Giải cứu lợn đã trở thành cụm từ được nhắc đến nhiều nhất những ngày qua. Và cũng có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có cách dùng từ độc đáo này khi từ "giải cứu" thường được dùng với con tin, thì dường như ở nước ta, cụm từ này lại được sử dụng nhiều hơn với chuối, với dưa, với hành, với lợn... Ít ngày gần đây, không chỉ doanh nghiệp, mà cả hệ thống đoàn thể, thậm chí cả quân đội cũng được kêu gọi tham gia giải cứu đàn lợn ế.
Hàng loạt hộ dân tại Đồng Nai và Hà Nam rơi vào cảnh khốn đốn vì chăn nuôi lợn
Phải giải cứu vì Ngành Nông nghiệp đã cầu cứu tới Chính phủ và cả cộng đồng, nếu không giúp bà con nông dân tiêu thụ gấp số lợn trong chuồng với mức giá đỡ thiệt thòi, thì hậu quả kinh tế và hệ lụy xã hội ko thể lường trước.
Trước con lợn, những ngày đầu tháng 4 này, người dân cả nước đã phải chung tay giải cứu dưa hấu cho bà con ở Quảng Nam, Quảng Ngãi. Giá dưa tại ruộng ở những địa phương này đã "tuột dốc" thảm hại xuống còn 500 - 1.000 đồng/kg. Trong khi phải bán với mức giá gấp 5 lần như vậy mới đủ để bù đắp chi phí mà bà con đã bỏ ra. Đáng chú ý đây là lần giải cứu thứ 3 liên tiếp, sau các mùa hè của năm 2015 và 2016.
Trước con lợn, vào đầu tháng 4, người dân cả nước đã phải chung tay giải cứu dưa hấu cho bà con ở Quảng Nam, Quảng Ngãi
Không chỉ lợn, hành, đầu tháng 3 vừa qua, người dân cả Nam Bộ cũng đã tiến hành giải cứu chuối cho người trồng. Như tại Bà Rịa-Vũng Tàu, người dân xã Tân Lâm và Bàu Lâm ở huyện Xuyên Mộc trồng khoảng 70 hecta chuối mà thương lái không đến mua nên để chín rụng trong vườn. Tại Tây Ninh, khoảng gần 400 hecta chuối cũng đang vào vụ thu hoạch nhưng cũng không có doanh nghiêp thu mua.
Đây chỉ là 3 ví dụ tiêu biểu cho bài toán chưa có lời giải về vấn đề quy hoạch cũng như đầu ra cho sản phẩm của người nông dân trong vài năm trở lại đây. Ngành Nông nghiệp cần phải làm gì để không còn những cụm từ "giải cứu" lợn, hành, chuối... lặp đi lặp lại và người nông dân không còn phải rơi nước mắt trên chính những sản phẩm mình làm ra?