Sáng nay (23/10), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Theo dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành.
Một số vấn đề mới phát sinh cần bổ sung vào Luật Điện ảnh như: Công nghiệp điện ảnh, thị trường điện ảnh, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong các khâu sản xuất, phát hành, phổ biến và lưu trữ phim; Quản lý nội dung phim phát hành, phổ biến trên không gian mạng và tại địa điểm công cộng; Quy định về phân loại và hiển thị mức phân loại, cảnh báo nội dung phim; Cơ chế thu hút, khuyến khích sản xuất, ưu đãi đoàn làm phim nước ngoài quay phim tại Việt Nam…
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng
Về quá trình xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi), Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau xin ý kiến Quốc hội. Cụ thể, đối với Quy định về sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước, dự thảo Luật đưa ra 2 phương án.
Phương án 1 là Sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước được thực hiện theo một trong hai hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng. Phương án 2 là giữ nguyên quy định của Luật hiện hành (bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim).
"Đa số thành viên Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất với phương án 1" - Bộ trưởng thông tin.
Cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị và chịu trách nhiệm
Đối với vấn đề phổ biến phim trên không gian mạng, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Luật Điện ảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim.
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh
Báo cáo thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về quy định về sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước, đa số ý kiến thành viên Ủy ban lựa chọn phương án giữ nguyên như Luật hiện hành, gồm cả hình thức đấu thầu.
“Vì thực hiện đấu thầu tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân và phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể trường hợp áp dụng hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu)”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội nói.
Về phổ biến phim trên không gian mạng, đa số ý kiến thành viên Ủy ban cho rằng, cần kết hợp việc tổ chức, cá nhân phổ biến phim tự phân loại phim với việc cấp phép phân loại, trong đó chủ yếu là các tổ chức, cá nhân tự phân loại phim; nghiên cứu cấp phép phân loại đối với những cơ sở phổ biến phim có tầm ảnh hưởng lớn tới chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và trong điều kiện có thể cấp phép phân loại được.
Cân nhắc quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh
Đối với Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục, Quỹ được quy định tại Luật hiện hành nhưng đến nay chưa được thành lập. Dự thảo Luật tiếp tục quy định thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Đa số ý kiến thành viên Ủy ban đề nghị cân nhắc quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh trong Dự thảo Luật vì nội dung chi của Quỹ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước; chưa đưa ra giải pháp về khả năng tài chính độc lập.
"Thực tế thời gian qua, khi thông qua một số luật, Quốc hội đã bãi bỏ một số quỹ đã được lập theo các luật chuyên ngành. Trường hợp có quy định thành lập Quỹ, đề nghị làm rõ mục đích, nguồn thu, cơ chế hoạt động và quản lý Quỹ" - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục nêu rõ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!