ASEAN và Trung Quốc đã chính thức thông qua bộ khung xây dựng bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC). Thỏa thuận này được coi là một điểm nhấn trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 và các hội nghị liên quan đang diễn ra tại Manila, Philippines.
Nhìn vào kết quả đạt được tại Philippines, TS. Trần Việt Thái – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao cho rằng đây là một bước tiến có ý nghĩa thiết thực đối với hòa bình, ổn định khu vực song lại không mang nhiều tính đột phá.
"Để có được khung xương ngày hôm nay phải mất tới 15 năm – một khoảng thời gian quá dài và đã có quá nhiều sự việc diễn ra. Ngoài ra, đây mới chỉ là cái khung chứ chưa phải bản COC cuối cùng và những thành tố của nó vẫn còn nhiều điểm có thể gây ra tranh luận. Do vậy, tôi cho rằng đây là một điểm tích cực về mặt ngoại giao song vẫn còn nhiều việc phải làm", TS. Trần Việt Thái chia sẻ.
Trả lời cho câu hỏi tại sao đến thời điểm này, Trung Quốc và các quốc gia ASEAN mới đạt được bộ khung về COC, TS. Trần Việt Thái cho biết cả hai phía đều chịu áp lực rất lớn. Tháng 9/2016 tại Vientiane, lãnh đạo cấp cao ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất 3 điểm: thiết lập đường dây nóng, áp dụng công ước COLREG 72 về tránh va chạm trên biển và phấn đấu đạt được một khuôn khổ về COC vào giữa năm 2017.
Cũng theo TS Trần Việt Thái, thông thường, các cuộc họp của ASEAN diễn ra vào tháng 7. Tuy nhiên, năm nay, cuộc họp được lùi lại vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN. Đây cũng là lý do tại sao Trung Quốc và các nước ASEAN đạt được bộ khung về COC vào thời điểm này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!