Liên tục trong thời gian gần đây, Bộ Công Thương đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ hàng hóa nước ngoài, có xu hướng mượn xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu nhằm hưởng lợi miễn phí, được miễn hoặc giảm thuế từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.
Tấm năng lượng mặt trời, xe đạp điện, xe tay nâng, lốp xe tải, thép, tôn, gỗ ván ép hay thậm chí cả mặt hàng thủy sản như nguyên liệu tôm trong năm 2018 đều có sự gia tăng số lượng xuất khẩu một cách đột biến từ 20-47%. Theo đại diện Cục Xuất Nhập khẩu, đây là dấu hiệu cho thấy những hàng hóa này đang có nguy cơ gian lận xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế.
Không còn là nguy cơ, mà thực tế, đến nay, đã có ít nhất 19 vụ điều tra chống lẩn tránh được các nước khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Trong đó có EU và Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu với 6 vụ việc, 5 vụ việc từ Hoa Kỳ và 2 vụ việc từ Brazil.
Để kịp thời ngăn chặn tình trạng này, Bộ Công Thương đã đang dự thảo trình Chính phủ đề án "Phòng chống gian lận thương mại trong xuất xứ hàng hóa", trong đó có đề xuất giải pháp chính là phải giám sát chặt chẽ được số liệu về xuất khẩu và nhập khẩu.
Bên cạnh đó, theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, cần phải tăng mức hình phạt đối với doanh nghiệp bị phát hiện có hành vi vi phạm về xuất xứ. Hiện nay, việc xử phạt cao nhất chỉ tới 200 triệu đồng, trong khi nếu thực hiện được một chuyến hàng gian lận xuất xứ trót lọt, doanh nghiệp có thể kiếm lời cả tỷ đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!