Anh Võ Văn Tiến Đạt năm nay 31 tuổi, hiện đang là tình nguyện viên ATM oxy quận 4, TP.HCM. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát ở TP.HCM, anh làm bảo vệ cho một trung tâm Anh ngữ trên địa bàn quận 4. Còn hơn 2 tháng nay, anh trở thành một trong những tình nguyện viên chở bình oxy đến tận nhà cho từng người bệnh. Đến với Cất cánh tháng 9, anh đã chia sẻ về những ngày chạy đua với thời gian để hỗ trợ những bệnh nhân mắc COVID-19 cần oxy tại nhiều con ngõ tại TP.HCM.
Từ anh bảo vệ thành tình nguyên viên ATM oxy: Nỗi lo từ gia đình
Anh Võ Văn Tiến Đạt cho biết, từ cuối tháng 7, anh đã đăng ký làm tình nguyện viên tham gia chống dịch khi chứng kiến những người xung quanh mình đang gặp phải vô vàn khó khăn, thậm chí có những người đứng trên ranh giới của sự sống và cái chết, trong số đó có cả những người họ hàng thân thiết của anh cũng có người qua đời ở các bệnh viện dã chiến.
"Tôi đăng ký với suy nghĩ không góp công thì cũng góp sức cho thành phố thân yêu này" - anh Đạt cho hay - "Nhà có 3 người, ba mẹ và tôi, may mắn đến thời điểm này cả ba người đều an toàn trước dịch. Tôi hỏi ý kiến mẹ, mẹ không nói gì. Tôi biết mẹ lo cho tôi. Còn ba, ba động viên tôi, cố gắng tham gia và giữ gìn sức khỏe. Ba tôi cũng đang là một tình nguyện viên, ông tham gia lực lượng bảo vệ dân phố, trực chốt ở các chốt bảo vệ, phòng chống dịch".
"Cũng từ cuối tháng 7 đến giờ, khi tham gia làm tình nguyện viên tôi không về nhà, dù nhà cách trạm oxy nơi tôi đang làm việc có 6 cây số. Hàng ngày, tôi vẫn thường gọi điện về nhà cho ba mẹ yên tâm".
"5 phút là thời gian tối đa cho mỗi chuyến chở bình oxy, bởi đó là cứu người"
Nói về những ngày cùng các tình nguyện viên làm việc vừa qua, anh Tiến Đạt kể: "Một ngày của chúng tôi bắt đầu từ sáng sớm, nhưng thực ra cũng không có thời điểm bắt đầu một ngày vì chúng tôi trực 24/24. Nhóm tình nguyện viên oxy quận 4 có 16 thành viên. Chúng tôi nhận tin từ tổng đài rồi chuyển tới những người đang cần.
Ngay lập tức, chúng tôi phân công nhau lên đường. Do đặc thù của đường phố nhiều hẻm, ngóc ngách nên chúng tôi di chuyển 100% bằng xe máy. Một nhóm như thế hai tình nguyện viên, nhưng cũng có khi chúng tôi đi một mình vì đang thiếu người".
"5 phút là quãng thời gian lâu nhất chúng tôi ngầm quy định với nhau cho thời gian tối đa mỗi chuyến chở bình oxy. Bởi chúng tôi hiểu những người liên lạc với ATM oxy đều đang trong tình trạng cần chúng như thế nào. Bởi chúng ta có thể nhịn ăn 3 – 4 ngày nhưng không thể nhịn thở 5 phút được".
"Đường phố giãn cách nên cũng thông thoáng hơn ngày thường. Chúng tôi chạy xe len lỏi qua các ngóc ngách của thành phố. Có khi đến gần chốt kiểm soát dịch, tôi hô lên từ xa - Xin cho em qua, chúng em đang đi cứu người, em sẽ quay lại trình giấy sau... Các anh trực chốt nhìn thấy từ xa mặc đồ bảo hộ ôm theo bình oxy đều cho chúng tôi qua để cứu người", anh Đạt nói tiếp.
"Mỗi lần mang bình oxy đến cho một ai, chúng tôi cũng hy vọng mình sẽ góp phần cứu được họ. Họ là những người cần thở"
Công việc tình nguyện viên ATM oxy đã mang đến cho anh những kỷ niệm không thể quên. Đó là những trường hợp F0, những người cần thở, cần tới sự giúp đỡ từ anh và đồng đội.
"Một lần, tôi mang bình oxy đến cho một gia đình có hai cha con đều đang là F0. Cả hai người đều rất tỉnh táo nói chuyện với tôi như bình thường. Sáng hôm sau, tôi nhận được tin quay trở lại địa chỉ ấy nhận lại bình. Tôi đã vui trong lòng vì nghĩ hai cha con anh ấy đã khỏe. Đến nơi tôi gặp một người con trai khác, anh như người mất hồn thông báo với tôi, cha và em của anh ấy vừa mất, mỗi người đang nằm một góc trong nhà. Trời đất quanh tôi như sụp đổ", anh nhớ lại.
"Mỗi một lần như thế, tôi cứ tự trách mình, có khi nào do chúng tôi không đến kịp, không mang oxy đến kịp đã khiến người ta không qua khỏi. Suốt hơn một tháng rưỡi qua, những câu chuyện như thế, những lần gặp gỡ đầu tiên và cũng là cuối cùng như thế diễn ra với chúng tôi hàng ngày".
"Một lần khác, tôi mang bình oxy đến, gặp một bà cụ F0. Bà mếu máo nói - Con ơi, cứu ông. Ông bị ngã trong toilet, mình bà không làm gì được. Con cái thì đi cách ly hết rồi. Lúc ấy nước mắt tôi trực trào ra, tôi quên luôn cả việc cả ông và bà đều là F0, vào toilet bế ông dậy, đưa ông lên giường nằm và để ông thở oxy. Sau khoảng 20 phút, chỉ số oxy SpO2 trong máu của ông dần ổn định. Tôi cũng đến giờ phải ra về nhưng vẫn muốn nán lại xem ông bà cần mình giúp điều gì không".
Biến đau thương thành hành động
Anh Tiến Đạt cho biết những tình nguyên viên ở quận 4 giống anh đều có tuổi đời rất trẻ, nhưng họ đã có những trải nghiệm lần đầu tiên được chứng kiến trong đời. Nhiều người trong số họ đã nhiễm COVID-19 và phải cách ly điều trị, cũng có người khỏi bệnh nhưng vẫn mong muốn tiếp tục trở lại làm tình nguyện.
"Tôi là người lớn tuổi nhất và cũng kinh qua nhiều công việc trong cuộc sống. Đôi khi tôi vẫn trấn an các bạn đừng lo lắng, hãy tự tin lên bởi những đóng góp của chúng mình sẽ góp phần cứu sống được những người dân của thành phố, có thể họ chính là họ hàng, là hàng xóm thân thiết của mỗi chúng ta… 1 tháng rưỡi trôi qua, chúng tôi đều cảm thấy rất vui khi thấy những gì mình đang làm phát huy được hiệu quả. Tình hình ở quận 4 chúng tôi và ở cả thành phố này đã cơ bản được kiểm soát. Khi nào còn dịch thì còn đội tình nguyện oxy ở quận 4, ở đâu có dịch thì ở đó có tình nguyện viên oxy", anh tâm sự.
Trước câu chuyện của anh Tiến Đạt, GS. Nguyễn Lân Dũng đã bày tỏ sự xúc động bởi hành động ý nghĩa này. Ông cũng gửi gắm lời cảm ơn tới những tình nguyện viên đang làm hết tâm sức để hỗ trợ các bệnh nhân COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!