Tập 6 chương trình Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ đã lập hat-trick đầu tư khi cả ba startup đều gọi vốn thành công. Trong đó, màn thương thuyết đầu tiên đến từ cặp anh em sinh đôi Quốc Việt và Hoàng Nam đã để lại nhiều bài học thành công khi am hiểu "luật chơi" thương trường.
Quốc Việt và Hoàng Nam là hai nhà sáng lập của startup Dôta - mô hình khởi nghiệp chuyên về các sản phẩm cơ khí kĩ thuật, trong đó chủ lực là cầu dắt xe thông minh. Hai anh em sinh đôi đến Shark Tank Việt Nam để gọi vốn 4 tỷ 650 triệu đồng đổi lấy 20% cổ phần.
Hai nhà sáng lập cho biết thị trường Việt Nam có 45 triệu xe máy đang lưu hành và tiếp tục tăng thêm 3 triệu xe/năm. Trong khi đó phần lớn nhà ở được tôn cao nền so với mặt đường để phòng khi mưa ngập. Để dắt xe vào nhà cần dốc bê tông, cầu sắt hàn thủ công, ván gỗ…Tuy nhiên, đây đều là những giải pháp không an toàn vì gây trơn trượt, bất tiện khi sử dụng do cồng kềnh và chưa kể là đang xâm lấn vào không gian công cộng.
Chính vì vậy mà Dôta ra đời, công ty đem đến các sản phẩm cầu dắt xe thông minh được làm từ hợp kim nhôm cao cấp, siêu bền nhẹ.
Hiện sản phẩm của công ty chỉ đang ở mức thử nghiệm, có giá bán từ 490.000 đồng đến 3 triệu đồng tùy loại. Giá thành trên giá bán hiện là 4%. Hai anh em có chiến lược là kết hợp với các hãng xe máy lớn Honda, Piaggio để cross-sell (bán chéo).
Nhận thấy sản phẩm có thị trường nhưng lại dễ bị "copy", Shark Phú cho rằng đơn vị khác có thể cạnh tranh bằng cách thay đổi thiết kế. Đơn cử là Sunhouse, doanh nghiệp đã có sẵn xưởng sản xuất, kênh phân phối bán hàng. Nếu biết giá thành sản phẩm và cho sản xuất hàng loạt, dù không phải là người tiên phong, Sunhouse vẫn đủ sức "đè bẹp" Dôta.
Từng học luật và có kinh nghiệm làm việc ở các tập đoàn luật nước ngoài, hai nhà sáng lập tự tin cho biết nếu đăng kí bản quyền thiết kế đối thủ có thể thay đổi mẫu mã. Tuy nhiên, Dôta đã đăng kí bản quyền sáng chế, do vậy các "ông lớn" sẽ không dại gì vướng vào vòng xoáy pháp lý. Thêm nữa, đây là lĩnh vực "buôn có bạn, bán có phường" nên cả hai xem đây là thử thách đồng thời là lực đẩy để mở rộng thị trường.
Tuy nhiên, cả hai khiến các Shark do dự khi trình bày kỳ vọng doanh thu trong năm đầu là 18 tỷ đồng, trong khi doanh thu tháng đầu chỉ đạt 100 triệu đồng với 300 sản phẩm.
Giải trình về điều này, startup cho biết mô hình kinh doanh của Dôta dựa trên biểu đồ đi lên. 300 triệu đồng là doanh thu tháng đầu, các tháng sau tăng trưởng 25%/tháng. Ngoài ra, bên cạnh các sản phẩm cầu dắt xe, Dôta còn bán các thiết bị kĩ thuật và cung cấp dịch vụ. Vì thế cả hai tự tin có thể đạt tổng doanh thu năm đầu là 18 tỷ đồng.
Dẫu vậy, Shark Dzung và Shark Hưng đều tuyên bố không rót vốn. Hai nhà đầu tư ghi nhận đây là một sản phẩm tốt nhưng vì không thuộc chuyên môn và không hỗ trợ được nhiều nên hai Shark quyết định rút lui. Shark Linh cũng từ chối nhập cuộc.
Dù quan ngại vì Dôta chưa nhận bản quyền sáng chế, nhưng Shark Phú bất ngờ quyết định đầu tư. Năm đầu tiên khoản vốn sẽ là trái phiếu chuyển đổi. Sau 1 năm sẽ chuyển thành 20% cổ phần nếu startup đạt KPI, nếu không đó sẽ là 1 khoản vay. Trong đó, ông chủ Sunhouse sẽ hỗ trợ Dôta sản xuất và quản lý hàng tồn kho để làm tài sản đảm bảo.
Cũng đề nghị rót vốn cho Dôta nhưng Shark Việt muốn đổi lại cổ phần 50%. Đến đây, hai nhà sáng lập bắt đầu do dự. Cả hai ngỏ ý muốn được muốn được gộp hai "cá mập" với lời mời 4 tỷ 650 triệu đồng cho 40% vì cho rằng lãi suất 20% của chủ tịch Sunhouse là quá cao.
Shark Phú cũng nhận định nếu tự tin hai nhà sáng lập sẽ nhận lời mời của ông. 20% lãi suất là không cao vì vốn ông đầu tư ra phải sinh lời ít nhất 20%/năm. Thêm nữa, ngoài khoản đầu tư, Shark Phú còn có thể hỗ trợ sản xuất.
Sau lời chiêu dụ nhiệt thành từ Shark Phú, hai nhà sáng lập đành từ chối lời mời đầu tư của Shark Việt. Thương vụ khép lại thành công khi startup Dôta quyết định bắt tay cùng Chủ tịch Sunhouse.
Mời quý vị đón xem các màn gọi vốn trong các tập tiếp theo của chương trình Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ phát sóng vào 20h30 thứ Tư hàng tuần trên kênh VTV3!