Đã gần 200 ngày chính thức kể từ ngày xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại Hưng Yên. Đến giờ phút này, thiệt hại đã vô cùng nặng nề, ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân. Công tác ngăn chặn dịch cũng "khó chồng khó" khi nguy cơ dịch còn tiếp tục lan nhanh. Song song với quá trình chống chọi dịch bệnh, quá trình nghiên cứu để ngăn và chặn dịch này cũng được đẩy mạnh.
Dịch tả lợn châu Phi được đánh giá là dịch bệnh nguy hiểm nhất từ trước tới nay khi dịch bệnh này đã lây lan ra khoảng 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, tiêu tốn hàng chục tỷ USD cho việc phòng ngừa. Dù trên thế giới đã sản xuất được 7 loại vaccine dịch tả lợn châu Phi nhưng thương mại hóa các loại vaccine này gặp nhiều khó khăn. Với Việt Nam, một dự án nghiên cứu sản xuất vaccine này đang được tiến hành.
Trang trại của ông Nguyễn Bá Quang là 1 trong 3 trại lợn thử nghiệm vaccine vô hoạt phòng tả lợn châu Phi. Ngày 18/4, 4 con lợn nái và 3 con lợn thịt đã được tiêm mũi đầu tiên của loại vaccine vô hoạt. 24 ngày sau, mũi thứ hai tiếp tục được tiêm.
8 tuần sau, chỉ có 1 con lợn nái bị chết, 6 con còn lại vẫn khỏe mạnh. Một số nái đã đẻ và lợn con khoẻ mạnh. Trong khi đó, những con lợn đối chứng không được tiêm vaccine thì đều chết do dịch tả.
Học viện Nông nghiệp cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm trên diện rộng loại vaccine này và đề nghị có thêm kinh phí để sản xuất từ 300 - 500 liều vaccine phục vụ thí nghiệm.
Thông tin đáng chú ý là một số con lợn của một hộ nuôi tại xã Long Khánh, Cai Lậy, Tiền Giang bị nhiễm dịch tả châu Phi nhưng vẫn sống khỏe mạnh. Mẫu của đàn lợn này được xem là nguồn virus nhược độc tự nhiên có tiềm năng để sản xuất vaccine nhược độc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!