Sách giáo khoa mới nhưng giá cũ, chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa đã thu hút được các đơn vị tham gia xây dựng các bộ sách, thêm lựa chọn cho học sinh, giáo viên, nhưng các nhà xuất bản chỉ có một lựa chọn giá. Sách giáo khoa giá nào cho đúng?
Đây là một trong những câu hỏi được bàn luận trong chương trình Vấn đề hôm nay, với sự tham gia của TS. Nguyễn Văn Cường - Chuyên gia nghiên cứu về chương trình và sách giáo khoa, Đại học Potsdam, Đức.
Theo ông Nguyễn Văn Cường, việc can thiệp vào giá sách giáo khoa là việc cần thiết từ phía Nhà nước. Tuy nhiên, việc này vẫn phải đảm bảo cơ chế thị trường, nếu áp đặt một giá mang tính hành chính hoặc phi thị trường thì không hợp lý, khó thực thi trong thực tế.
"Giá thành một bộ sách giáo khoa được cấu thành từ nhiều thành phần, trong đó trước hết là phần công của chất xám, tức là tiền phải trả cho các tác giả. Đây là phần quan trọng. Giá thành sản xuất gồm giá chi phí máy móc, chi phí nguyên vật liệu và chi phí cho lao động. Thứ ba là chi phí cho phần phân phối sách giáo khoa. Tiếp sau đó là các chi phí khác như thuế, lợi nhuận của nhà sản xuất...", TS. Nguyễn Văn Cường phân tích.
"Quan sát cho thấy nếu hai bộ sách cùng một giá thì rất dễ có sự không hợp lý, bởi lẽ sách giáo khoa trước đây có điều kiện và chi phí sản xuất khác hiện nay. Ngoài ra, chất lượng sách giáo khoa trước đây cũng khác hiện nay. Tức là các yếu tố tạo nên giá sách giáo khoa đã thay đổi theo hướng tăng và tăng tương đối nhiều vì cách nhau hàng chục năm, đặc biệt là theo yêu cầu mới, chất lượng sách giáo khoa cao hơn, sách mới công phu hơn, đầu tư chất xám nhiều hơn, chất liệu giấy tốt hơn...".
"Nếu doanh nghiệp sản xuất lỗ hoặc không lợi nhuận thì tối thiểu, quá trình sản xuất sẽ không thực hiện được", TS. Nguyễn Văn Cường khẳng định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!