Theo thống kê, có đến 78% người được hỏi tại Việt Nam đều khẳng định đã từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội. Cùng với đó, 46% người dùng mạng xã hội đã từng bị vu khống, bịa đặt và bội nhọ thông tin.
Những cơn bão phát ngôn mang tính chất thù nghịch nổi lên hàng ngày, và nhờ sự phát tán của mạng xã hội, sức công phá của chúng lại càng nhanh và mạnh, để lại những tổn thương lớn. Nạn nhân của hiện tượng này có thể là bất cứ ai, một cá nhân, một tổ chức, hay một chính thể. Đây là một vấn nạn toàn cầu chứ không chỉ riêng ở Việt nam.
Làm thế nào để hạn chế hiện tượng xấu này, đó là câu hỏi đặt ra của không chỉ cơ quan quản lý nhà nước, mà các học giả, các nhà hoạt động xã hội.
Cách đây ít ngày, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ ngành liên quan đã tổ chức một hội thảo bàn về các giải pháp làm trong sạch môi trường mạng xã hội. Theo đó, lần đầu tiên, các chuyên gia nghiên cứu, nhà quản lý đã đề xuất xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội Việt Nam nhằm tăng cường thực thi quản lý Nhà nước với những quy định cứng rắn để giảm thiểu và ngăn chặn những thông tin thù nghịch trên mạng xã hội.
Có đến 78% người được hỏi tại Việt Nam đều khẳng định đã từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội
Bộ quy tắc này được xây dựng dựa trên bộ quy tắc ứng xử của liên minh châu Âu, do các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội cùng thống nhất xây dựng.
Bộ quy tắc ứng xử có 8 nội dung, trong đó nội dung chính là công ty công nghệ thông tin sẽ là một trong những đơn vị đi đầu về chống lan truyền các chủ đề thù hận, nói xấu trên mạng. Các công ty này sẽ có một quy trình để xem xét các thông tin thù hận, nói xấu bất hợp pháp và loại bỏ các thông tin bất hợp pháp trong 24 giờ hoặc có thể vô hiệu hoá quyền truy cập vào nội dung này nếu cần thiết. Ngoài ra, các công ty công nghệ thông tin cũng có nhiệm vụ nâng cao nhận thức và giáo dục với ngựời dùng về những nội dung không được phép theo quy định.
Bộ quy tắc ứng xử sẽ tiếp tục được lấy ý kiến rộng rãi của các công ty cung cấp dịch vụ mạng xã hội, người dân, cơ quan quản lý, các nhà khoa học. Dự kiến cuối năm nay sẽ có bộ quy tắc hoàn chỉnh cuối cùng để đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!