Lộ trình Thỏa thuận Paris và các bước thực hiện của Việt Nam

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 15/12/2015 20:55 GMT+7

VTV.vn - Sau khi Thỏa thuận Paris được thông qua, vấn đề được đặt ra là làm thế nào để thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả thỏa thuận, các bước thực hiện của Việt Nam là gì?

Bà Nguyễn Thị Vân Anh - Phó Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu tại Paris, Pháp (COP 21) cho biết: Theo quy định tại Điều 21 của Thỏa thuận Paris, thỏa thuận sẽ có hiệu lực khi có sự gia nhập của ít nhất 55 bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu năm 1992, chiếm tối thiểu 55% tổng lượng khí nhà kính phát thải.

Thỏa thuận Paris mang lại cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức đối với các nước phát triển và đang phát triển. Do đó, việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả thỏa thuận này đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải có quyết tâm cao, dành nguồn lực, thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế.

Việt Nam cần tiến hành các thủ tục theo quy định về việc ký kết Thỏa thuận Paris; phối hợp với các nước đang phát triển khác trong việc đàm phán để cụ thể hóa các điều khoản trong thỏa thuận và thực hiện các cam kết đã đưa ra, trong đó có các cam kết về cắt giảm phát thải khí nhà kính và thực hiện kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu nêu trong Báo cáo đóng góp tự nguyện do quốc gia tự quyết định (gọi tắt là INDC) đã nộp cho Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2015.

Những hoạt động Việt Nam ưu tiên tiến hành để thực hiện cam kết của mình gồm: thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các nước, các đối tác qua những kênh song phương và đa phương; tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực; qua đó góp phần thực hiện mục tiêu lâu dài của Thỏa thuận Paris là giảm thiểu những thách thức của biến đổi khí hậu, mang lại một tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai sau.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước