Đã có cơ sở pháp lý để yêu cầu Youtube, Google, Facebook gỡ bỏ thông tin vi phạm

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 19/04/2017 09:40 GMT+7

VTV.vn- Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, báo chí chính thống cần phải mạnh là một trong những biện pháp để đối phó với vấn nạn tin tức xấu, giả mạo đang lan tràn trên MXH.

Trong buổi trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều ngày hôm qua (18/4), Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết để đối phó hiệu quả với tin giả, tin xấu trên mạng xã hội, thì cần thiết có tính chính xác và kịp thời của các thông tin đại chúng chính thống của chúng ta. 

Khi thông tin trên báo chí chính thống không đầy đủ, hoặc chậm thì người dân sẽ tìm đọc thông tin trên mạng xã hội. Và phải nhìn nhận thực tế là số đông người dân tin vào tin tức trên báo chí chính thống. Chính vì vậy việc quy hoạch báo chí, làm trong sạch đội ngũ nhà báo, đảm bảo minh bạch trong tiếp cận thông tin là giải pháp căn bản nhất để áp đảo những thông tin xuyên tạc, sai trái trên mạng xã hội.

Đã có cơ sở pháp lý để yêu cầu Youtube, Google, Facebook gỡ bỏ thông tin vi phạm  - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn (Ảnh: VOV)

Còn đối với các trường hợp vi phạm xác định được nhân thân của người vi phạm thì áp dụng các quy định hiện hành của pháp luật. Luật pháp nước ta có đủ điều kiện để điều chinh hành vi sai phạm đó.

Trong khi đó, với các trường hợp không xác định được nhân thân, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết trước đây việc yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài như Youtube, Google, Facebook gỡ bỏ thông tin vi phạm là rất khó khăn, nhất là các trường hợp có yếu tố chính trị do sự khác biệt về yếu tố chính trị. Tuy nhiên từ giữa tháng 2 trở lại đây, kể từ khi có thông tư 38, Bộ TT&TT đã có cơ sở pháp lý để yêu cầu các doanh nghiệp nêu trên tuân thủ các quy định của Việt Nam.

Chuyện tin xấu tin giả không chỉ là vấn nạn của riêng quốc gia nào, tin xấu, tin giả xuyên biên giới chỉ trong tích tắc, rất nhiều đối tượng tung tin với mục đích khác nhau, bao gồm cả mục đích chính trị, mà người truy cập có thể dễ dàng mắc bẫy.

Trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 9 tới, nước Đức mới đây đã thông qua dự luật buộc các trang mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter và Youtube phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý với những thông tin giả mạo. Nếu không xóa bỏ kịp thời các tin tức sai sự thật, những trang này có thể bị phạt lên tới 50 triệu Euro -  mức phạt mạnh nhất mà Facebook phải đối mặt tại tất cả các quốc gia đang đoạt động.

Đã có cơ sở pháp lý để yêu cầu Youtube, Google, Facebook gỡ bỏ thông tin vi phạm  - Ảnh 2.

Nước Đức mới đây đã thông qua dự luật buộc các trang mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter và Youtube phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý với những thông tin giả mạo

Không chỉ tại Đức, trong nỗ lực khẳng định chỗ đứng của ngành tin tức, ngày 4/4 vừa qua, một số công ty công nghệ và tổ chức phi Chính phủ ở Mỹ vừa chung tay thành lập một quỹ phi lợi nhuận nhằm nâng cao khả năng thẩm định thông tin báo chí của độc giả. 

Quỹ phi lợi nhuận trị giá 14 triệu USD mang tên Sáng kiến toàn vẹn thông tin do các nhà sáng lập của Facebook, Mozilla, Craigslist và Quỹ Ford đồng tài trợ. Thông qua việc tài trợ cho các dự án, chương trình nghiên cứu ứng dụng, cũng như tổ chức hội thảo với các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí. 

Sáng kiến này hướng tới hỗ trợ độc giả kiểm định tốt hơn thông tin họ đọc được và chia sẻ trên Internet. Về lâu dài, các nhà tài trợ mong muốn cải thiện niềm tin của độc giả đối với thông tin báo chí.

Ngoài ra, Google cũng cho biết, từ ngày 7/4, hãng đã làm việc với các bên thứ ba là PolitiFact và Snopes để kiểm tra độ tin cậy của hàng triệu thông tin được tìm kiếm mỗi ngày. Theo đó, Google sẽ cung cấp một tính năng mới dưới dạng tag, giúp người dùng có thể kiểm tra nhanh về chất lượng của các thông tin khi tìm kiếm. Google cho biết, hãng sẽ cùng các đối tác xếp hạng và khuyến cáo người dùng những thông tin có tính xác thực cao từ báo chí thay vì những nguồn khác.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước