Bạo lực học đường vẫn là một trong những vấn đề nhức nhối, đặc biệt thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận trong thời gian gần đây.
Nhìn lại có thể thấy số văn bản, gồm các thông tư, quyết định, chỉ thị, các văn bản chỉ đạo điều hành và văn bản hành chính khác về phòng chống bạo lực học đường do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trong những năm qua tương đối nhiều. Tuy nhiên, bạo lực học đường vẫn xảy ra và diễn biến phức tạp, đặc biệt, vấn đề này càng trở nên nóng và nghiêm trọng hơn trong những tháng vừa qua.
Trong giai đoạn cuối tháng 3 và đầu tháng 4, hàng loạt vụ bạo lực giữa học sinh với nhau xảy ra ở khắp các tỉnh, thành như Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Ninh, Phú Yên... Bạo lực xảy ra ngay trên bục giảng, trong lớp học, ngoài hành lang, sân trường... Trung bình mỗi ngày, ở Việt Nam vẫn còn tới 5 vụ học sinh đánh nhau. Chỉ trong hơn 3 tháng qua, đã có 310 vụ bạo lực học đường trên toàn quốc, chủ yếu là ở lứa tuổi học sinh THCS và THPT.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm, tại Việt Nam xảy ra gần 2.000 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. So với 10 năm trước, số vụ bạo lực học đường đã tăng gấp hơn 10 lần.
Trước thực trạng ngày càng có nhiều vụ bạo lực học đường với mức độ nghiêm trọng hơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với sự tham dự của tất cả các bộ ngành liên quan và 63 tỉnh thành. Có tới gần 20.000 người tham dự hội nghị tại 640 điểm cầu trên toàn quốc. Số lượng người tham dự cũng như số điểm cầu phần nào cho thấy sức nóng của vấn đề bạo lực học đường hiện đang như thế nào. Trọng tâm của hội nghị là đề xuất những giải pháp để phòng chống bạo lực học đường.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, chương trình Vấn đề hôm nay ngày 17/4 đã mời tới trường quay Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà - Đại học Quốc gia Hà Nội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!