Việt Nam đã là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới. Với 12 hiệp định thương mại tự do đã ký kết, hàng hóa Việt Nam đang có lợi thế đặc biệt khi không phải chịu hàng rào thuế quan như nhiều nước khác. Cũng chính từ lợi thế này, Việt Nam đang chịu sức ép rất mạnh khi rất nhiều hàng hóa nước ngoài đang tìm cách có được xuất xứ hàng Việt nhằm được hưởng các ưu đãi này.
Vì thế, không thể chậm chễ trong việc ngăn chặn tình trạng lợi dụng này, nếu không chính chúng ta sẽ bị thiệt hại lớn về uy tín hàng hóa Việt và chịu sự trừng phạt của các đối tác thương mại do tình trạng này gây ra.
Ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, việc lợi dụng xuất xứ hàng hóa Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế quan hoặc lẩn tránh các biện pháp trừng phạt phi thuế quan giữa thương mại quốc tế của các quốc gia là những thủ đoạn thường thấy trong thương mại quốc tế. Ở Việt Nam, trong thời gian vừa qua cũng diễn ra tình trạng đó.
Ông Nguyễn Phi Hùng trong chương trình Vấn đề hôm nay.
Trên thực tế, có muôn hình vạn trạng các hình thức vi phạm xuất xứ hàng Việt Nam. Đáng lo ngại hơn, các hình thức này ngày càng tinh vi và phức tạp hơn.
Vì thế, chúng ta phải kiên quyết và thực hiện tổng hợp nhiều biện pháp để ngăn chặn việc lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa đi các nước mà Việt Nam được ưu đãi thuế quan. Điều này vừa là để bảo vệ quyền lợi chính đáng của hàng hóa Việt Nam, uy tín của Việt Nam và cũng là trách nhiệm để chúng ta thực hiện các hiệp định thương mại tự do. Không thể để ưu đãi về thuế xuất bị lợi dụng để hàng hóa nước khác trà trộn mượn danh hàng Việt gây hại cho chính chúng ta.
Để làm được điều đó, bên cạnh sự đấu tranh phòng chống quyết liệt của các lực lượng chức năng, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải nêu cao tinh thần trách nhiệm với thương hiệu Việt và nền sản xuất trong nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!