Tác giả hay đồng tác giả trong các tác phẩm báo chí, truyền hình?

Đỗ Tuấn-Thứ bảy, ngày 23/11/2019 11:36 GMT+7

Ảnh minh họa - Ảnh: THINKSTOCK

VTV.vn - Trên thực tế một số trường hợp nhất định về đồng tác giả, quyền nhân thân đối với các tác phẩm đôi khi rất khó xác định chính xác và rạch ròi như đối với quyền tài sản.

Pháp luật Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ quyền của các tác giả đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật. Quyền nhân thân của các tác giả luôn được pháp luật ghi nhận và bảo vệ vĩnh viễn. Đối với trường hợp tác phẩm được tạo bởi hai người trở lên thì phát sinh vấn đề đồng tác giả. Khi những chủ thể này sử dụng sức lao động, hiểu biết và trí tuệ của mình cùng sáng tạo ra tác phẩm thì được pháp luật công nhận là các đồng tác giả của tác phẩm đó.

Trên thực tế một số trường hợp nhất định về đồng tác giả, quyền nhân thân đối với các tác phẩm đôi khi rất khó xác định chính xác và rạch ròi như đối với quyền tài sản, nhất là trong các cơ quan thông tấn, báo chí hoặc khi có sự tài trợ thì sự can thiệp và tác động đến tác phẩm của các cá nhân có quyền quyết định đến sự ra đời của tác phẩm là rất rõ ràng.

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 22/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan có hiệu lực thi hành từ ngày 10/04/2018 thì khái niệm tác giả, đồng tác giả được quy định cụ thể như sau:

- Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.

- Đồng tác giả là những tác giả cùng trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.

Nghị định này cũng quy định rõ: Người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả hoặc đồng tác giả. Điểm cần lưu ý là Nghị định trên đã không nói rõ thế nào là "một phần" tác phẩm. Hoàn toàn không có sự định lượng nào cho khái niệm đó. Một phần có thể là vài dòng, vài đoạn, vài trang..., đây hoàn toàn là vấn đề mang tính định tính.

Điều này gây ra vướng mắc trong thực tiễn hoạt động của các cơ quan truyền thông báo chí. Ở đó, các cấp lãnh đạo hoàn toàn có quyền yêu cầu hoặc trực tiếp biến đổi tác phẩm của các phóng viên, biên tập viên theo hướng phù hợp với trào lưu xã hội hoặc định hướng tuyên truyền mà họ nhắm đến. Sự tác động này có thể ảnh hưởng rất lớn đến sự sáng tạo độc lập của các tác giả. Khi mà sự sáng tạo độc lập của tác giả đã bị can thiệp, khi mà tác phẩm có dấu ấn của trí tuệ của người khác, bất chấp việc biến đổi khiến cho tác phẩm hay lên hoặc dở đi, thì đấy là lúc tác phẩm phát sinh vấn đề đồng tác giả.

Tác giả hay đồng tác giả trong các tác phẩm báo chí, truyền hình? - Ảnh 2.

Trên thực tế một số trường hợp nhất định về đồng tác giả, quyền nhân thân đối với các tác phẩm đôi khi rất khó xác định chính xác và rạch ròi như đối với quyền tài sản (Ảnh minh họa)

Lấy ví dụ trong thực tế hoạt động của các Đài Truyền hình tại Việt Nam, khi một phóng viên đứng tên tác phẩm, điều này hoàn toàn không đồng nghĩa là chỉ một mình anh ta là tác giả. Một tác phẩm truyền hình hầu như không bao giờ chỉ do một tác giả thực hiện. Phóng viên nghĩ ra ý tưởng truyền thông, rồi trình lên cấp quản lý Tổ chuyên môn, trên nữa là Lãnh đạo cấp phòng, thậm chí lãnh đạo cấp Ban để xin phê duyệt chủ trương và được họ trực tiếp chỉnh sửa để thực hiện. Sau khi hoàn thành tác phẩm truyền hình, nó lại được các cấp nghiệm thu, đánh giá chất lượng và chỉnh sửa. Ở từng cấp, mỗi cá nhân với quan điểm chính trị và thẩm mỹ của mình sẽ có những chỉnh sửa cho tác phẩm hoàn thiện hơn trước khi phát sóng. Tức là, sự sáng tạo tác phẩm ở đây không còn là của riêng cá nhân phóng viên nữa, mà sự sáng tạo mang tính tập thể. Đó chính là vấn đề đồng tác giả. Tất nhiên, trong thực tiễn, không mấy khi các cá nhân đó đứng tên tác phẩm mà chỉ để cho người phóng viên kia đứng tên một mình. Lý do cũng có thể là họ không quan tâm, hoặc họ thấy không cần thiết phải đứng tên đồng tác giả trong các tác phẩm truyền hình.

