VTV Đặc biệt tháng 9: Còn mãi nhịp đập trái tim

Lê Quyền - Trần Yến-Thứ tư, ngày 16/09/2020 11:06 GMT+7

VTV.vn - VTV Đặc biệt "Còn mãi nhịp đập trái tim" dự kiến sẽ phát sóng vào 20h10 ngày 23/9/2020 trên VTV1.

Cháu bé 10 tuổi sau khi được ghép tim của một người lớn đã có suy nghĩ như một người trưởng thành. Người đàn ông 50 tuổi sau khi được ghép tim đã có những thói quen, tính cách giống như người hiến tim cho mình. 

Bạn nghĩ sao về những điều đó? Những lý giải khoa học sẽ có trong chương trình VTV Đặc biệt Còn mãi nhịp đập trái tim dự kiến phát sóng vào 20h10 ngày 23/9/2020 trên VTV1.

VTV Đặc biệt tháng 9: Còn mãi nhịp đập trái tim - Ảnh 1.

Khi một người nằm xuống không có nghĩa là cuộc sống sẽ chấm hết. Trái tim của một người chết não, nếu được sẻ chia, thì có thể mang lại sự hồi sinh cho một người khác và quả tim đó sẽ không ngủ yên, mà vẫn tồn tại trong cuộc sống này. Nhịp đập của con tim sẽ dừng lại, nếu chúng ta không có sự sẻ chia. Nhưng khi quả tim của người hiến hòa nhập trong lồng ngực của người nhận, điều đó có nghĩa những nhịp đập trái tim kia vẫn còn tồn tại.

Ý tưởng của bộ phim Còn mãi nhịp đập trái tim được hình thành từ năm 2015, sau khi BTV Trần Huy được giới thiệu gặp gỡ các chuyên gia đầu ngành tim mạch tại Việt Nam và nghiên cứu thêm các tài liệu trên internet về sự thay đổi tính cách, thói quen, sở thích của những người ghép tim trên thế giới. Không phải bệnh nhân ghép tim nào cũng có sự thay đổi như vậy, tuy nhiên, trên thế giới và ngay tại Việt Nam cũng đã ghi nhận những trường hợp có sự thay đổi một cách kinh ngạc và trùng hợp như vậy.

VTV Đặc biệt tháng 9: Còn mãi nhịp đập trái tim - Ảnh 2.

Ê-kíp làm phim và PGS.TS Nguyễn Duy Thăng, nguyên PGĐ BV Trung ương Huế

3 năm sau khi lên ý tưởng và nghiên cứu tài liệu, BTV Trần Huy cùng các đồng nghiệp mới tìm được nhân vật cho bộ phim, và tiếp tục theo đuổi họ trong vòng 2 năm nữa để ghi lại những điều ly kỳ mà họ từng cảm nhận được. Quả tim là cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể. Đến nay, những sự thay đổi của quả tim khi được ghép từ người này sang người khác, vẫn là những giả thuyết được nhiều nhà khoa học đặt ra. Trong bộ phim này, ê kíp làm phim sẽ giải đáp những câu hỏi xung quanh giả thuyết đó bằng ý kiến khoa học của những chuyên gia tim mạch đầu ngành tại Việt Nam.

Điểm khó nhất của một bộ phim chính là phải tìm được nhân vật. Theo BTV Trần Huy: "Chúng tôi đã từng thất bại với 3 nhân vật ghép tim trước đó. Phải đến đầu năm 2018, tôi mới tìm được nhân vật đầu tiên tại Thành phố Huế, đó là một người đàn ông 52 tuổi được ghép tim xuyên Việt. Sau khi ghép tim, nhân vật này có sở thích ăn mỳ xào, thích chăm hoa, dù trước đó không hề có. Điểm đặc biệt, những thói quen này lại trùng khớp với thói quen của người hiến tim.

VTV Đặc biệt tháng 9: Còn mãi nhịp đập trái tim - Ảnh 3.

Ê-kíp phải chờ đợi ngoài cửa 6 tiếng và khi đó nhân vật mới đồng ý ghi hình

Và giữa năm 2019, nhân vật thứ 2 được ghép tim thành công, là cháu bé 10 tuổi, dân tộc Tày. Sau khi được ghép tim, cháu khỏe mạnh và trưởng thành hơn rất nhiều. Luôn biết lo lắng, suy nghĩ cho bố mẹ. Quả tim của cháu được ghép từ một người đàn ông tốt bụng,

Thế nhưng, tìm được nhân vật thì chúng tôi mới chỉ đi được nửa quãng đường. Một điểm khó nữa của bộ phim chính là liệu nhân vật có hợp tác, có sẵn lòng chia sẻ câu chuyện của mình với chúng tôi hay không. Và liệu họ có những sự thay đổi như mình kỳ vọng hay không. Không có cách nào tốt hơn là mình phải sống cuộc sống của họ, coi họ như những người thân của mình."

Đề cập đến kỹ thuật ghép tim thì không phải là vấn đề mới, tuy nhiên, đề cập đến sự thay đổi về tính cách, suy nghĩ của những người sau khi được ghép tim, thì chưa có một bộ phim nào được sản xuất tại Việt Nam. Càng nghiên cứu, ê-kíp càng thấy vấn đề có nhiều điểm ly kỳ. Trên thế giới có không ít những bệnh nhân thay đổi tính cách, thói quen, sở thích sau khi được ghép tim. Điều kỳ lạ, những điều đó lại giống với tính cách, thói quen, sở thích của người hiến. Điểm đặc biệt và may mắn của bộ phim là đã ghi lại được cuộc gặp mặt lần đầu tiên, hoàn toàn tự nguyện, giữa gia đình người hiến tim và gia đình người nhận tim là cháu bé dân tộc Tày.

Bộ phim còn đề cập đến sự tủi nhục của vợ và con của người hiến, khi phải chịu đựng những lời trách móc, nghi kị từ hàng xóm, láng giềng và chính những người họ hàng trong gia đình về việc vợ bán tạng của chồng. Bộ phim cũng khắc họa sự cô đơn của người vợ mất chồng, đứa con trai nhỏ non nớt thiếu đi tình thương và sự quan tâm của bố. Những mất mát của gia đình người hiến cuối cùng cũng được bù đắp phần nào khi họ gặp lại gia đình người nhận, biết được rằng quả tim của chồng mình, vẫn khỏe mạnh, vẫn tồn tại và giúp cho một cháu bé bằng tuổi con gái của mình, được hồi sinh mạnh mẽ. Đối với họ, điều đó quan trọng hơn bất kỳ giá trị vật chất hay sự nghi kỵ nào. Thông qua bộ phim, ê kíp làm phim hi vọng rằng, người dân, đặc biệt là những người ở vùng nông thôn, sẽ có cái nhìn đúng đắn và sẻ chia đối với nghĩa cử hiến tạng cứu người.

VTV Đặc biệt tháng 9: Còn mãi nhịp đập trái tim - Ảnh 4.

Ê-kíp làm phim "Còn mãi nhịp đập trái tim" tại BV Trung ương Huế

Theo BTV Trần Huy, điều ám ảnh  ê kíp làm phim nhất chính là giọt nước mắt của người vợ và người mẹ của người hiến tim, khi họ chia sẻ về những lời oán trách, nghi kỵ của nhiều người xung quanh dành cho 3 đứa con nhỏ của họ. "Mẹ của chúng mày bán tạng của bố mày lấy tiền cho chúng mày ăn học"; Mẹ mày bán tim của chồng để lấy tiền xây nhà mới,… Hi vọng rằng sau khi bộ phim lên sóng, sẽ không còn những suy nghĩ, những lời nói cay nghiệt như vậy nữa.

VTV Đặc biệt Còn mãi nhịp đập trái tim dự kiến phát sóng vào 20h10 ngày 23/9/2020 trên VTV1.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước