Theo dự toán thu ngân sách 2016, cả nước có 13 tỉnh, thành phố thu vượt chi và đóng góp trở lại cho ngân sách trung ương. Các địa phương còn lại đều chi vượt thu, buộc ngân sách Nhà nước phải hỗ trợ ngược lại. Trong số các tỉnh, thành phố này, dù là địa phương đóng góp 1/3 ngân sách Nhà nước nhưng TP.HCM lại có tỷ lệ được giữ lại thấp nhất cả nước, chỉ 23%. Điều đó có nghĩa là nếu TP.HCM thu được 100 đồng thì chỉ được giữ lại 23 đồng để chi, 77 đồng còn lại phải cân đối lại cho ngân sách trung ương. Do đó, lãnh đạo TP.HCM đã đưa ra đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết cho địa phương này.
Tuy nhiên, theo đại diện Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, trong bối cảnh ngân sách thâm hụt như hiện nay, việc tăng tỷ lệ điều tiết cho TP.HCM khó thực hiện được. Từ câu chuyện của TPHCM, những câu hỏi đặt ra là tại sao không thể có sự công bằng trong điều tiết cho các tỉnh, thành phố? Liệu cơ chế điều tiết hiện tại có tạo ra hệ lụy là sự ỷ lại của các tỉnh vẫn nhận tiền trợ cấp từ ngân sách trung ương?
Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Đình Ánh – Chuyên gia tài chính cho biết: "Từ chuyện của TP.HCM, rõ ràng đang có tình trạng người thu nhiều nhưng hưởng chẳng bao nhiêu, trong khi nhiều địa phương dường như có tâm lý ỷ lại vào sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước rất lớn. Đây là bất cập, hạn chế trong điều hành ngân sách".
“Sự khác nhau giữa tỷ lệ nộp về ngân sách trung ương giữa các địa phương liên quan tới cơ cấu thu của mỗi địa phương này, do tính chất nguồn thu ở mỗi nơi khác nhau. Nguyên nhân thứ hai là do nhu cầu chi của các địa phương khác nhau” - ông Vũ Đình Ánh phân tích thêm - "Chúng ta thường nói về câu chuyện xin – cho, nhưng trong ngân sách Nhà nước, không dễ để chuyện đó diễn ra như vậy".
"Nhà nước có một nguyên tắc cơ bản, ngân sách là thống nhất, kể cả chia ngân sách trung ương và địa phương theo 4 cấp. Trong cân đối thu chi ngân sách luôn phải tính trên mặt bằng chung của cả nước, kể cả về tổng thu hoặc chi, cũng như trợ cấp. Do đó, chuyện xin – cho là có tuy nhiên không phổ biến, dễ dàng", ông Vũ Đình Ánh nhận định.
Để giải quyết chuyện công bằng trong điều phối ngân sách Nhà nước, mới đây chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân đã đề xuất ý kiến các địa phương có thể áp dụng khoán thu ngân sách. Tuy nhiên, theo ông Vũ Đình Ánh, chính sách này không phủ hợp với Luật Ngân sách Nhà nước, kể cả trong luật cũ và luật mới sẽ áp dụng trong năm 2017.
"Vấn đề ở đây là phải cơ cấu lại chuyện thu chi với không chỉ ngân sách Nhà nước nói chung mà cả với ngân sách địa phương, nhằm kết hợp phân cấp ngân sách Nhà nước để tăng quyền chủ động cho các địa phương", ông Vũ Đình Ánh nói.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!