Tham gia giao thông khi có băng tuyết và những điều cần lưu ý

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 29/01/2016 06:34 GMT+7

VTV.vn - Điều kiện thời tiết mưa rét, tuyết rơi, mặt đường trơn trượt, tầm nhìn hạn chế luôn ẩn chứa những mối nguy hiểm khiến người điều khiển phương tiện phải chú ý.

Thời tiết giá rét, có băng tuyết xảy ra trong tuần qua là hiện tượng hiếm khi xảy ra ở một nước nhiệt đới như Việt Nam. Mưa tuyết xuất hiện ở nhiều nơi, không chỉ ở Sapa mà còn có cả ở Ba Vì (Hà Nội), Nghệ An. Hệ quả của hiện tượng này là những thiệt hại nặng nề về chăn nuôi, người dân gặp khó khăn vì rét buốt. Đây là chủ đề đã nhận được sự quan tâm của dư luận trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, bên cạnh việc đề cập đến thiệt hại, một vấn đề khác cũng được bàn luận tới nhiều là an toàn giao thông trong điều kiện băng giá. Chia sẻ trong chương trình Vấn đề hôm nay (28/1), ông Trần Hữu Minh – Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, ngay sau khi có hiện tượng băng tuyết xảy ra ở một số tỉnh miền Bắc, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã có công điện gửi đến tất cả các cơ quan thành viên cũng như địa phương có khả năng xảy ra băng tuyết.

Bên cạnh công điện do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia ban hành, Bộ Giao thông vận tải cũng có một công văn gửi các địa phương, trong đó tập trung vào 3 giải pháp chính. Một là nhóm giải pháp liên quan tới tổ chức giao thông. Hai là các hướng dẫn liên quan tới kỹ năng của người lái xe để đảm bảo lái xe an toàn hơn trong điều kiện băng tuyết. Ba là yêu cầu các cơ quan truyền thông tập trung phổ biến nhanh chóng kiến thức an toàn đến rộng rãi người dân.

Dẫu vậy, từ thực tế cho thấy, thời gian qua nhiều du khách đã bất chấp sự nguy hiểm do băng tuyết gây ra để đến tham quan, du lịch các đại phương thuộc các tỉnh miền núi. Trước tình trạng này, ông Trần Hữu Minh cũng đưa ra một số khuyến cáo: “Mỗi người có một nhu cầu. Tuy nhiên, người dân chỉ tham gia giao thông trong điều kiện băng tuyết nếu như thực sự cần phải đi. Với những trường hợp khi điều kiện băng tuyết gây nguy hiểm đến tính mạng người tham gia giao thông thì cơ quan chức năng cần ra lệnh cấm".

"Với những cung đường bằng phẳng có thể tham gia giao thông với tốc độ chậm khi người lái xe có kỹ năng, cũng như tuân thủ các quy định và cảnh báo. Tuy nhiên, với những cung đường có tuyết đã đóng băng, độ dốc dọc cao thì cơ quan chức năng cần cấm người dân tham gia giao thông trên những cung đường như vậy.

Trong trường hợp người dân bắt buộc phải tham gia giao thông thì cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến đi trong điều kiện khắc nghiệt. Đầu tiên là nghiên cứu kỹ thời gian cho chuyến đi, tiếp đó là có phương tiện tốt, đồng thời trang bị thêm thiết bị hỗ trợ cho người lái xe trong quá trình điều khiện phương tiện như dung dịch tan băng, xẻng xúc tuyết, chổi cào tuyết, đèn pin, nước uống, áo ấm...", ông Trần Hữu Minh phân tích thêm.

Theo ông Trầm Hữu Minh, quá trình biến đổi khí hậu đang có tác động ngày càng lớn tới tất cả các quốc gia, Việt Nam không phải ngoại lệ. Các hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt như băng tuyết, nắng nóng kéo dài, mưa trên diện rộng... có thể xảy ra thường xuyên với cường độ lớn hơn. Bởi vậy, song song với triển khai các giải pháp chung tay chống biến đổi khí hậu, giảm lượng CO2 thải vào không khí, Việt Nam cũng cần chuẩn bị giải pháp ngắn hạn và dài hạn để đảm bảo an toàn giao thông.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước