Vào 21h30 (giờ Việt Nam) ngày 23/4, lãnh đạo của hơn 150 quốc gia trên thế giới đã bắt đầu lễ ký chính thức Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York. Sự kiện này đã cho thấy sự cam kết mạnh mẽ của các nước trong cuộc chiến chống biến đổi khi hậu, song việc ký kết cũng chỉ là một bước đầu tiên.
Cập nhật những thông tin mới nhất về sự kiện này, phóng viên Trần Hà – Thường trú của Đài THVN tại New York cho biết: “Theo danh sách chính thức, sẽ có khoảng 171 nước và tổ chức tham gia ký kết hiệp ước chống biến đổi khí hậu. Đây được coi là bản thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu có tham vọng mạnh mẽ nhất từng được đàm phán".
"Để hiệp ước Paris có hiệu lực cần vượt qua 2 ngưỡng cửa quan trọng. Thứ nhất là phải có ít nhất 55 nước ký kết Công ước khung Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu phê chuẩn hiệp ước này. Thứ 2 là 55 nước đó phải là những quốc gia giữ 55% tổng số lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới. Hiệp ước sẽ bắt đầu có hiệu lực 30 ngày sau khi có sự phê chuẩn của cả 55 nước. Chỉ tiêu đề ra là năm 2020, tuy nhiên, nếu được phê chuẩn một cách nhanh chóng, hiệp ước này sẽ bắt đầu có hiệu lực vào năm 2016 hoặc đầu năm 2017”.
Nhìn lại hành trình hơn 4 tháng kể từ thời điểm Thỏa thuận Paris được ký kết, nhiều người nhận định việc gần 200 quốc gia cùng tham gia ký vào văn kiện này là một kỳ tích. Kết quả này được đánh giá là phần thưởng xứng đáng cho 12 ngày đàm phán cam go vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, quá trình thực thi Thỏa thuận Paris vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Thách thức lớn nhất để thỏa thuận này có hiệu quả thực tế là các quốc gia sẽ thực hiện cam kết của mình đến đâu. Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hiện nay dù có sự tham gia của 195 nước nhưng yếu tố quyết định lại nằm ở chính những quốc gia xả khí thải nhiều nhất.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!