Việc tử tế tháng 9 với chủ đề "Alo! Tôi tới đây" mang tới rất nhiều những câu chuyện về những sự trợ giúp quyết liệt, kịp thời trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng. Từ đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch, lực lượng bộ đội, công an đến tình nguyện viên, người dân..., mỗi sự trợ giúp, mỗi việc làm tử tế tạo nên sức mạnh lớn lao để cùng nhau vượt qua dịch bệnh. Người nọ giúp người kia, người khó ít giúp người khó nhiều. Một xã hội tử tế, không ai bảo ai vì ai cũng thấy rằng "Mình còn có khả năng giúp đỡ người khác".
Chưa bao giờ chúng ta có thể cảm nhận được "kết nối" đang là sức mạnh để chúng ta cùng nhau vượt qua những ngày tháng khó khăn của dịch bệnh này. Sức mạnh kết nối ấy đã tạo nên những mạng lưới giúp nhau, tạo nên sự gắn kết vô hình thôi thúc người ta sẵn sàng lên đường không màng khó khăn, nguy hiểm.
MC Sơn Lâm và Thụy Vân dẫn chương trình Việc tử tế tháng 9.
Trong những ngày qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã thực hiện những chuyến vi hành đi tận ngõ, đến tận nơi. Vì chỉ khi mắt thấy tai nghe, ông cùng các nhà lãnh đạo mới kịp thời chỉ đạo và đưa ra quyết sách đúng đắn thời điểm cam go này. Như lời chỉ đạo của Thủ tướng, các địa phương cũng đang tăng cường các giải pháp hỗ trợ người dân bằng đường dây nóng của chính địa phương mình. Hiệu quả đã tăng lên rõ rệt. Tinh thần chống dịch như chống giặc đã được cụ thể hóa bằng qua những chỉ đạo quyết liệt, qua những hành động cụ thể, từ những người dân bình thường, những tình nguyện viên, lực lượng tuyến đầu, tới người đứng đầu Chính phủ.
Alo! Bác sĩ: Từ nơi tuyến đầu hay ở nhà, các y bác sĩ đều có cách riêng trợ giúp người dân trong cuộc chiến này
Khi số ca COVID-19 tăng lên, liên tục các bệnh viện dã chiến được thành lập. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, ngành y tế đã thiết lập 12 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 với gần 35.000 giường đi vào hoạt động. Lúc này, sự điều động quy mô lớn lực lượng y tế, nhân lực vật lực từ các địa phương được thực hiện. Những đoàn y bác sĩ lên đường khắp mọi miền Tổ quốc, sinh viên ngành y… sẵn sàng lên đường đến tâm dịch TP Hồ Chí Minh với lời hẹn "Chiến thắng dịch bệnh sẽ trở về".
GS. TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, hiện cũng là Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19. Trung tâm hiện đặt tại số 2 Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh. Ông cho biết, hiện tại Trung tâm có 450 y bác sĩ, trong đó lực lượng chủ lực từ BV Trung ương Huế, ngoài ra có lực lượng từ 4 bệnh viện khác. Tất cả tập thể 5 bệnh viện cùng nhau phối hợp có tinh thần đồng đội rất cao để đảm bảo hoạt động của Trung tâm một cách hiệu quả".
Trong cuộc chiến khốc liệt với COVID-19, chính những ai từng là F0 mới có thể hiểu hết áp lực của các y bác sĩ tuyến đầu. Họ phải có một tinh thần thép để ngày ngày đối diện với tiếng gọi đàm cấp cứu của những trung tâm hồi sức, tiếng còi hú, tiếng bệnh nhân kêu rên vì đau đớn… Những âm thanh 24/24 lặp đi lặp lại trong hành trình giành giật lại sự sống cho bệnh nhân. Đã có những mất mát, đã có những y bác sĩ bị nhiễm COVID-19, nhưng họ - bằng tình yêu thương trách nhiệm với cộng đồng - vẫn luôn nỗ lực từng ngày.
Những y bác sĩ tuyến đầu - "họ đã làm việc bằng ý chí chứ không còn là sức lực thông thường".
Khó nói hết được những gian khổ, sự hy sinh của các y bác sĩ tuyến đầu nhưng trận chiến ấy, họ không đơn độc, bởi ở mỗi vị trí, mỗi phòng tuyến, ai cũng đang nỗ lực nhiều nhất có thể. Bằng khả năng của mình, những người y bác sĩ còn đang trực chiến tại các địa phương chưa thể lên tuyến đầu, cũng đều có cách riêng đóng góp trong cuộc chiến này.
Hàng trăm các y bác sĩ trong một thời gian ngắn đã lập nên những ứng dụng, những website, những đường dây nóng để hỗ trợ mọi người trong thời gian giãn cách như nhóm thầy thuốc nhân ái, idoctor, bacsy 24, ứng dụng "Giúp tôi"... Từ những vấn đề liên quan đến COVID-19 tới những vấn đề sức khỏe khác của người dân đều được tư vấn, khám chữa bệnh hoàn toàn miễn phí. Chỉ với chiếc điện thoại trên tay, người dân có thể giải quyết những vấn đề sức khỏe của chính mình và những người xung quanh qua tư vấn của các y bác sĩ.
Nhiều bệnh nhân khỏe mạnh trở lại nhờ tư vấn khám chữa bệnh miễn phí.
Bất cứ một sự đóng góp nào vào lúc này cũng đều ý nghĩa. Chỉ có những người đi qua lằn ranh của sự sống và cái chết có lẽ họ mới hiểu rõ nhất sự nỗ lực, hết lòng của đội ngũ y bác sĩ những ngày này. "Cảm ơn" hai từ không còn khó nói nữa, mà thành câu tri ân chân thành nhất những bệnh nhân khỏi bệnh muốn gửi tới họ.
