Hiện nay, các trường đại học, cao đẳng đang đi đến chặng đường cuối cùng của mùa tuyển sinh năm 2015. Nhiều ngành được dự báo thừa lao động, nhưng vẫn được các trường tuyển với số lượng lớn như: Xây dựng, kế toán, tài chính - ngân hàng, giáo viên...
Tình trạng trên sẽ khiến số người có trình độ đại học trở lên nhưng thất nghiệp hoàn toàn tiếp tục tăng cao và gây nhiều lãng phí cho xã hội. Mặc dù, những người có việc làm bán thời gian mỗi tháng chỉ cần làm việc một giờ và có thu nhập cũng không được tính là thất nghiệp.
Trao đổi với phóng viên VTV trong chương trình Vấn đề hôm nay, PGS. TS. Nguyễn Bá Ngọc - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và xã hội, Bộ LĐ-TB&XH - cho biết: Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do cơ cấu đào tào không phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Đồng thời, chất lượng đào tạo (kiến thức, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm…) chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân khác như: Nhu cầu của các ngành hiện tại cũng chưa tạo điều kiện để sử dụng số lao động trình độ cao và nguyên nhân liên quan đến nhận thức của xã hội.
PGS. TS. Nguyễn Bá Ngọc đã nêu ra 4 giải pháp cơ bản để giải quyết thực trạng trên. Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức trong toàn xã hội và đến từng gia đình, từng thanh niên, để có sự lựa chọn về đào tạo và việc làm phù hợp với năng lực và phù hợp với nhu cầu xã hội. Thứ hai, việc đầu tư, giao chỉ tiêu, đánh giá lao động... phải gắn với hiệu quả công việc. Thứ ba, đổi mới giáo dục đào tạo và dạy nghề để đáp ứng cơ cấu yêu cầu của thị trường lao động và chất lượng thị trường lao động. Thứ tư, chú trọng những chính sách học nghề, thông tin dự báo thị trường lao động, hệ thống tư vấn hướng nghiệp…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trênTV Online!