Khi đất nước cần, tâm dịch gọi, những người trẻ lên đường, thành lập các đội phản ứng nhanh COVID-19. Việc tử tế tháng 9: Thanh xuân trong tâm dịch nói về câu chuyện về người trẻ nơi tâm dịch. Họ mang theo lý tưởng, nhiệt huyết, sức mạnh vào tâm dịch. Có những bức hình, video của người trẻ tại tâm dịch đã khắc sâu vào tâm trí của người dân thành phố Hồ Chí Minh và tâm trí của người dân cả nước.
Người trẻ đã cho chúng ta thấy sức mạnh của mình. Họ đã trở thành lực lượng vững chí, bền gan, xông pha vào mặt trận không tiếng súng nhưng đầy rẫy hiểm nguy ấy. Chuyến đi của họ không phải là khám phá một khu vực địa lý mới mẻ, thú vị nào trên trái đất này, mà chính là chuyến đi khám phá giới hạn chống chịu gian khổ của bản thân, khám phá ra rằng lý tưởng tuổi trẻ ở trong tim và chỉ cần một lời hiệu triệu lý tưởng thôi thúc họ lên đường.
Đội 911 Mỗ Lao - đội lái xe 0 đồng chở F
"Đội áp tải F miễn phí", "Đội lái xe 0 đồng chở F" là cụm từ được nhắc đến với tần suất cao trong những ngày vừa qua ở quận Hà Đông, để chỉ đội lái xe cấp cứu của Trung tâm cấp cứu 911 Anh Vũ tại phường Mỗ Lao, quận Hà Đông. Suốt 3 tháng nay họ - những lái xe cứu thương đã kết hợp với 25 cơ sở y tế trong khu vực để có gần 500 chuyến xe ngược xuôi, chở hơn 1200 trường hợp F1, F0 ở nhiều điểm nóng tại các quận huyện của Hà Nội. 6 chiếc xe cùng 16 thành viên bền bỉ trong suốt 3 tháng qua.
Những chuyến xe của 911 Mỗ Lao như những con thoi di chuyển từ bệnh viện dã chiến, khu thu dung điều trị bệnh nhân F0 đến những điểm cách ly tập trung. Trong một buổi chiều những tài xế di chuyển từ 1 - 2 lần như vậy.
Công việc thường kết thúc khi trời đã bắt đầu tối. Đó cũng là lúc họ quây quần bên mâm cơm cùng những đồng đội của mình. Để rồi sau ngày dài vất vả, bình yên nhất là khi được thấy những người thân yêu qua màn hình điện thoại.
Những bác sĩ trẻ cống hiến nơi tâm dịch
Cuộc hành trình ngàn dặm luôn bắt đầu bằng những bước chân nhỏ bé. Nhìn lại hành trình đã qua của hàng nghìn các y bác sỹ trẻ tuổi, hàng nghìn những tình nguyện viên, thực sự họ đã có trong đời những trải nghiệm đáng giá. Những trải nghiệm được mách bảo và thôi thúc từ bên trong trái tim ấm áp của họ.
Một sinh viên y để được ra trường, làm việc cứu người, họ phải mất 7 năm rèn luyện và nhiều năm tháng thực tập. Thành quả của họ là sức khỏe cộng đồng, nên đó phải là những sinh viên có học lực giỏi, có một tấm lòng nhân ái.
Trong lời thề Hippocrates dành cho sinh viên ngành y có câu: "Tôi sẽ luôn nhớ rằng nghệ thuật của việc chữa bệnh hay của khoa học, cần sự ấm áp, cảm thông, và sự hiểu biết, điều đó có thể lớn hơn con dao của bác sĩ phẫu thuật hoặc thuốc của người dược sĩ".
Hàng nghìn bác sỹ trẻ đã lên đường thậm chí viết đơn tình nguyện xung phong vào tâm dịch, với họ tính mạng của bệnh nhân là quan trọng và cứu chữa bệnh nhân là sứ mệnh cao quý của mình.
Bệnh viện hồi sức COVID Thủ Đức là nơi tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Đây là nơi được huy động nguồn nhân lực lớn, là những y bác sĩ giàu kinh nghiệm từng chinh chiến tại nhiều tâm dịch. Cùng với đội ngũ y bác sĩ trẻ tình nguyện đến từ các bệnh viện trên cả nước, tất cả đang dồn sức cứu chữa bệnh nhân nơi cánh của sự sống cuối cùng.
Đối mặt với những ca bệnh khó chưa từng gặp, làm việc không chỉ bằng kiến thức, sức lực mà còn bằng cả lý trí và cả con tim.
Những ngày ở mặt trận khốc liệt nhất của COVID-19 sẽ là quãng thời gian thanh xuân không thể quên.
Chương trình Việc tử tế đã kết nối với bác sĩ Đỗ Thị Hằng - một trong những bác sĩ trẻ đang làm công việc chữa trị, chăm sóc cho những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng nhất tại tại Bệnh viện hồi sức COVID Thủ Đức - Bệnh viện chữa COVID-19 lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh. Bác sĩ Hằng là 1 bác sĩ trẻ của Bệnh viện 74 Trung Ương tăng cường vào đây chống dịch từ tháng 7.
"Mỗi nhân viên y tế ở đây mỗi người đều có hoàn cảnh riêng, mỗi người đều có những nỗi niềm riêng nhưng chúng tôi đều cố gắng hết mình vượt qua những tâm tư, nỗi nhớ nhà để hết lòng cứu chữa bệnh nhân", bác sĩ Đỗ Thị Hằng chia sẻ.
"Mỗi khi bệnh nhân rút được máy thở, có thể tự thở được và chuyển về bệnh viện dã chiến khác chúng tôi hạnh phúc đến phát khóc. Còn khi đối diện với những nạn nhân không may mắn vượt qua được chúng tôi cảm thấy vô cùng buồn vì mọi người đã nỗ lực, cố gắng hết mình nhưng lại không thể cứu chữa được bệnh nhân".
Không chỉ có bác sĩ Hằng, hầu hết tất cả các y bác sĩ khác đều vượt qua nỗi nhớ nhà, sẵn sàng bỏ qua nỗi niềm riêng, hết mình tận tụy với bệnh nhân chỉ mong một ngày không xa đất nước sẽ chiến thắng đại dịch.
24h không kể ngày đêm, bệnh nhân nối tiếp bệnh nhân, các y bác sỹ và nhân viên y tế làm việc không ngơi nghỉ. "Thiên thần áo trắng", "siêu anh hùng"… nhiều người đã gọi họ như vậy. Nhưng họ cũng như bao người chúng ta, cũng có những nỗi niềm sâu kín nhưng điều họ đặt lên trên tất cả là trách nhiệm là yêu thương tới công đồng.
Nhiều khán giả đã vô cùng xúc động khi đọc dòng nhật ký của Ths - bác sĩ Đỗ Quốc Phong, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện E gửi tới mẹ:
"Mẹ ơi!... Nhanh thật!
Mới đó đã tròn 3 tuần con "sống trong lũ", cùng tham gia trực tiếp điều trị các bệnh nhân COVID- 19 nặng và nguy kịch. Ba tuần trôi qua thật nhiều kỉ niệm, thật nhiều bài học sâu sắc. Ngày nhận quyết định lên đường đi tham gia chống dịch, con hoang mang quá! Mười mấy năm làm hồi sức, điều trị và chứng kiến muôn vàn bệnh tật, nhưng có lẽ chưa bao giờ con thấy nhiều lo lắng như lần này!...".
Những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9, ngay khi dịch bệnh đang có nhiều diễn biến phức tạp tại các tỉnh thành phía Nam, có thêm một lời hiệu triệu nữa được đưa ra. Trong thư ngỏ gửi tới các bệnh nhân COVID-19 đã từng chiến thắng dịch bệnh. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh có viết: "Chúng tôi rất hiểu các bạn vẫn cần thời gian để dưỡng sức sau cơn bạo bệnh đáng sợ, tuy nhiên chúng tôi rất cần sự chung tay đóng góp của các bạn trong giai đoạn quyết định này. Với niềm hy vọng, niềm tin vào sự khống chế thành công dịch bệnh, đội ngũ nhân viên y tế chúng tôi thiết tha mong đợi sự tham gia của các bạn vào công tác phòng chống dịch của Thành phố".
Lời kêu gọi như thêm một lý do để những đôi chân không dừng lại, để những trái tim lại thôi thúc lên đường.
Biệt đội những chiến binh F0
Sau khi vượt qua “ải tử thần” mang tên COVID-19, nhiều F0 tình nguyện ở lại chăm sóc, tiếp sức cho những người đang trong cơn nguy khốn. Những bệnh nhân từng mắc COVID-19 là người hiểu rõ nhất những rủi ro, từ kinh nghiệm của mình có thể giúp người bệnh chủ động vượt qua khó khăn của tình trạng bệnh. Ngoài hỗ trợ y bác sĩ theo dõi tình trạng oxy máu, hỗ trợ bệnh nhân ăn uống, vệ sinh cá nhân họ còn mang đến cho người bệnh những liều thuốc tinh thần.
Anh Tân - nhóm trưởng của nhóm 5 thành viên F0 được bệnh nhân gọi với tên thân mật “Biệt đội những chiến binh F0” tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 Hóc Môn cho biết: "Tôi muốn mình là bệnh nhân F0 cuối cùng tại bệnh viện".
Đại dịch rồi cũng sẽ qua đi, những người trẻ sống trong tâm dịch ngày ấy họ sẽ trở về ngôi nhà của mình, nhưng điều người dân thành phố Hồ Chí Minh trong những tháng ngày khó khăn ấy nhớ nhất chính là lòng nhiệt huyết của người trẻ, là sự lạc quan yêu đời trước hiểm nguy của họ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!