Ở đây sẽ nhiều người tranh luận rằng, các yêu cầu chỉnh sửa hoặc chỉnh sửa trực tiếp của những người kia chỉ mang tính góp ý, ý tưởng thuần túy chứ không phải là biểu hiện vật chất của các sáng tạo, mà pháp luật chỉ bảo hộ cho các ý tưởng đã được định hình dưới dạng vật chất cụ thể. Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề mang tính bản chất hơn nữa. Trong đa phần các trường hợp như vậy, các ý tưởng đã được định hình dưới dạng các biểu hiện vật chất cụ thể. Đó chính là những bút tích chỉnh sửa trong các dự thảo kịch bản, các mail trao đổi công việc.... Điều này đảm bảo yêu cầu được bảo hộ quyền tác giả theo Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ về căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Kịch bản cuối cùng là sự tổng hợp, viết lại, chép lại tất cả những sự sáng tạo mang tính tập thể đó. Không thể nói rằng sự tác động đó chỉ khiến tác phẩm tệ đi. Các phóng viên thường sẽ không có kinh nghiệm nghệ thuật, tầm nhìn chính trị, góc nhìn đa chiều bằng các cấp lãnh đạo của mình. Tức là sự sáng tạo tập thể đó sẽ đảm bảo tác phẩm hay hơn, phù hợp hơn với thực tiễn, đảm bảo tôn chỉ mục đích của cơ quan.

Tất nhiên, những sự tác động đấy phải đảm bảo là được biểu hiện dưới các dạng biểu hiện vật chất cụ thể và phải đạt đến mức độ sáng tạo cá nhân thì mới có thể xem xét vấn đề đồng tác giả. Sự sáng tạo tập thể này chính là khái niệm đồng tác giả được đề cập trong quy định tại Luật sở hữu trí tuệ: "Đồng tác giả là những tác giả cùng trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học".

Tác giả hay đồng tác giả trong các tác phẩm báo chí, truyền hình? - Ảnh 3.

Đánh giá vấn đề đồng tác giả đối với các tác phẩm báo chí, truyền hình là vấn đề mang tính học thuật và tính thực tiễn mà các cơ quan quản lý, các nhà làm luật cần nghiên cứu, hoàn chỉnh hơn trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ (Ảnh minh họa)

Theo quy định pháp luật, việc thực hiện kê khai để đăng ký quyền tác giả tại Cục Bản quyền Tác giả VHNT là mang tính tự giác của người thực hiện. Cục Bản quyền Tác giả VHNT chỉ có trách nhiệm tiếp nhận, xét duyệt và cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả. Cơ quan này không thể biết được hoạt động sáng tạo thực tế (tác giả hoặc đồng tác giả) cũng như việc hỗ trợ vật chất cho sự sáng tạo. Các tác giả phải tự kê khai trung thực và tự chịu trách nhiệm. 

Một khi đã được cấp chứng nhận quyền tác giả cho một cá nhân thì việc giải quyết tranh chấp sau này với các đồng tác giả khác là tương đối phức tạp. Nhất là trong bối cảnh hệ thống truyền thông báo chí và các mạng xã hội đã rất phát triển như hiện nay, một tác giả với ý đồ xấu hoàn toàn có thể sử dụng các giấy chứng nhận quyền tác giả độc lập đó để bêu xấu, hạ nhục các cá nhân khác. Khi mà chứng minh được việc có phát sinh đồng tác giả hay không thì cũng có thể ví với việc "được vạ má đã sưng".

Do đó, đánh giá vấn đề đồng tác giả đối với các tác phẩm báo chí, truyền hình là vấn đề mang tính học thuật và tính thực tiễn mà các cơ quan quản lý, các nhà làm luật cần nghiên cứu, hoàn chỉnh hơn trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước