Sau 3 tập lên sóng và nhận được phản hồi tích cực từ công chúng, Thầy cô chúng ta đã thay đổi tiếp tục giới thiệu tới khán giả hành trình "lột xác" của một nhân vật mới - giáo viên môn Công nghệ Trần Thị Minh Ngọc. Với hơn 15 năm kinh nghiệm cùng phong cách giảng dạy mới mẻ, gần gũi, cô Ngọc được rất nhiều học sinh yêu quý.
Là "chủ xị" của những lớp học sôi nổi đến vậy nhưng cô Trần Thị Minh Ngọc vẫn mong muốn tham gia chương trình chỉ với một lý do, đó là tình yêu đối với học trò. Cô Ngọc không hài lòng với những gì mình đã làm được ở hiện tại, lòng yêu nghề và tâm huyết với học trò thôi thúc cô phải thay đổi để có cách truyền tải kiến thức đến các con hiệu quả hơn, vui vẻ hơn.
Đầu tháng 11/2016, ê-kíp chương trình đã đến trường THPT Xuân Đỉnh - nơi cô Ngọc đang công tác - để lắp đặt máy quay và tiến hành ghi hình lần đầu lớp học của cô. Dù ít được chú ý hơn các bộ môn khác nhưng trong giờ Công nghệ của mình, cô Ngọc vẫn cố gắng áp dụng những phương pháp giảng dạy sáng tạo, cho học trò làm việc theo nhóm, tăng cường tính tương tác giữa cô và trò để khiến các em thêm hứng thú với môn học. Lớp học của cô Ngọc diễn ra một cách sôi nổi và nhận được những đánh giá tích cực từ phía học sinh và cả ban cố vấn.
Tuy nhiên, qua các video được ghi lại có thể nhận thấy nguồn năng lượng của cô Ngọc không được duy trì qua các tiết học. Có những tiết, cô hào hứng, tương tác với các bạn học sinh trong lớp, tuy nhiên, cũng có những tiết, cô chỉ có thể tập trung vào 1/5 lớp học. Cô hiếm khi đứng ở trung tâm lớp học mà thường đứng ở góc lớp, bởi vậy, cô Ngọc đã không thể trở thành điểm chú ý của tất cả học sinh để truyền đạt kiến thức cho các em. Sự mệt mỏi của cô Ngọc thể hiện trong nhiều tiết học. Từ những giờ lên lớp sôi nổi, tràn đầy hứng thú, lớp học của cô Ngọc bỗng chốc buồn tẻ hơn và nhiều học sinh rơi vào trạng thái buồn ngủ.
Cô Ngọc tâm sự vì nhiều lý do khách quan, cô không thể duy trì nguồn năng lượng của mình trong một thời gian dài. Khi được hỏi cụ thể về những lý do đó, cô Ngọc lại từ chối trả lời. Ban cố vấn cho rằng trong khi cô Ngọc cố gắng tổ chức lớp học theo mô hình làm việc nhóm để học sinh có thể chia sẻ và đoàn kết hơn với nhau thì trái lại, bản thân cô giáo lại từ chối mở lòng mình với mọi người. Bảo vệ quan điểm của mình, cô Ngọc cho rằng chia sẻ cũng cần có chọn lọc, có những thứ cô sẵn sàng mở lòng với người khác song cũng có những điều cô lại chỉ muốn giữ cho riêng mình.
Khi ê-kíp Thầy cô chúng ta đã thay đổi phỏng vấn các đồng nghiệp của cô Ngọc ở trường, nhiều người trả lời họ không tiếp xúc với cô. Cũng có những người nhận xét tính cách của cô thẳng thắn đến mức… bốp chát và điều này hiển nhiên có hai mặt. "Ngọc là người cá tính, đôi khi bảo thủ. Đối với những người như vậy thì góp ý cũng cần phải lựa cách sao cho khôn khéo", một đồng nghiệp của cô chia sẻ.
Rơi nước mắt khi nghe những lời chia sẻ của đồng nghiệp, cô Ngọc cho biết: "Trước đây, tôi cũng từng quan tâm tới những suy nghĩ của người khác về mình. Tuy nhiên, đã có khá nhiều chuyện xảy ra mà chủ yếu đến từ sự khác biệt của tôi. Sự áp đặt trong cách nghĩ của mọi người về tôi đã khiến tôi thấy ấm ức vô cùng. Sau khi đã cố gắng vượt qua mọi chuyện, tôi cảm giác như bản thân đã tự tạo một lớp vỏ bọc, trở nên ngang tàng hơn, ít quan tâm tới mọi người hơn".
Nhiệm vụ đầu tiên mà cô Ngọc nhận được trên hành trình thay đổi bản thân là "Đi du lịch". Cô và ê-kíp chương trình đã tới vùng đất Mộc Châu để hòa mình với thiên nhiên tươi đẹp và có những trải nghiệm đầy thú vị. Những nụ cười thoải mái đã xuất hiện thường trực trên gương mặt hiền hòa, phúc hậu của cô Ngọc. Dứt ra khỏi công việc, dứt ra khỏi những lo âu thường ngày, cô giáo Minh Ngọc cảm thấy tâm hồn thư thái hơn. Khi nhận được món quả đặc biệt là những tấm ảnh kỷ niệm chụp cùng học sinh, cô Ngọc bật cười một cách hạnh phúc. Tuy nhiên, chừng ấy thay đổi thôi là chưa đủ. Cô Ngọc đã tiếp tục tham gia một khóa học về kỹ năng sống và giá trị sống cùng 7 giáo viên khác. Cô đã nhận ra nhiều điều mới mẻ, một trong số đó là "chấp nhận sự khác biệt".
Cô Ngọc trở lại trường THPT Xuân Đỉnh trong một trạng thái cân bằng. Nguồn năng lượng tích cực của cô đã truyền tới các bạn học sinh, giúp các em tập trung hơn trong giờ học. Từ một lớp học uể oải, thiếu tập trung, giờ đây, lớp học trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết. Chính các em học sinh cũng cảm nhận được sự thay đổi của cô Ngọc và cảm thấy thích thú khi tiết học tràn ngập nụ cười.
Nhiệm vụ tiếp theo cô Ngọc nhận được đó là tổ chức cuộc họp chuyên môn với đồng nghiệp về cảm hứng giảng dạy. Đây là cơ hội để cô mở lòng và xích lại gần hơn với các đồng nghiệp - những người trước nay không có nhiều cơ hội tiếp xúc để thật sự thấu hiểu cô. Cô đã đến tận nơi và xin lỗi với những người từng bị tổn thương vì lời nói của cô. Bằng sự chân thành và những cái ôm trìu mến, cô Ngọc đã có thể xóa tan những mâu thuẫn với một số đồng nghiệp.
Sau 9 tháng, cô giáo Trần Thị Minh Ngọc đã hoàn toàn thay đổi để trở thành một con người hoàn thiện hơn, cả trên bục giảng lẫn ở ngoài đời. Cô truyền sự say mê và tình yêu giảng dạy tới học trò, cô cởi mở và gần gũi hơn với các đồng nghiệp - những người từng cho rằng cô có phần ngang tàng, lập dị. Như ước muốn của cô Ngọc khi đến với chương trình, đó là trở nên hạnh phúc hơn, cuối cùng, cô đã có thể nở nụ cười mãn nguyện trong vòng tay của các học trò thân yêu và những người đồng nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!