Dự kiến, riêng trong năm 2017, Hà Nội sẽ có thêm ít nhất 250 nhà vệ sinh công cộng trên cơ sở ưu tiên các quận nội thành, các điểm du lịch, điểm vui chơi giải trí. Chủ trương xây mới 1.000 nhà vệ sinh theo hướng xã hội hóa được dư luận đánh giá cao bởi thành phố Hà Nội có mật độ dân cư hơn 7 triệu dân, chưa kể 3 triệu người ra vào thành phố mỗi ngày, trong khi số lượng nhà vệ sinh công cộng lại quá ít.
Dù chủ trương đưa ra và bắt đầu triển khai dự án xây mới 1.000 nhà vệ sinh công cộng từ năm 2016 nhưng tiến độ hiện đang bị chậm. TS.KTS Lê Thị Bích Thuận - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng - lý giải nguyên nhân chậm tiến độ của dự án này: "Do chưa có sự phối hợp tốt trong việc bàn giao mặt bằng và vị trí để xây nhà vệ sinh công cộng. Sự phối hợp giữa nhà quản lý và bên triển khai xây dựng cũng chưa được tốt như quản lý điện, nước… Ngoài ra, một số tổ chức, cơ quan, người dân phản đối vì cho rằng ảnh hưởng đến mỹ quan khu vực đặt nhà vệ sinh công cộng và môi trường xung quanh".
Một số người dân ở khu vực làng Yên Phụ phản ánh, vị trí xây nhà vệ sinh công cộng ở bán đảo là không hợp lý vì nơi đây ít người qua lại, chủ yếu là cư dân tới tập thể dục. Trong khi đó, đường Yên Hoa có khá đông khách du lịch lại không có nhà vệ sinh nào.
Vị trí dự kiến đặt nhà vệ sinh công cộng ở làng Yên Phụ được cho là không hợp lý
Tại vườn hoa Yersin, có tới 2 nhà vệ sinh công cộng cũ và mới đặt cách nhau chỉ vài chục mét. Tuy nhiên, người dân đang hào hứng sử dụng nhà vệ sinh thì chỉ vài ngày sau đó, nhà vệ sinh đã bị khóa trái cửa.
Việc người dân và du khách sử dụng nhà vệ sinh công cộng không chỉ giải quyết nhu cầu cá nhân mà còn khiến bộ mặt Thủ đô sạch đẹp, văn minh. Dự án 1.000 nhà vệ sinh công cộng sẽ giải quyết vấn đề này. Nhưng chủ trương tốt cần phải được người dân tích cực tham gia ủng hộ và chính quyền địa phương phải bỏ qua lợi ích cục bộ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!