Alo! Người dân giúp nhau - "Chỉ cần nơi đâu cần là tôi lên đường"
Trong mùa dịch, chỉ với một chiếc điện thoại, chúng ta có thể biết ai quanh mình đang cần sự giúp đỡ. Người cho tìm thấy người nhận và người nhận tìm thấy sự giúp đỡ khi cần. Tấm bản đồ đặc biệt nằm trong chiếc điện thoại thông minh của chúng ta còn được gọi là bản đồ cứu trợ của Việt Nam, có địa chỉ SOSmap.net. Đến thời điểm này SOSmap có 15.000 người nhận đăng ký, trong đó 2500 người nhận được sự hỗ trợ từ những mạnh thường quân.
Thông qua SOSmap và ứng dụng Zalo connect, phóng viên Mạnh Cường đã thực hiện trao các phần quà của Việc tử tế tới một số chấm đỏ trên bản đồ tại khu vực Hà Nội.
Một lực lượng đặc biệt khác luôn sẵn sàng "Alo! Tôi tới đây" mỗi khi cần trợ giúp, chính là những tình nguyện viên hỗ trợ người dân chống dịch. Họ được coi là đội quân đặc biệt tinh nhuệ, bền bỉ, thần tốc, không ngại xả thân. Họ là đội quân của những con người thầm lặng với niềm đam mê làm thiện nguyện.
Tại Hà Nội, chương trình shipper áo xanh phối hợp với các nhà trường đã đưa hơn 1000 bộ sách giáo khoa tới tận nhà cho các em học sinh trong mùa dịch. Ở đầu còn lại của đất nước, nhiều bạn trẻ hăng hái tham gia vào đội chống COVID-19 của Hội Liên hiệp Thanh niên TP Hồ Chí Minh...
Thế nhưng trong cuộc chiến này còn có cả những sự hy sinh. Anh Vũ Quốc Cường, người được biết đến với 2 quán cơm chay phục vụ người nghèo, người chỉ sống trong căn nhà 20m2 đi thuê nhưng dành hết tài sản của mình để làm từ thiện. Anh cũng là người có nhiều hoạt động giúp người dân ở tâm dịch, anh ra đi vì nhiễm COVID-19. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc viết thư gửi chị Nguyễn Thị Tuyết Lan - vợ anh Vũ Quốc Cường.
Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định truy tặng Bằng khen của Thủ tướng cho 18 cá nhân có nhiều thành tích và đóng góp trong công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Họ là những người dân, cán bộ địa phương, tình nguyện viên, bác sĩ... đã quên mình hy sinh trong cuộc chiến chống dịch của cả dân tộc.
Còn với những người ở lại, họ sẽ luôn tiến lên bởi tinh thần thiện nguyện đã ngấm vào trong máu - "Chỉ cần nơi đâu cần là tôi lên đường".
Alo! Tôi là lính Cụ Hồ: Vì nhân dân quên mình phục vụ
Trước diễn biến của dịch bệnh, từ ngày 23/8, tại những chốt phòng dịch của TP Hồ Chí Minh, bên cạnh lực lượng chức năng địa phương, người ta đã thấy sự tăng cường những màu áo xanh của lực lượng công an, bộ đội. Từ mọi miền đất nước, họ đem sức trẻ của mình tới tâm dịch. Và cũng từ đó, từng gói quà hỗ trợ đã được trao tới từng gia đình, những hỗ trợ y tế len sâu vào nhiều con hẻm, tới từng trường hợp F0. Những ngày này, đường phố của TP Hồ Chí Minh vắng lặng hơn, người dân ở nhà trong tâm thế vững vàng hơn, bởi họ biết ngoài kia đang có những người "Vì nhân dân quên mình phục vụ".
Những bữa cơm muộn, ăn trong vội vã, vẫn thường xuyên bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân điều trị tại nhà.
"Đi dân nhớ, ở dân thương" - tình cảm ấy có thể cảm nhận rõ qua những chiếc áo đẫm mồ hôi nơi chốt chặn chống dịch. Những bước chân hớt hải cho kịp giờ chuyển nhu yếu phẩm đến từng hộ gia đình.
Những con hẻm sâu hun hút không thể làm khó các anh bộ đội - sẽ chẳng phương tiện nào phù hợp hơn những chiếc xe đạp thồ vận chuyển nhu yếu phẩm cho bà con. 27 xe đạp thồ của Sư đoàn 5 Quân khu 7 được trưng dụng để vận chuyển lương thực giao từng ngõ từng nhà cho người dân. Mộc mạc thô sơ nhưng mỗi xe thồ có thể chở gần 300 kg gạo và các nhu yếu phẩm.
Mọi hoạt động cần thiết, cụ thể để chống dịch tại từng địa phương đều đang được đồng loạt, gấp rút triển khai. Dịch bệnh làm ta xa cách nhưng thực tế lại làm chúng ta tìm cách để gần nhau hơn. Từ ước mơ tới hành động của mỗi người đều có nhiều hơn những giao điểm chung.
"Alo! Tôi tới đây" không chỉ là một câu nói qua điện thoại, còn là sự liên kết giữa hai đầu dây cuộc gọi. Một bên là sự mong mỏi được giúp đỡ, một bên là sự dấn thân, hy sinh, sẵn sàng. Một đầu dây là người dân trong những hoàn cảnh khốn khó, một đầu dây là cả đất nước cùng sát vai nhau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!