áp lực hơn thời là phóng viên. Bởi, ngoài chuyên môn, tôi còn phải lo nhiều công việc khác liên quan tới hoạt động của cả Văn phòng. Được Lãnh đạo Đài tin tưởng thì mình càng phải làm tốt hơn nữa. Trước khi nhận nhiệm vụ Trưởng đại diện, tôi có hơn một năm làm phóng viên ở New York nên công việc chuyên môn tương đối quen. Tuy nhiên, đây cũng chính là áp lực: Làm thế nào để thay đổi chính mình, thay đổi cách làm, cách tiếp cận vấn đề?

Cái khó của phóng viên mới là tìm đề tài, nhưng cái khổ của phóng viên "cũ" là nhìn cái gì cũng thấy quen, không thấy có vấn đề. Rất may, địa bàn New York luôn có những đề tài mới lạ cho mình sáng tạo. Hơn nữa, chúng tôi thường xuyên có các chuyến công tác tới những vùng đất mới. Đây cũng là cách để làm mới chính mình.

Phóng viên VTV và những “độc chiêu” từ New York - Ảnh 1.

Thời gian qua, ở Mỹ đã xảy ra nhiều vụ khủng bố khiến dư luận phẫn nộ, anh từng đưa tin về khủng bố ở New York. Anh có e ngại gì không khi tác nghiệp trong bối cảnh như thế?

Lo chứ… Chuyện gì cũng có thể xảy ra, nhất là những nơi đông người, nguy cơ bị tấn công càng cao. Vì thế cũng tùy tính chất vụ khủng bố, mức độ nguy hiểm (chưa tìm ra hung thủ/hung thủ đã bị tiêu diệt) mà chúng tôi tính phương án đưa tin. Với những vụ khủng bố nói chung, chúng tôi ưu tiên "đánh nhanh rút gọn", tức là tác nghiệp nhanh và rút khỏi hiện trường ngay khi đã xong việc.

Anh có thể chia sẻ đôi chút về hậu trường tác nghiệp ở New York. Những khó khăn và thuận lợi ở đây đối với các phóng viên nước ngoài là gì?

Một trong những công việc khó khăn và vất vả nhất là việc "bắt" phỏng vấn ngoài đường. Nhất là trong thời tiết khắc nghiệt như tại New York. Người đi trên phố rất đa dạng: từ triệu phú tới dân văn phòng, lao động nhập cư, sinh viên… và cả những người vô gia cư. Nếu nhìn thấy ai bạn cũng xin phỏng vấn, thì trong 10 người, may lắm chỉ có một người nhận trả lời mà chưa chắc đã trả lời đúng vấn đề. Chúng tôi đã rút được một số kinh nghiệm để không mất nhiều thời gian và mất đi khách trả lời hay: không hỏi người đeo tai nghe; không hỏi người đi nhanh; không hỏi người vừa đi vừa ăn; ưu tiên nam giới vì phụ nữ hay ngại; ưu tiên người vừa đi vừa dừng ngắm cảnh hoặc suy ngẫm… (nói chung có thời gian); ưu tiên người có khuôn mặt tươi và nếu cười với mình thì phải "bắt" ngay. Với những tiêu chí này, chúng tôi thường gặp được rất đúng người, trả lời sôi nổi và tạo điểm nhấn cho phóng sự.

Là trung tâm thông tin của thế giới nhưng để lựa chọn được những tin tức phù hợp với khán giả trong nước là điều không đơn giản?

Chúng tôi thường đặt ưu tiên những nội dung: Có liên quan tới Việt Nam/người Việt; Những tin tức liên quan tới các vấn đề mà Việt Nam quan tâm; những mô hình, kinh nghiệm Việt Nam có thể áp dụng; những ý tưởng mới lạ… Tuy nhiên, nội dung thông tin đôi khi lại không quan trọng bằng cách thực hiện. Một thông tin có thể không nằm trong tiêu chí nào ở trên, nhưng cách thể hiện hấp dẫn, có góc nhìn vẫn có thể là một thông tin đáng xem với khán giả.

Phóng viên VTV và những “độc chiêu” từ New York - Ảnh 2.

Một trong những khó khăn của phóng viên thường trú VTV tại nước ngoài là lệch múi giờ. Với ê-kíp VTV ở New York, các anh đã phải chạy đua với thời gian ra sao để kịp gửi tin bài về các bản tin trực tiếp trên sóng VTV?

Lệch múi giờ có những khó khăn nhưng cũng có thuận lợi. Thuận lợi là chúng tôi có thời gian chuẩn bị cho các phóng sự quay trong ngày. Thường quay xong về dựng bài là kịp gửi cho bản tin Chào buổi sáng. Nhưng nếu thông tin đó có thể triển khai sâu hơn, chúng tôi sẽ phải xác định thức trắng đêm để chuẩn bị lên hình trực tiếp cho các bản tin trưa và tối ở Việt Nam. Có thời điểm một tuần đến ba đêm như vậy. Khi đó sẽ vừa phải chống chọi với cơn buồn ngủ vừa phải chống lại cái lạnh dưới 00 nếu là mùa đông.

Sau một thời gian làm việc, tôi có thói quen ngủ theo một múi giờ riêng, không phải Việt Nam cũng không phải Mỹ. Nó thường bắt đầu lúc 2 - 3h sáng, sau khi các bản tin quan trọng đã được lên vỏ.

Cảm ơn anh!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước