Hiện nay, nhiều học sinh THPT (13-17 tuổi) thờ ơ với việc học hành, cảm thấy chán chường và học không có mục tiêu. Nguyên nhân đến từ nhiều phía, một phần do tâm lý lứa tuổi dễ xao động, kém tập trung, một phần đến từ cách học tập hiện nay còn thụ động, học sinh vẫn còn tâm lý đọc – chép, học vẹt, chạy theo điểm số và các kỳ thi tốt nghiệp dẫn đến sức ép học tập ngày càng trở nên nặng nề. Nhiều em học sinh còn chia sẻ mình đang học vì bố mẹ nói rằng phải học như thế mới tốt cuộc đời của mình.
Tuy nhiên, khi được hỏi, các em học sinh đều bày tỏ mong muốn được chủ động học tập, đi theo ước mơ của mình và mong muốn thay đổi cách học tập của mình để có được sự tự tin để bước vào cánh cửa tương lai đang mở rộng trước mắt. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu khiến chương trình truyền hình thực tế Học sao cho tốt – Hành trình tìm ra phương pháp học tập chủ động ra đời.
Xuyên suốt chương trình Học sao cho tốt – Hành trình tìm ra phương pháp học tập chủ động là sự trải nghiệm những phương pháp học tập thông minh của 3 em học sinh đang gặp bế tắc trong học tập, cụ thể trong bộ phim là môn Toán. Các em mong muốn thay đổi phương pháp để cảm thấy hứng thú hơn trong học tập.
Mỗi nhân vật trong chương trình Học sao cho tốt lại có hoàn cảnh khác nhau. Trong khi Mai sợ học Toán, chỉ thích học tiếng Anh nhưng vì áp lực của bố mẹ cho rằng chỉ học Toán sau này mới thành công, em càng thấy Toán là một cực hình. Diệp không bị áp lực từ gia đình nhưng em cũng không nhận được nhiều sự quan tâm của phụ huynh. Diệp không biết học để làm gì và vì sao phải học Toán.
Khác với hai bạn còn lại, Khoa thích học Toán. Bố mẹ Khoa trao cho Khoa quyền chủ động học tập nhưng Khoa tự áp lực chính mình làm mọi cách để vào được lớp chuyên Toán. Vì quá gây áp lực nên Khoa đánh mất sự hứng thú học tập, thay vào đó chỉ tập trung đối phó được với càng nhiều dạng đề càng tốt.
Với thể loại truyền hình thực tế, chương trình Học sao cho tốt sẽ có các hoạt động giúp 3 học sinh tham gia trải nghiệm các thử thách thay đổi trong phương pháp học của một môn học cụ thể. Các bối cảnh ghi hình xung quanh việc học tập và sinh hoạt của các em gồm có trường học, gia đình, các buổi học thêm nhằm giúp cho khán giả hình dung được không gian và thời gian của nhân vật tham gia chương trình. Những máy quay của chương trình sẽ được đặt tại các bối cảnh trên để ghi lại quá trình thay đổi phương pháp học tập của mỗi học sinh thông qua các thử thách của chương trình.
Trong khi đó, hàng ngày, các em học sinh sẽ gửi nhật ký học tập bằng video ghi lại cảm xúc và suy nghĩ của chính mình khi tham gia trải nghiệm phương pháp học tập mới. Ngoài ra, chương trình sẽ có những người bạn học tập (advisor) hỗ trợ cho các em trong quá trình tìm lại sự chủ động học tập này. Căn cứ để đánh giá sự hiệu quả của phương pháp chính là kết quả học tập cuối kỳ II và thái độ học tập của chính các em học sinh tham gia trải nghiệm.
Theo chia sẻ từ ê-kíp sản xuất, Học sao cho tốt sẽ cho thấy hiện trạng học tập và dạy học trong Nhà trường hiện nay từ góc nhìn của các bạn học sinh, nhìn nhận một cách khách quan về sự kỳ vọng từ phía gia đình và những áp lực mà các em học sinh đang gặp phải. Bộ phim mang tới những góc nhìn khác nhau của 3 bạn học sinh THPT với một câu hỏi quan trọng: Học để làm gì?, và quan trọng nhất, chương trình sẽ giúp các bạn tìm được động lực học tập của chính mình.
Học sao cho tốt dự kiến sẽ lên sóng VTV Đặc biệt vào ngày 7/7 trên kênh VTV1.