Quán thanh xuân: Khép lại với những thương yêu một trời ký ức thời xem vô tuyến

Lê Quyền-Thứ hai, ngày 24/08/2020 07:57 GMT+7

VTV.vn - Với những câu chuyện dung dị và đầy cảm xúc, Quán thanh xuân đã để lại cho khán giả nhiều cảm xúc đẹp về truyền hình Việt Nam xưa và nay.

Cách đây 50 năm, những tín hiệu đầu tiên của chương trình vô tuyến truyền hình đã lên sóng với thiết bị sơ khai là chiếc camera điện tử, với cái tên "Ngựa trời", được lắp ráp tự túc. Đó chính là nền móng vững chắc cho sự phát triển vượt bậc của truyền hình Việt Nam hôm nay.

Với thương hiệu một Đài Truyền hình Quốc gia, VTV đã ghi dấu ấn bằng sự vươn lên mạnh mẽ được gây dựng bởi rất nhiều người thuộc các thế hệ nối tiếp nhau - những thế hệ đầy tinh thần sáng tạo và tự chủ. 50 năm qua, những khán giả của Vô tuyến truyền hình ngày ấy vẫn luôn dành tình cảm cho VTV bây giờ cùng những ký ức đẹp một thời đã qua.

Với chủ đề "Ở đây có ti vi", chương trình Quán thanh xuân là một chuỗi những kỷ niệm về buổi đầu của thế hệ những chương trình truyền hình đầu tiên, những ký ức đầu tiên của những lớp khán giả đã yêu thương và ở bên Truyền hình Việt Nam suốt 50 năm qua.

Những khách mời đặc biệt...

Gọi là những khách mời đặc biệt bởi các nhân vật xuất hiện ở Quán thanh xuân đều đã có quá nhiều năm gắn bó với truyền hình Việt Nam. Đó là Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, người từng được nhiều thế hệ khán giả Việt biết với biệt danh "Giáo sư biết tuốt" trong các chương trình trên VTV. Ông đã mở đầu Quán thanh xuân bằng việc giải thích vì sao hồi ấy tivi thường cứ phải "đập đập" thì mới hoạt động và tivi chỉ phát hai màu đen trắng.

Quán thanh xuân: Khép lại với những thương yêu một trời ký ức thời xem vô tuyến - Ảnh 2.

"Hồi xưa ấy đã làm gì có TV màu, chỉ có đen trắng. Nhưng mọi người đều luôn sẵn sàng đón chào khách tới nhà xem nhờ, rất vui" - GS Nguyễn Lân Dũng kể - "Thời ấy, linh kiện của TV còn lỏng lẻo, đập để may thì nó dính vào với nhau. Hiệu sửa TV có ở khắp nơi nhưng giờ không còn hiệu sửa chữa TV nữa, vì hỏng thì người ta thay cái mới".

Nhà báo Nguyễn Văn Vinh, một trong những nhà quay phim đầu tiên của Đài THVN. Ông chia sẻ những kỷ niệm về buổi lên hình đầu tiên tại Studio 58, Quán Sứ, kể về sản phẩm tự chế của các kỹ sư khi ấy.

Sau nhiều ngày đêm miệt mài nghiên cứu, các cán bộ kỹ thuật đã lắp được chiếc camera điện tử đầu tiên mang tên "Ngựa trời", cho ra những hình ảnh lờ mờ trôi trên màn hình. Mọi người rất vui và phấn khởi khi thấy với những linh kiện dùng cho phát thanh được gom từ nhiều nguồn, cùng những nỗ lực không mệt mỏi, chiếc camera đã cho ra hình ảnh có thể sử dụng được. Sau một thời gian tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện, 2 camera điện tử đã được lắp ráp thành công.

Nhân vật khách mời của mảng ca nhạc và văn nghệ trên sóng VTV thời kỳ đầu là nữ đạo diễn NSƯT Bùi An Ninh. Bà cũng đồng thời là người trực tiếp thực hiện những chương trình ca nhạc nước ngoài đầu tiên trên kênh VTV3 với các BTV trẻ là Anh Tuấn, Diễm Quỳnh cùng những chuyện hậu trường vui chảy nước mắt.

Quán thanh xuân: Khép lại với những thương yêu một trời ký ức thời xem vô tuyến - Ảnh 5.
Quán thanh xuân: Khép lại với những thương yêu một trời ký ức thời xem vô tuyến - Ảnh 6.

Bên cạnh những khách mời tại trường quay, khán giả theo dõi Quán thanh xuân còn được nghe chia sẻ của những gương mặt VTV một thời, đó là nhà quay phim Trần Ngọc Hiếu, phóng viên Bích Thu, PTV Bích Ngọc, nhà báo Lại Văn Sâm, bình luận viên Quang Huy, nhà báo Long Vũ... Những khách mời dù không có mặt tại địa điểm ghi hình vẫn đưa khán giả một tấm vé trở về với những thời xưa ấy của truyền hình Việt Nam

... mang đến những câu chuyện gợi màu ký ức khó quên

Nữ quay phim đầu tiên của VTV - cô Thùy Vân, cho biết cảm xúc chung thời bấy giờ đi làm gói gọn trong chữ "sợ". Sợ vì những gì đang làm là quá mới mẻ.

"Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là từng làm rơi ảnh" - cô Thùy Vân nhớ lại - "Nhiệm vụ đạo diễn giao cho tôi là ngồi lật ảnh, nhưng vì cuống mà tôi đánh rơi luôn".

"Sau này khi mua được 4 máy quay của Ba Lan về, vì là nữ nên tôi được ưu tiên đứng máy giữa, chỉ cần zoom ra vào" - cô Thùy Vân chia sẻ tiếp về những kỷ niệm gắn bó với truyền hình - "Là phụ nữ nhưng mọi người gọi tôi là cậu Vân, không ai gọi tôi là chị để coi nhau cùng một đội".

Quán thanh xuân: Khép lại với những thương yêu một trời ký ức thời xem vô tuyến - Ảnh 7.

Nhà báo Nguyễn Văn Vinh cho biết, trong 6 năm, toàn bộ các chương trình đều được quay và phát trực tiếp, từ bản tin thời sự tới chương trình âm nhạc, thiếu nhi, thậm chí có cả những vở kịch dài. Máy quay chỉ lấy được nét ở một vị trí cố định. Trước khi quay, mấy anh chị em phải lao vào tìm vị trí đứng nào để lấy được nét, sau đó bắt phóng viên đứng đúng một chỗ đó cấm di chuyển.

"Thời kỳ đầu không có nhiều moniter theo dõi nên nhà báo Lê Quý phải mang tới Đài một chiếc xe nôi để có thể cho phát thanh viên và ê-kíp theo dõi. Chiếc xe nôi ấy được nhà báo Lê Quý mua ở nước ngoài về cho con, sau này thì mang tới làm việc. Đó là một trong những kỷ niệm khó quên", nhà báo Nguyễn Văn Vinh cho biết.

Quán thanh xuân: Khép lại với những thương yêu một trời ký ức thời xem vô tuyến - Ảnh 8.
Quán thanh xuân: Khép lại với những thương yêu một trời ký ức thời xem vô tuyến - Ảnh 9.

Thuộc thế hệ phát thanh viên (PTV) đầu tiên, NSƯT Kim Tiến là gương mặt được khán giả yêu thương rất nhiều qua màn ảnh nhỏ một thời gian dài. Giọng nói của cô Kim tiến đã đi vào lòng nhiều thế hệ khán thính giả đầu tiên trên truyền hình Việt Nam, ngay từ những ngày đầu lên sóng, là một trong những phát thanh viên kỳ cựu của bản tin Thời sự.

"Như những người đi khai hoang, chúng tôi chưa được nhìn ai đi trước mình trên truyền hình cả. Lúc ấy cũng chưa có vệ tinh để xem truyền hình nước ngoài" - NSƯT Kim Tiến tâm sự - "Tôi chỉ nghĩ muốn được người xem yêu mến mình thì mình phải là khán giả. Nếu mình thích điều gì thì hãy làm điều đó cho khán giả. Tôi nghĩ rằng khán giả sẽ thích sự khiêm nhường, tôn trọng".

Không chỉ là một phát thanh viên nổi tiếng, NSƯT Kim Tiến đồng thời cũng là giọng thuyết minh truyền cảm những bộ phim dài tập đầu tiên như: Trên từng cây số, Nô tì Isaura, Người giàu cũng khó... khiến khán giả vô cùng thích thú. "Tôi rất mê xem phim nên khi đọc thuyết minh, gần như tôi sống với các nhân vật trong bộ phim", nữ PTV gạo cội chia sẻ.

Bên cạnh những phát thanh viên nổi tiếng một thời, khán giả Quán thanh xuân còn có cơ hội gặp lại một trong những nữ đạo diễn đầu tiên của Văn nghệ VTV. Đó là NSƯT Bùi An Ninh, cô đã có 49 năm gắn bó với Đài THVN. Đặc biệt hơn, đây cũng chính là người thầy đầu tiên của hai BTV - nhà báo Diễm Quỳnh và Anh Tuấn.

Quán thanh xuân, bên cạnh việc mở lại những trang ký ức đẹp về thời kỳ đen trắng của THVN, còn đem lại những phút thư giãn đầy ý vị đối với các thế hệ khán giả màn ảnh nhỏ. "Truyền hình như một chất gây nghiện, không chỉ với người xem mà còn cả với những người làm. Làm chương trình nhỏ có niềm vui nhỏ, làm chương trình lớn có niềm vui lớn, còn làm chương trình khó có niềm vui lớn nhất" - nhà báo Diễm Quỳnh kết lại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước