Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng oxy ngày càng nhiều dẫn đến các trạm bơm quá tải khiến việc xoay vòng nạp khí oxy gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, một mô hình chuyển đổi phân xưởng oxy trong nhà máy thép sang sản xuất oxy y tế đã ra đời để giải quyết bài toán này.
Phân xưởng oxy của nhà máy thép Tân Thuận sau 3 tháng ngừng hoạt động giờ đây đã tái khởi động với việc sản xuất oxy y tế. Đây là sứ mệnh của đơn vị nhằm giảm thiểu tình trạng khan hiếm oxy. Với sự trợ lực này, 1 ngày nhà máy sẽ đạt công suất 500 bình 40 lít hoặc 2.000 bình 10 lít. Toàn bộ nguồn khí oxy trị giá gần 2 tỷ đồng/tháng sẽ tài trợ hoàn toàn cho chương trình ATM Oxy Doanh nhân trẻ.
Như vậy, giờ đây, sức mạnh của ATM Oxy 24/7 sẽ được nhân lên gấp bội. Không còn nhiều trăn trở, băn khoăn khi nhận về những bình oxy rỗng.
Sức mạnh của ATM oxy 24/7 sẽ được nhân lên gấp bội
Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tính đến nay đã cung cấp hơn 2.600 bình Oxy loại 8L-15L và 1.700 bình Oxy loại 40L về các trạm và tổ chức được đội xe tiến hành cấp đổi oxy. Đặc biệt, Thành đoàn TP còn thành lập 22 hotline để 24/7 tiếp nhận thông tin, kiểm tra và phân loại các trường hợp khẩn cấp một cách hiệu quả nhất.
Với việc vận hành trạm bơm mới này, ATM Oxy sẽ cam kết đảm nhận trọng trách cung cấp Oxy cho hơn 400 trạm y tế lưu động, tương đương với hỗ trợ oxy cho 3.000 – 4.000 bệnh nhân mỗi ngày. Đây được cho là hình mẫu để nhiều đơn vị khác tính toán chuyển đổi để góp phần hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Trong đó, oxy được xem là sự sống còn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!