Buổi hội thảo có sự tham dự của ông Lâm Kiết Tường, Phó Tổng Giám đốc Đài THVN; bà Nguyễn Thị Kim Hoa - Giám đốc Trung tâm sản xuất các chương trình Giáo dục - kênh VTV7, Đài THVN; ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Trưởng ban Thanh thiếu niên, Đài THVN và bà Phạm Hồng Tuyến, Trưởng Phòng thiếu nhi, Ban Thanh thiếu niên, Đài THVN.
Buổi hội thảo đã thu hút sự tham gia của rất nhiều phóng viên, biên tập viên đến từ các đài PT-TH trong cả nước quan tâm đến việc làm sao có thể sản xuất những chương trình truyền hình thực sự hấp dẫn và gần gũi với trẻ em. Bên cạnh đó, hội thảo có các tham luận đến từ chuyên gia giáo dục, các nhà sản xuất của kênh VTV7 và đạo diễn nước ngoài – đại diện cho kênh Anak của Philippines.
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Lâm Kiết Tường, Phó TGĐ Đài THVN cho biết: "Thiếu nhi là đối tượng đặc biệt cần được quan tâm. Tuy nhiên hiện nay, thực trạng các chương trình thiếu nhi vừa thiếu cũng như chất lượng chưa cao. Lực lượng sản xuất cũng đang thiếu nên gần như rất ít chương trình do chúng ta sản xuất. Đây cũng lĩnh vực khó vì cách thức thực hiện cũng như sự đầu tư nguồn lực chưa được nhiều, đặc biệt khi truyền hình và các loại báo chí khác đang phải cạnh tranh với Internet. Hy vọng sau hội thảo này, các đơn vị sản xuất, các đài PT-TH trong cả nước cần quan tâm đầu tư hơn nữa để các chương trình dành cho thiếu nhi được cải thiện và đến gần với các khán giả nhỏ tuổi hơn".
Ông Lâm Kiết Tường, Phó Tổng Giám đốc Đài THVN
Tham luận đầu tiên của Hội thảo Sản xuất chương trình thiếu nhi - Giáo dục kết hợp Giải trí của TSGD. Nguyễn Thụy Anh. Bà Nguyễn Thụy Anh cho rằng làm sao để xác định được nhu cầu của trẻ em thực sự là rất khó bởi thay đổi liên tục. Ngoài việc đáp ứng được sở thích của các em thì trách nhiệm quan trọng hơn của các chương trình truyền hình là giáo dục, để hình thành sở thích, nhu cầu tinh thần hay gu thẩm mỹ cho các em.
TSGD Nguyễn Thụy Anh đã chỉ ra những ưu thế của các chương trình phát trên kênh truyền hình đối với lứa tuổi này nằm ở những điểm sau như: Dễ sử dụng, ít gây hại cho mắt hơn là iPad, iPhone; người làm chương trình chủ động kiểm soát thời lượng và nội dung bé xem; bố mẹ, ông bà có thể cùng tham gia vào quá trình sử dụng tivi hơn là khi bé dùng các thiết bị khác; có thể chỉnh khoảng cách mắt và tivi, cường độ âm thanh hợp lý; cho cảm giác được tham gia với cộng đồng…
Trong tham luận của Trung tâm sản xuất các chương trình giáo dục đã chỉ ra một chương trình giáo dục, hấp dẫn khán giả phải cần những gì. Đó phải là những chương trình đúng và phù hợp tâm lý tiếp nhận của trẻ, tạo sự thích thú tìm tòi, khám phá, học hỏi ở trẻ, giúp trẻ phát triển về trí não và vận động. Và quan trọng là phải an toàn cho trẻ.
Đại diện của VTV7 cũng cho biết hiện nay có một thuật ngữ hay được dùng, đó là Edutainment (Education và Entertainment) để nói về các chương trình Giáo dục giải trí dành cho trẻ em. Một chương trình cần đạt được cả yếu tố giáo dục và giải trí. Và để đạt được mục đích đó thì những người làm truyền hình sản xuất các chương trình thiếu nhi cần thấu hiểu tâm lý và nhu cầu của từng độ tuổi trẻ em. Các chương trình giáo dục sản xuất ra cần đáp ứng đúng như cầu và tâm lý tiếp nhận của trẻ.
Tham luận của kênh VTV7 cũng đưa ra những cách thức sản xuất chương trình giáo dục hấp dẫn dành cho thiếu nhi của chính kênh truyền hình này. Sự khác biệt của các chương trình dành cho thiếu nhi của VTV7 đang được sản xuất dựa trên một số bước cơ bản nhưng rất quan trọng như phân tích và bám sát tâm lý lứa tuổi khán giả; quy trình sản xuất với sự tham gia chặt chẽ của cố vấn về tâm lý và giáo dục để đảm bảo các nội dung giáo dục phù hợp với từng đối tượng khán giả; thực hiện pretest (chiếu chương trình cho khán giả xem chương trình demo trước khi phát sóng) và postest (chiếu chương trình cho khán giả xem sau một mùa phát sóng, ghi nhận phản hồi để có những điều chỉnh phù hợp) để đo lường sự phù hợp của chương trình với các đối tượng khán giả đích.
Ông Nico Hernandez, Giám đốc sáng tạo, đạo diễn truyền hình của Anak TV cũng đã chia sẻ về chương trình hướng dẫn các em nhỏ có thể tự làm phim hay tự sản xuất một chương trình của chính mình. Ý tưởng này đến từ những ngày thơ ấu của vị đạo diễn người Philippines khi ông rất thích quay và dựng các video nhỏ. Đó cũng chính là lý do mà khi về làm việc cho kênh AnakTV, ông Nico Hernandez đã thực hiện những chương trình khuyến khích và hướng dẫn các em tự làm ra những tác phẩm truyền hình của mình.
Ông Nico Hernandez, Giám đốc sáng tạo, đạo diễn truyền hình của Anak TV
Đội ngũ sản xuất của kênh Anak đã có những chuyến đi khắp đất nước Philippines để tìm hiểu xem một chương trình như thế nào sẽ thân thiện, gần gũi và hấp dẫn trẻ em, bên cạnh đó còn đi đến đến nhiều vùng sâu hay hẻo lánh để mang đến những kiến thức cơ bản về việc làm phim cho các em nhỏ.
Ông Nico cho biết kênh Anak muốn nhân rộng chương trình này, mang đến nhiều kiến thức bổ ích về việc sản xuất chương trình truyền hình cho những trẻ em khác ở các nước ĐNA. Các em có dịp được trải nghiệm công việc làm phim, sản xuất chương trình truyền hình và tận dụng các phương tiện công nghệ hiện đại. Không chỉ đơn giản là những người làm truyền hình sản xuất ra các chương trình bổ ích, hấp dẫn mà kênh Anak còn mong muốn tạo ra một thế hệ làm truyền hình mới trong tương lai.
Bên cạnh đó,bà Viz Bonalos, đại diện BTC giải thưởng Prix Jeunesse – giải thưởng danh tiếng nhất thế giới tôn vinh các sản phẩm truyền hình sáng tạo dành cho trẻ em cũng đã giới thiệu những đôi nét về giải thưởng này tại buổi hội thảo.